"Triệu phú" nghề mạ vàng

05:11, 17/11/2017

Chúng tôi đến thăm xưởng mạ vàng của anh Trần Thanh Bình đặt tại số 54, đường Liên Hà 1, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) vào buổi trưa. Nằm khiêm tốn trong một con ngõ nhỏ, khác với nhiều xưởng sản xuất khác, không khí ở đây rất tĩnh lặng. Dưới ánh điện sáng trưng, những người thợ trẻ chăm chút, tỉ mẩn với công việc.“Đối với nghề mạ vàng, yêu cầu cao nhất là sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Nếu làm “dối”, độ tinh xảo của sản phẩm sẽ không được bảo đảm. Trong công việc, tôi luôn yêu cầu chính bản thân và những người thợ của mình phải say nghề, có trách nhiệm với từng sản phẩm làm ra mới mong có sự thành công”, anh Bình, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Thiên Trường Phát, thành viên CLB Sáng tạo khởi nghiệp thuộc Hội LHTN tỉnh cho biết.

Anh Trần Thanh Bình, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Thiên Trường Phát (TP Nam Định) hướng dẫn thợ trẻ học nghề.
Anh Trần Thanh Bình, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Thiên Trường Phát (TP Nam Định) hướng dẫn thợ trẻ học nghề.

