Từ đầu năm tới nay, thời tiết khắc nghiệt, giá cả thị trường nông sản biến động liên tục với xu hướng giảm sâu đã khiến sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong tình thế đó, Đảng ủy, UBND xã Trực Thái (Trực Ninh) tăng cường động viên người dân bám ruộng, bám đất, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để khắc phục khó khăn về thời tiết, tạo nên những sản phẩm khác biệt, thúc đẩy tiêu dùng, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng sản xuất.
Chăm sóc nấm ăn tại HTX sản xuất, chế biến nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái. |
Là xã thuần nông với hơn 470ha đất nông nghiệp, người dân có trình độ thâm canh cao, hoạt động ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã có nền nếp nên Trực Thái đã đạt giá trị bình quân 97 triệu đồng/ha đất canh tác. Ngoài canh tác lúa truyền thống, nhờ giàu kinh nghiệm, người dân xã Trực Thái đã tổ chức sản xuất thành công giống lúa lai F1 phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân trong và ngoài tỉnh. Hiện tại xã đã quy hoạch vùng sản xuất giống lúa lai với tổng diện tích 27ha. Toàn bộ diện tích này được ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với Cty TNHH Cường Tân, Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Nếu thời tiết thuận lợi, được mùa, giá lúa giống bán được cao hơn 4 lần so với lúa thường cùng thời điểm, người trồng có lãi cao hơn gấp 2-3 lần sản xuất lúa thường. Xã đã xây dựng được HTX Chăn nuôi theo chuỗi sản xuất an toàn với 13 thành viên thường xuyên duy trì tổng đàn lợn trên 5.000 con. Ngoài ra trên địa bàn xã còn nhiều mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong nuôi trồng, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu và trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản. Để có được kết quả này, UBND xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất; tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây, con, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thuỷ sản; khuyến khích nhân dân tham gia thực hành thí nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Trung bình mỗi năm, các ban, ngành, đoàn thể, HTXDVNN phối hợp với các trường dạy nghề; Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm BVTV huyện mở hàng chục lớp học tập trung và các lớp phổ biến KHKT tại các xóm, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia tìm hiểu kỹ thuật, mô hình sản xuất mới. Từ vốn kiến thức này, người dân đã mạnh dạn thay đổi lối canh tác truyền thống, lạc hậu, lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích cực áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đặc biệt trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay, giá thịt lợn hơi giảm sâu, các hộ chăn nuôi trong xã đã có nhiều cách làm hiệu quả làm giảm bớt những ảnh hưởng của thị trường như giảm dần chăn nuôi lợn thương phẩm chuyển sang nuôi lợn sữa (trọng lượng từ 5-5,4kg) để xuất khẩu. Sản phẩm này không bị phụ thuộc thị trường trong nước nên việc tiêu thụ đảm bảo giá lợn sữa vẫn còn duy trì được ở mức trên 200 nghìn đồng/đầu lợn, người dân đỡ thiệt hại hơn nhiều so với chăn nuôi lợn hơi thương phẩm. Hiện tại toàn xã có trên 10 hộ chuyển sang hướng chăn nuôi này. Không chuyển hướng sang nuôi lợn sữa, nhưng một số hộ thành viên HTX Chăn nuôi đã chuyển hẳn sang nuôi lợn hữu cơ và nuôi lợn bằng thảo dược để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Trang trại Hiền Thục, xóm 5 là một trong những mô hình tiêu biểu của xã trong việc ứng dụng, chuyển giao KHKT mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích gần 6.000m2, anh Nguyễn Văn Thục, chủ trang trại đã quy hoạch thành khu vực ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn trái, hoa cảnh và khu chăn nuôi. Trang trại của anh lúc nào cũng có trên 300 đầu lợn, áp dụng nuôi hữu cơ, tiêm phòng đầy đủ và tự chế biến thức ăn với 3 thành phần chủ yếu là bột cá nhạt, cám ngô và khô đậu tương… Do đó đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt đảm bảo ATVSTP. Từ năm 2016 đến nay, qua tìm hiểu thị trường anh mạnh dạn bổ sung thảo dược (quế, hồi, kim ngân, đậu nành…) vào thực phẩm hữu cơ như cám gạo, ngô, bỗng rượu… thay thế hoàn toàn cám sản xuất công nghiệp. Theo anh Thục, tự chế biến thức ăn giúp anh có thể kiểm soát thành phần, chất lượng thực phẩm hằng ngày, các thảo dược giúp tăng khả năng phòng chống bệnh tật, giải độc, kháng khuẩn cho lợn mà không phải dùng đến kháng sinh. Việc chế biến thức ăn có thảo dược không gia tăng chi phí so với thức ăn công nghiệp, chỉ mất thêm thời gian và công sức chế biến thức ăn và thời gian nuôi lợn sẽ kéo dài hơn so với nuôi công nghiệp khoảng 2 tháng, bù lại sản phẩm bán được giá, không lo đầu ra nên anh vẫn kiên định hướng chăn nuôi lợn sạch bằng thảo dược. Mặc dù do bị tác động bởi tình trạng sụt giảm giá lợn hơi nuôi công nghiệp nên hiện giá bán lợn nuôi hữu cơ chưa cao hơn giá lợn nuôi theo cách thông thường nhưng đây là hướng chăn nuôi có khả năng ổn định bền vững hơn, vì sự an toàn sức khỏe cho cộng đồng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương