Vì sao nguồn vốn cho vay hộ nghèo làm nhà ở còn tồn đọng?

05:11, 24/11/2017

 

Những năm qua, việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở tạm bợ, dột nát, từ đó yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến thời điểm này, nguồn vốn cho vay hộ nghèo làm nhà ở do Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai vẫn còn tồn đọng.

Việc hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở được thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2)… Trên cơ sở đó, tỉnh ta đã cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch từng năm góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, nhất là việc hỗ trợ cho các hộ nghèo về nhà ở đạt tỷ lệ cao. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức rà soát, bình xét, lập danh sách các hộ nghèo theo các quy định của Chính phủ. Theo đó toàn tỉnh có tổng số 1.761 hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở. Tỉnh đặt mục tiêu thực hiện theo lộ trình năm 2016 thực hiện hỗ trợ khoảng 10% số đối tượng, năm 2017 là 20%, năm 2018 là 25%, năm 2019 là 25%, năm 2020 là 20%. Thực hiện lộ trình trên, năm 2016, căn cứ nguồn vốn Trung ương phân bổ, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 174 hộ vay với số tiền 4 tỷ 350 triệu đồng (tương ứng 10%). Năm 2017, theo lộ trình đã xây dựng Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh được Trung ương phân bổ tiếp 8 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2017, Chi nhánh đã giải ngân cho 192 hộ vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở́i số tiền 4 tỷ 800 triệu đồng. Như vậy tính đến ngày 31-10-2017, tổng dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở đạt 9 tỷ 140 triệu đồng với 366 hộ có dư nợ, chiếm 20,8% tổng số hộ theo Đề án được phê duyệt.

Được Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản cho vay 25 triệu đồng, gia đình bà Nguyễn Thị Việt ở xã Liên Bảo đầu tư sửa chữa nâng cấp nhà ở ổn định cuộc sống.
Được Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản cho vay 25 triệu đồng, gia đình bà Nguyễn Thị Việt ở xã Liên Bảo đầu tư sửa chữa nâng cấp nhà ở ổn định cuộc sống.

 

Tuy nhiên đến nay, nguồn vốn của chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở vẫn còn đọng và chưa giải ngân được là 3 tỷ 260 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ nằm trong danh sách được phê duyệt là đối tượng thuộc diện được hỗ trợ cho vay vốn đã không còn; nhiều hộ tại thời điểm này chưa có nhu cầu vay do chủ hộ là người già cả cô đơn, người khuyết tật không còn khả năng lao động, những người cùng sinh sống với chủ hộ thuộc hai đối tượng trên không ở trong độ tuổi lao động. Mặt khác, theo đánh giá của ngành chức năng, còn nhiều hộ khó khăn, không có khả năng tự huy động thêm kinh phí để xây dựng vì nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng CSXH chỉ mang tính hỗ trợ, không đủ để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong khi giá nhân công, vật tư, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu ngày càng tăng cao. Ngoài ra, một số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trong diện đang cư trú tại các khu phố (tương đương cấp thôn) thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện. Tuy nhiên, đối tượng được hỗ trợ vay vốn xây nhà ở theo quy định tại Điều 3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, khu dân cư thuộc phường, thị trấn hoặc xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Trên thực tế, nhiều người nghèo trên địa bàn thành phố phần lớn là những người cao tuổi, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đang phải ở trong những ngôi nhà tạm, nhà bị hư hỏng, cần được sửa chữa và xây mới. Những hộ nghèo này cũng rất cần được hỗ trợ nguồn vốn nhưng Ngân hàng CSXH tỉnh cũng không thể giải ngân cho vay do vướng mắc tiêu chuẩn “nghề nghiệp” khiến nguồn vốn của chương trình này cũng bị đọng.

Để triển khai thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh theo đúng lộ trình đã xây dựng, cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cần tiếp tục rà soát và tuyên truyền, hướng dẫn đến các đối tượng thụ hưởng. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát lại nhu cầu vay vốn theo chương trình này tại địa bàn để có kế hoạch giải ngân cho vay kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, Chi nhánh đã trình Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam giảm chỉ tiêu kế hoạch dư nợ năm 2017 đối với chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở là 3 tỷ 200 triệu đồng. Để không lãng phí “cơ hội” nguồn vốn giúp người nghèo “an cư, lạc nghiệp” các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái” huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, dòng họ, quỹ phúc lợi xã hội... giúp đỡ các hộ trong diện được vay tạo nguồn vốn “đối ứng” để có thể xây, sửa nhà ở. Mặt khác, UBND các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc từ các nguồn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ thêm (ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước) cho các hộ nghèo làm nhà ở./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com