Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, để các chương trình, dự án khuyến công năm 2017 được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh thực sự hiệu quả, ngay từ đầu năm 2017 Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, Thành phố Nam Định nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) phối hợp với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện và Thành phố Nam Định triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức…
Sản xuất tủ hấp cơm công nghiệp - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017 của Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh). |
Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp đã phối hợp với Phòng Công thương các huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức khảo sát các đối tượng có tiềm năng và hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công UBND tỉnh hỗ trợ. Với sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, các chương trình, đề án khuyến công năm 2017 đã được triển khai đúng tiến độ, chính xác, hiệu quả. Đến tháng 10-2017, Sở Công thương đã trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ 6 chương trình, đề án khuyến công đợt III-2017 với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó có 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới là: kỹ thuật sản xuất nhựa ốp sườn xe gắn máy 2 bánh của Cty CP Hon-Lei Đức Hà (KCN Hòa Xá); sản xuất thạch rau câu hương trái cây của Cty CP Sản xuất và thương mại xuất nhập khẩu Đại Long (Mỹ Lộc) được hỗ trợ mức 400 triệu đồng/mô hình. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng hỗ trợ mức 200 triệu đồng/ứng dụng cho 4 chương trình ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất của các Cty: TNHH Hà Ninh (Nam Trực); CP May Bảo Linh (Ý Yên); TNHH Việt Tiến (Xuân Trường); TNHH Việt Cường (Hải Hậu). Trước đó, trong đợt I và II của năm 2017, đã có 4 chương trình, đề án khuyến công được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 1,172 tỷ đồng gồm 2 chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới của các Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU, huyện Xuân Trường (kỹ thuật sản xuất chấn lưu kép của động cơ điện) và Cty CP Dược AVA GREEN (kỹ thuật sản xuất nước súc miệng hương trầu) với mức 400 triệu đồng/mô hình; 1 chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại (máy chạm khắc gỗ CNC) trong chế biến gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh, huyện Nghĩa Hưng với mức 200 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí tham gia 2 hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tại Hà Nội và Phú Thọ. Như vậy, 3 đợt hỗ trợ trong năm 2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ 2 tỷ 972 triệu đồng để thực hiện 11 chương trình, đề án khuyến công. Với mức hỗ trợ được nâng lên, hình thức hỗ trợ đa dạng theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất mạnh dạn đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo các yếu tố: thiết thực, chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Tiêu biểu như mô hình sản xuất thạch rau câu hương trái cây của Cty CP Sản xuất và thương mại xuất nhập khẩu Đại Long và sản xuất chấn lưu kép của Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU. Là đơn vị đầu tiên trong tỉnh nghiên cứu và sản xuất chấn lưu kép, Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU đã nỗ lực bảo đảm các tiêu chí: chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc… từ 1-2 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm hoạt động ổn định đảm bảo đèn có thể hoạt động trong trạng thái tối ưu, đúng công suất và phát đúng ánh sáng giúp nâng tuổi thọ của đèn. Ngoài ra, sản phẩm của Cty có thể làm việc tốt trong điều kiện môi trường khắc nghiệt (như môi trường có độ ẩm cao, môi trường biển, môi trường có hóa chất độc hại…). Hiện Cty đang sản xuất có 4 chủng loại sản phẩm là: động cơ điện từ 2kW-25kW; máy phát điện từ 2,5kW-50kW; quạt điện và chấn lưu kép công suất từ 1.000W-3.000W. Sản phẩm chấn lưu kép của Cty hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, được sử dụng trên các tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân cũng như trong các công trình chiếu sáng công cộng, nhà xưởng… Sau khi nghiên cứu kỹ các tính năng, tác dụng của thạch rau câu đối với sức khỏe và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ rau câu trên thị trường, Cty CP Sản xuất và thương mại xuất nhập khẩu Đại Long đã đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất thạch rau câu hương trái cây với công suất 300 tấn sản phẩm/năm. Hiện tại, ngoài sản phẩm thạch rau câu hương trái cây Cty còn sản xuất thêm 2 sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng khác là bim bim và kẹo đóng vỉ; các sản phẩm được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt.
Phát huy những kết quả của 3 đợt trước, trong quý IV-2017, Sở Công thương đã hoàn thành các hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ các chương trình, đề án khuyến công đợt 4 gồm: 3 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; 3 chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất và chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017 với tổng kinh phí là 1 tỷ 883 triệu đồng. Các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới được hỗ trợ kinh phí gồm: máy làm gạch không nung của Cty TNHH một thành viên Cơ khí Nam Hải (Vụ Bản); khớp ống nối nhựa phục vụ ngành nước của Cty TNHH Mai Thanh (Nghĩa Hưng); xi phông chậu rửa của Cty TNHH Minh Thành Công (Nam Trực) với mức 400 triệu đồng/mô hình. Các chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất được đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ 188-200 triệu đồng/ứng dụng gồm: nghiền vỏ ngao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Quang Huy và sản xuất các sản phẩm cơ khí của Cty TNHH Châu Long đều ở CCN An Xá (TP Nam Định); sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Cty TNHH Thuận Hồng (Trực Ninh).
Như vậy, trong năm 2017 có tổng số 18 chương trình, đề án khuyến công được UBND tỉnh hỗ trợ với tổng kinh phí 4 đợt là 4 tỷ 655 triệu đồng. Với mức hỗ trợ được nâng lên, hình thức hỗ trợ linh hoạt của các dự án, chương trình khuyến công năm 2017 có tác dụng tích cực giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất có điều kiện và động lực đầu tư đổi mới nâng cao công nghệ, hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất, là nền tảng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thông qua các hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất đã giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mới ngày càng thu hút sự tin dùng của khách hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng doanh thu. Đây là minh chứng rõ nét nhất thể hiện cam kết tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của UBND tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017./.
Bài và ảnh: Thành Trung