Ðảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác hải sản mùa biển động

07:12, 14/12/2017

Mùa biển động là lúc khởi động vụ cá Bắc (từ đầu tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 dương lịch năm sau). Ðây là thời điểm sóng rất dữ dằn, gió lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của ngư dân trên biển. Ngư dân và các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Ngư dân huyện Nghĩa Hưng chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi.
Ngư dân huyện Nghĩa Hưng chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi.

Hiện nay, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản theo 2 nghề chính là nghề lưới rê và nghề lưới kéo, hoạt động chủ yếu tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung. Ngoài ra, có một số ít tàu cá làm nghề câu, chụp mực, đăng đáy… Mặc dù đội tàu cá của tỉnh đã được đầu tư cải thiện tăng năng lực nhưng việc trang bị các hệ thống thông tin liên lạc và trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu cá của một số ngư dân còn nhiều hạn chế. Vẫn có những tàu sử dụng các trang thiết bị cũ, nát, không đảm bảo an toàn. Một số chủ tàu cá không chấp hành nghiêm túc việc đăng kiểm tàu cá hằng năm, còn để quá hạn. Tình trạng tàu cá tự ý xóa biển số, vạch phân vùng còn phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trạm bờ máy thông tin liên lạc tầm xa của tỉnh hiện đã đưa vào sử dụng để liên lạc với các tàu cá nhưng gặp rất nhiều khó khăn do chủ tàu thường tắt máy thông tin liên lạc để giấu ngư trường; tín hiệu liên lạc của Trạm bờ còn hạn chế do bị nhiễu sóng khu vực. Mùa biển động, ra khơi rất nguy hiểm nhưng ngư dân ai cũng quyết tâm, hăng hái sản xuất. Ngư dân Ðỗ Tiến Dũng, xã Giao Hải (Giao Thủy) cho biết: “Vào mùa biển động, sóng rất dữ dằn và nguy hiểm, khó lường, dông bão có thể bất ngờ xuất hiện. Gặp tình huống ấy, ngư dân chúng tôi phải chịu nhiều thiệt hại vì hỏng máy và có khi còn mất lưới. Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng mùa biển động cũng là thời điểm cá nhiều bởi theo kinh nghiệm đi biển, cứ khi có áp thấp, có bão thì các đàn cá lại tìm cách di chuyển tránh trú. Ðón được các luồng cá di chuyển là có những mẻ lưới đầy. Ngư dân đi biển chỉ trông chờ tôm cá đầy khoang nên gió cấp 6-7 thì tàu vẫn ra khơi bình thường, khi gió lớn hơn mới cho tàu vào bờ neo đậu”. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, khi có bão, áp thấp, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện cấm biển, kiểm soát và cấm tất cả các phương tiện ra cửa biển theo quy định. Ðể hỗ trợ và đáp ứng yêu cầu khai thác thủy sản mùa biển động cho ngư dân, các cơ quan chức năng tích cực cập nhật và thông báo tình hình thời tiết để ngư dân chủ động ứng phó. Theo đó, các thông tin về bão, áp thấp sẽ luôn được cập nhật qua hệ thống trang thiết bị liên lạc trên tàu, thông báo cho các tàu cá đánh bắt ngoài biển và hướng dẫn ngư dân di chuyển phương tiện tránh trú bão, áp thấp. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Phòng NN và PTNT các huyện, UBND các xã, thị trấn ven biển và các đồn, trạm Biên phòng tích cực bám sát địa bàn, tiến hành rà soát, thống kê, phân loại tàu cá, hướng dẫn tạo điều kiện cho ngư dân làm thủ tục đăng kiểm. Sở NN và PTNT rà soát nắm bắt tình hình sản xuất, ngư trường của tàu cá hoạt động trong vụ cá Bắc, qua đó giúp ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả, an toàn. Công tác trực ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, các khu neo đậu cho tàu cá cũng được quán xuyến, giúp ngư dân neo đậu phương tiện vững vàng, tránh trú bão thuận lợi. Ðặc biệt, trong mùa biển động, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cá không mang theo đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển; không thực hiện ghi nhật ký khai thác. Ðẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục vận động ngư dân trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho đánh bắt hải sản và đảm bảo an toàn khi hoạt động xa bờ như radio, máy định vị, máy dò cá, đảm bảo ra khơi thời điểm này, mọi ngư dân đều sẵn sàng ứng phó với sự cố, hạn chế rủi ro. Một trong những “chỗ dựa” không thể thiếu của ngư dân giữa muôn trùng khơi chính là tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Nhờ có quy chế hoạt động rõ ràng nên 18 tổ, đội đoàn kết đã phát huy thế mạnh, tham gia phòng chống thiên tai hiệu quả. Ngư dân Nguyễn Văn Hiếu, xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: “Dù biển động rất nguy hiểm nhưng đã chấp nhận gắn liền với biển thì khó khăn, nguy hiểm cũng phải cố gắng vượt qua. Còn nhớ có lần khi đi khai thác ở ngư trường rất xa bờ thì máy tàu của tôi gặp gió lớn nên bị sự cố, không di chuyển được. Rất may là khi nhận được tín hiệu thông báo tình hình, tàu của tôi được 1 tàu khác cùng tổ hợp tác hỗ trợ, kéo tàu cập bến an toàn. Ra khơi mùa này thường thắng lớn. Cuối năm rồi, ai cũng muốn kiếm thêm tiền để đón tết sung túc”. Ông cho biết thêm, ngày nay tàu cá hiện đại hơn nhiều, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, kênh dự báo thiên tai rất đa dạng, ngư dân không chỉ ra khơi bằng kinh nghiệm nên độ an toàn cao hơn trước rất nhiều. Trong trường hợp đánh bắt xa bờ gặp gió lớn, biển động dữ dội vượt mức dự báo, các tàu cá cũng có đủ thông tin, thời gian di chuyển đến các khu neo đậu gần nhất để tránh trú.

Ðể đảm bảo về người và phương tiện đánh bắt mùa biển động, chủ tàu cá cũng như các thuyền viên cần chấp hành tốt các quy định theo tiêu chuẩn quy định, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình sản xuất trên biển. Chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu và chấp hành mọi sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng mỗi khi gặp sự cố./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com