Ông Đỗ Duy Cứ sinh năm 1954 ở thôn Thượng, xã Điền Xá (Nam Trực) được người dân trong xã biết đến là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, làm giàu từ nghề trồng và chăm sóc cây cảnh.
Ông Đỗ Duy Cứ, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc cây cảnh. |
Đến thăm nhà ông Cứ khi ông đang miệt mài cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh trong khu vườn, chúng tôi như bị hút hồn trước các thế cây độc, lạ được tạo nên bởi bàn tay tài hoa, khéo léo của ông. Chia sẻ niềm đam mê về cây cảnh, ông Cứ cho biết: “Trước khi đến với nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, năng suất không cao nên đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm thoát cảnh đói nghèo, tôi đã bươn trải đủ các nghề để kiếm sống, những lúc rỗi rãi tôi cùng mấy anh em trong làng lại rủ nhau đi lên làng Vị Khê để tỉa cây thuê. Nhận thấy kinh doanh sinh vật cảnh là nghề hấp dẫn nên tôi đã quyết định chuyển đổi sang trồng cây cảnh…”. Nói là làm, trên diện tích 4 sào ruộng của gia đình, ông đã vượt đất lên để trồng cây. Do có niềm đam mê đặc biệt với cây cảnh, ông thường sưu tầm các loại cây có dáng “độc” về trồng trong khuôn viên của gia đình. Được giao lưu và tiếp cận với các nhà vườn nổi tiếng, ông đã tích lũy cho mình một số kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây cảnh, rồi tự mày mò chọn giống, chăm sóc, tạo dáng, uốn tỉa cành, đặt tên cho các dáng cây khi đã hoàn thiện. Quá trình đô thị hóa phát triển kéo theo nhu cầu về cây xanh, cây cảnh, chậu hoa để trang trí trong mỗi gia đình tăng theo, nhờ thế mà cây cảnh của gia đình ông ngày càng được nhiều người biết đến. Để có được những “tác phẩm nghệ thuật” mang dấu ấn cá nhân, ông đã không ngừng tham khảo, học hỏi trên sách, báo rồi đến các nhà vườn có tiếng ở địa phương để học hỏi và tìm hiểu những cách tạo thế, tạo dáng cây mới, hiện đại đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh của nhiều đối tượng khách hàng. Nói về chăm sóc cây cảnh, ông Cứ hào hứng kể cho chúng tôi nghe về kỹ thuật chăm sóc các loại cây, kỹ thuật chiết cây, cách nhân giống cây, cách làm cho rễ cây lộ ra, cách tạo ra vết chai, cách chiết cành cây cảnh có đường kính lớn... Ngoài ra, ông mạnh dạn áp dụng nhiều tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới như cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh… đúng thời điểm giúp cây phát triển tốt. Không chỉ có con mắt thẩm mĩ cao, ông Cứ còn là người có uy tín với khách hàng. Ông sẵn sàng tới từng nhà khách hàng để tư vấn cách chăm sóc, tỉa lá, bón phân cho cây cảnh… Với những khách hàng chưa có nhiều kiến thức về cây cảnh, ông tận tình chỉ bảo từng chi tiết, tư vấn cách bài trí khuôn viên sao cho hợp lý… Từ những thế cây đơn giản nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của ông đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống. Hiện tại, trong vườn nhà ông có hàng trăm loại cây sanh nhưng mỗi cây mang một dáng vẻ khác nhau có giá bán từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi cây. Theo thời gian, khách hàng tìm đến mua cây cảnh của ông ngày một đông. Ngoài cung ứng trong tỉnh, ông còn bán cho các địa phương lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn truyền đạt những kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cây cảnh cho nhiều người trong làng, ngoài xã. Nhờ nhanh nhạy, năng động trong cách kinh doanh nhà vườn, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động với mức thu nhập từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày. Có thu nhập khá, gia đình ông đủ điều kiện nuôi 3 người con ăn học, tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định.
Đam mê cây cảnh không chỉ đơn thuần là mục đích kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn những nét đẹp của thời gian, là cách để những người chơi tạo ra tâm hồn thư thái, gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên. Trong cuộc sống hối hả hôm nay, mong rằng những người như ông Đỗ Duy Cứ và những nghệ nhân yêu cây cảnh khác luôn sống hết mình với đam mê góp phần đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế hiệu quả./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh