Nhất nghệ tinh

05:12, 22/12/2017

Xã Hải Xuân (Hải Hậu) xưa kia vốn chỉ có nghề nông, cơ bản độc canh cây lúa và đi biển. Trong thời kỳ đổi mới, người dân đã năng động phát triển thêm ngành nghề kinh tế để nâng cao đời sống. Đến nay, một số nghề như: trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cơ khí và kinh doanh, sửa chữa ngư lưới cụ... đã trở thành thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi đời sống kinh tế và diện mạo quê hương. Trong thành công chung đó, người dân Hải Xuân luôn biết ơn những người tiên phong mang nghề về làng, những người đã chấp nhận đương đầu “vạn sự khởi đầu nan”, quyết tâm học nghề, tìm tòi cải tiến sản xuất cho phù hợp với thực tế của địa phương cũng như tìm kiếm, đánh giá nhu cầu thị trường, rồi nhiệt tình truyền thụ những bí quyết nghề nghiệp cho bà con chỉ với mong muốn nghề mới ngày càng phát triển bền vững trên đồng đất quê hương.

Ông Nguyễn Thanh Thịnh (bên phải) giám đốc Cty TNHH Thái Thịnh, xóm Tân Lập, xã Hải Xuân kiểm tra kỹ thuật chi tiết máy trong sản xuất tời thu lưới cho tàu cá.
Ông Nguyễn Thanh Thịnh (bên phải) giám đốc Cty TNHH Thái Thịnh, xóm Tân Lập, xã Hải Xuân kiểm tra kỹ thuật chi tiết máy trong sản xuất tời thu lưới cho tàu cá.

Nghề trồng hoa bén duyên với đồng đất xã Hải Xuân từ năm 2000, đến nay, cả xã có trên 150 hộ trồng hoa. Từ giống hoa cúc vàng ban đầu, cơ cấu hoa ở Hải Xuân đã đa dạng về chủng loại với hàng chục loại khác nhau như lay ơn, thược dược, ly, đồng tiền, đến nay còn có cả đào, quất, phong lan, mai vàng, đại hồng môn, hồng cổ Sa Pa, các loại cây lá màu, hoa trang trí sân vườn… Không thua kém gì những vùng trồng hoa truyền thống nổi tiếng khác trong tỉnh, hoa tươi từ đồng đất Hải Xuân đã theo chân thương lái đi khắp các tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây. Ông Phạm Hồng Hộ, xóm Bắc được coi là người khởi nghiệp trồng hoa nơi đây. Không chỉ là người đầu tiên mang nghề trồng hoa về làng mà ông còn như một “kỹ sư” nông nghiệp, liên tục nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng những giống cây trồng mới, hoàn thiện quy trình trồng cấy để chuyển giao cho bà con nông dân. 25 năm gắn bó với nghề trồng hoa, ông đã 3 lần nghiên cứu và truyền thụ thành công cách trồng giống hoa mới cho bà con trong xã cùng nhân rộng, phát triển sản xuất. Ban đầu là việc đưa giống hoa cúc về trồng rồi dạy lại bà con quanh xóm cùng làm theo. Tiếp đó, ông lại tìm cách đưa các giống hoa dơn, hoa ly, đồng tiền về trồng trên đất ruộng chuyển đổi. Ông không quản ngại vất vả, từ lúc trông củ nảy mầm, tính toán lượng phân bón, thuốc phòng bệnh cho cây sao cho phù hợp với đồng đất quê nhà, hướng dẫn các hộ trồng hoa cùng làm, tính toán thời gian cho cây trổ hoa vào dịp Tết để giá được bán cao. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục chuyển hướng sang thuần hóa các loài hoa quý từ các vùng miền trong cả nước để làm phong phú cơ cấu giống hoa của quê nhà. Ông lặn lội vào tận các tỉnh miền Nam, Đà Lạt, khi thì lên Viện Nghiên cứu rau củ quả (Bộ NN và PTNT) để học kỹ thuật ươm tạo giống, cho hạt nảy mầm… Ngay cả khi đã thành công, ông vẫn không bằng lòng dừng lại mà tiếp tục suy nghĩ tìm cách ứng dụng công nghệ cao để trồng hoa, sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi thông tin kỹ thuật, thông tin thị trường như những thanh niên thế hệ mới. Đầu năm 2017, trên diện tích đất vườn của gia đình, ông đầu tư xây dựng 720m2 nhà kính trang bị hệ thống thiết bị tưới tự động, kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ để trồng các loài hoa quý. Khi đã trồng thành thục các giống hoa, ông lại mày mò học cách sản xuất cây giống bởi ông nghĩ chỉ khi sản xuất được giống cây tại địa phương thì mới có khả năng nhân nhanh diện tích trồng cấy những loài hoa quý mà thị trường ưa chuộng. Hơn nữa nếu chủ động được nguồn giống sẽ hạ giá thành sản xuất và giúp cho việc thuần hóa hoa nhanh hơn, cây hoa phát triển khỏe, chắc chắn hơn hẳn những cây giống đưa từ vùng khác về. Nghĩ là làm, ông lại “khăn gói” đến khắp những vựa hoa lớn trong cả nước và mang về kỹ thuật ươm giống hoa, dụng cụ nhân cấy giống và rất nhiều gói nhỏ hạt giống hoa nhập ngoại từ Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Úc… để thực hành. Ông quyết định đầu tư xây dựng một chiếc kho lạnh để bảo quản củ, hạt giống và cho hoa nẩy mầm. Luôn luôn có ý tưởng tìm tòi cái mới, chủ động mọi công nghệ, kỹ thuật nhân giống, chăm bón, thuần hóa hoa, cây cảnh, tác phong làm việc của ông cũng tiên tiến, năng động hơn hẳn. Không để nhiều thời gian “chết”, kề cà trà rượu kiểu “nông nhàn”, ông làm việc luôn chân luôn tay. Khi thì vệ sinh sạch sẽ, tẩy trùng tất cả trang thiết bị, đồ bảo hộ để thực hiện kỹ thuật nhân cấy giống hoa trong nhà lạnh. Khi thì tay dao, tay kéo tỉa hoa. Chiếc điện thoại thông minh màn hình lớn lúc nào cũng kè kè bên mình để ông kịp thời truy cập mạng tìm hiểu, đối chiếu quá trình phát triển của hoa, cây cảnh với những đặc tính kỹ thuật và hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia. Với cách làm này, ông đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó trong nhân cấy giống, thuần hóa hoa cây cảnh và được bà con trong xã trông cậy như một kỹ sư thực thụ để tham vấn về cách xử lý kỹ thuật, lách thời tiết, hay phòng trừ sâu bệnh cho hoa ra đúng độ… Tiếp chuyện chúng tôi ngay ở vườn hoa của mình, ông vẫn không ngơi tay. Ông hồ hởi tâm sự: Dựng nghề, khởi nghiệp cho mình đã khó, cấy nghề cho cả làng, cả xã không phải dễ. Nay nghề trồng hoa đã bén duyên với đất này, mang lại cuộc sống ấm no sung túc cho người dân trong làng trong xã nên tôi ý thức được trách nhiệm của mình phải đầu tư công sức để nghề trồng hoa mỗi ngày một phát triển. Tôi tâm niệm các cụ xưa đã dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghề nào cũng phải toàn tâm toàn ý, đam mê với nghề thì sẽ thành công.

Ngoài ông Hộ, tôi còn được đồng chí Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu về ông Nguyễn Thanh Thịnh, Giám đốc Cty TNHH Thái Thịnh, xóm Tân Lập, người có “đôi bàn tay vàng” trong việc chế tạo các loại máy dùng trong hệ thống trang thiết bị của các tàu cá. Trong đó sản phẩm tời kéo lưới dùng cho nghề đánh bắt cá trên biển do Cty ông sản xuất đã nổi tiếng trên cả nước và được nhiều nhà máy đóng tàu đặt hàng để lắp đặt cho những con tàu có trọng tải lớn. Điều đặc biệt theo các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí thì tời kéo lưới chỉ đơn giản là công cụ sử dụng mô tơ thay cho sức người để thu kéo lưới trong khai thác cá trên biển. Nghe có vẻ đơn giản nhưng vấn đề nằm ở chỗ thiết bị phải đảm bảo để tời thu lưới đạt hiệu quả cao, không bị hạ lưới, hạ trì hay xoắn cáp, vặn lưới trong điều kiện tời kéo lưới đang hoạt động trên biển, bị tác động bởi nhiều yếu tố tự nhiên như: trạng thái đối tượng đánh bắt, kích thước lưới, số lượng cá trong lưới và sức nước, sức gió… Để bảo đảm được những yếu tố này ngoài yêu cầu kỹ thuật chuyên môn sâu, người thợ cơ khí còn phải có nhiều kinh nghiệm đi biển, quen với sóng nước biển khơi mới xác định được lực kéo cũng như vận tốc của máy tời cho phù hợp với từng loại tàu và từng ngư trường khai thác. Khó khăn là vậy nên cả nước cũng chỉ một vài cơ sở sản xuất tời kéo lưới và Cty TNHH Thái Thịnh là địa chỉ duy nhất trong toàn miền Bắc làm được sản phẩm này. Ông Nguyễn Thanh Thịnh cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở vùng chân sóng, tôi hiểu rõ ngư dân làm nghề đánh bắt cá vất vả nhất là kéo lưới, đôi bàn tay người nào cũng phồng rộp, chai sần do kéo lưới; nhiều người còn mất cảm giác ở lòng bàn tay vì vết chai quá dầy. Với kinh nghiệm đi biển và kiến thức về cơ khí, từ hàng chục năm nay, tôi quyết tâm chế tạo tời kéo lưới cho các tàu cá để giảm bớt gánh nặng lao động thủ công cho bà con ngư dân. Phải mất 2 năm mày mò thử nghiệm rồi thường xuyên trao đổi với bà con ngư dân tôi mới rút ra bí quyết để chế tạo tời kéo lưới cho riêng mình đó là: phải đảm bảo chính xác hai yếu tố cơ bản là xác định lực kéo và vận tốc kéo cáp phù hợp để có thể thu rút lưới thật nhanh sao cho cá không thể thoát ra ngoài. Do đó máy tời tốt phải có phạm vi biến đổi vận tốc lớn, kéo liên tục nhưng phải êm và không được dừng. Thêm vào đó cần gạt lưới hoạt động nhịp nhàng để lưới trải đều và mềm mại khi thu tránh thiệt hại cho ngư dân… Tuy nhiên đó cũng chỉ là lý thuyết còn thực tế lại phải điều chỉnh từng thiết bị một cho phù hợp với việc đánh bắt của ngư dân. Nhiều con tàu được trang bị hiện đại nhưng phần tời thu lưới không đạt yêu cầu thì chủ tàu không muốn ra khơi vì tời thu lưới quyết định cơ bản hiệu quả của chuyến đi đánh bắt. Vậy nên đến nay tôi cũng chưa mở rộng quy mô sản xuất vì nếu không trực tiếp kiểm tra được từng khâu sản xuất đảm bảo chất lượng thì tôi chưa cho sản phẩm xuất xưởng”. Làm như thế là để bảo đảm uy tín cho Cty. Ngoài sản phẩm tời kéo lưới, Cty TNHH Thái Thịnh còn nổi tiếng với việc cho ra đời sản phẩm máy lên men tỏi đen khi mặt hàng này trở nên sốt trên thị trường. Sẵn nghề cơ khí trong tay, ông mày mò tìm thông tin trên mạng internet về nguyên lý hoạt động của thiết bị ủ lên men tỏi đen tự thiết kế ra thiết bị mới có công suất lớn với nhiều tính năng ưu việt phù hợp yêu cầu sản xuất hàng hóa. Điều đặc biệt là do hiểu rõ nguyên lý đảm bảo độ ẩm và nhiệt độ nồi ủ nên sản phẩm tỏi đen ủ bằng máy do Cty sản xuất có vị chua đặc trưng và không hề bị ướt hay mốc hỏng khi bảo quản trong môi trường tự nhiên. Từ thiết bị này, trung bình mỗi năm gia đình ông đã tiêu thụ vài tấn nguyên liệu tỏi tươi cho bà con trồng tỏi ở các vùng lân cận trong huyện Hải Hậu. 

Trân trọng nghề nghiệp mình đã lựa chọn, đam mê sáng tạo làm mới công việc của chính mình như các ông Phạm Hồng Hộ, Nguyễn Thanh Thịnh là phẩm chất quý giá mà mỗi người lao động cần hướng tới để đạt thành công trong lao động góp phần làm đẹp cho bản thân, làm giàu cho gia đình, xã hội./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com