Tốt nghiệp Đại học Thương mại, Khoa Tài chính doanh nghiệp vào năm 2010, Bình đã thử sức mình ở một vài lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Là một thanh niên trẻ năng động, ngay từ năm thứ 2 đại học, Bình đã ứng tuyển làm kế toán cho một doanh nghiệp tại Hà Nội. Ra trường, Bình tiếp tục làm kế toán cho doanh nghiệp này 3 năm. Cuối năm 2013, trong một lần tình cờ thấy một vài sản phẩm công nghệ được mạ vàng, ngay lập tức Bình bị “hút” mắt vào những đường nét tinh xảo mà mềm mại, sang trọng trên sản phẩm. “Một lý do nữa khiến tôi quyết định theo nghề là vào thời điểm đó trên thị trường tỉnh Nam Định có rất ít người làm nghề mạ vàng cho các sản phẩm công nghệ. Tôi nghĩ, nếu mình đầu tư sẽ thành công”, Bình chia sẻ. Xác định mục tiêu kinh doanh, Bình lao vào học nghề. Theo đó, qua một mối hàng quen, Bình được giới thiệu đến một người thợ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mạ điện để học, rèn nghề. Sau những giờ học trên lớp với “thầy giáo”, Bình còn thường xuyên lên mạng, tìm đọc các tài liệu, sách báo hướng dẫn về nghề mạ vàng. Những kinh nghiệm trong buổi đầu học nghề để lại cho Bình rất nhiều bài học “xương máu” và kỷ niệm vui. Bình kể, “vì đang trong thời gian học nghề nên tôi xác định phải mất học phí cho những sai lầm, hỏng hóc. Thời điểm năm 2014 điện thoại iphone 5 đang “hot”. Để bọc vàng cho những chiếc điện thoại này, tôi đã đặt mua vỏ ốp với giá từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/vỏ. Tôi nhớ phải làm đến cái thứ 25 mới thành công. Mặc dù tốn khá nhiều tiền đầu tư nguyên vật liệu nhưng cảm giác của tôi lúc đó “sướng” vô cùng, như là đã chinh phục được điều gì đó lớn lao, ý nghĩa”. Học nghề 1 năm, khi đã nắm vững được những kỹ thuật cơ bản, chuẩn bị vốn liếng, tháng 3-2014, Bình quyết định thành lập Cty TNHH Thương mại Thiên Trường Phát đặt tại 216 đường Hùng Vương (nay chuyển về số 5/176 Cù Chính Lan, TP Nam Định). Cty của Bình chuyên “độ” vàng cho các sản phẩm công nghệ, các mặt hàng trang sức, vật phẩm phong thủy, ô tô hạng sang, nội thất biệt thự… Trong đó, đối với sản phẩm công nghệ, Bình chọn dòng điện thoại cao cấp để mạ vàng. Các sản phẩm trang sức gồm có đồng hồ, kính mắt, thắt lưng. Đồ phong thủy có tượng, nội thất biệt thự gồm các hoa văn trang trí, phào, chỉ… Để có 1 sản phẩm mạ vàng hoàn chỉnh, những người thợ chế tác như Bình phải trải qua 3 công đoạn. Ban đầu là gia công bề mặt, đánh bóng, đánh nhẵn sản phẩm. Bởi nhiều sản phẩm khách hàng đặt mạ đã qua sử dụng, bị trầy xước hoặc đã cũ. Theo Bình, đây là công đoạn khó nhất, quyết định thành phẩm làm ra có đẹp, sắc nét hay không. Vì vậy, đây cũng là công đoạn đòi hỏi tay nghề cao của người thợ. Sau công đoạn đánh bóng bề mặt, thợ thủ công tiến hành mạ nhiều lớp vàng lên bề mặt sản phẩm. Mục đích của công đoạn này là tạo độ bóng cao cho sản phẩm. Với quy trình thực hiện nghiêm ngặt, chuẩn xác, theo Bình 1 sản phẩm mạ vàng trong điều kiện lý tưởng có thể bảo quản được hàng trăm năm. Để định giá cho sản phẩm, Bình căn cứ vào 3 yếu tố: diện tích sản phẩm, độ dầy lớp vàng và độ khó sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm mạ vàng ở xưởng của Bình hiện có đa dạng các mức giá. Có sản phẩm giá chỉ 400-500 nghìn đồng, cũng có những sản phẩm giá 20-30 triệu đồng hoặc hàng trăm triệu đồng… Hiện nay, ngoài mạ vàng cho các sản phẩm kể trên, Bình đang phát triển dòng sản phẩm mạ vàng trực tiếp trên hoa tươi. Cụ thể, nếu như trước đây các cơ sở mạ vàng trong nước nói chung, Cty của Bình nói riêng thường chỉ nhận mạ cho các sản phẩm kim loại thì nay Bình đã nghiên cứu, tìm ra cách mạ vàng trên hoa tươi. Ở dòng sản phẩm này, theo Bình đòi hỏi các kỹ thuật mạ đặc biệt hơn, độ khó cao hơn. Cho chúng tôi xem một bông hoa lan mới được mạ vàng hoàn chỉnh trước đó vài giờ đồng hồ, Bình chia sẻ: “Mạ vàng cho hoa tươi rất khó, vì thành phẩm đòi hỏi phải được bảo đảm về mặt thời gian. Trong khoảng 8-10h đồng hồ, chúng tôi bắt buộc phải mạ xong sản phẩm để tránh cho hoa bị héo, giữ nguyên được hình dáng bông hoa”. Hoa tươi mới hái xuống, những người thợ trong xưởng mạ sẽ bọc lớp nhựa cho hoa, tạo thêm 1 lớp dẫn điện. Sau đó, thợ thủ công sấy khô lớp dẫn điện trong khoảng 1h rồi mới đưa vào bể mạ để mạ sản phẩm. Dòng sản phẩm mạ vàng trên hoa hiện đang rất được thị trường ưa chuộng vì hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, nghiêm túc, đam mê với nghề, từ xưởng mạ, các sản phẩm của Bình nhanh chóng được người yêu thích mạ vàng nhiều nơi biết đến, đặt hàng. Hiện xưởng mạ vàng của Bình đang tạo việc làm cho 4 lao động trong độ tuổi thanh niên với mức lương 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, từ tháng 4-2017, Bình nhận được những đơn hàng lớn mạ vàng cho dòng điện thoại smartphone cao cấp của Tập đoàn Viettel, mạ vàng cho các sản phẩm smartphone, smarthome và các sản phẩm nội thất cao cấp của BKAV. Trung bình mỗi tháng, Cty Thiên Trường Phát nhận mạ vàng cho khoảng 60-70 sản phẩm. Năm 2016, trừ chi phí Bình đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, trừ chi phí, Bình ước tính thu về khoảng 500 triệu đồng. Từ xưởng mạ vàng nhỏ đến Cty mạ vàng có tiếng, phát triển hệ thống đại lý ra 4 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; mua được các loại máy móc hiện đại phục vụ cho công việc như máy mạ, hệ thống bể mạ…, mô hình kinh tế của anh Trần Thanh Bình đã khẳng định sự năng động sáng tạo dám nghĩ, dám làm sẽ dẫn tới thành công. Thành công của anh Bình trước hết xuất phát từ ý tưởng kinh doanh độc đáo, mới mẻ cộng với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, không ngại thử nghiệm, thất bại. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trên còn đường khẳng định bản thân, làm giàu, anh Bình xứng đáng là tấm gương doanh nhân, triệu phú trẻ tiêu biểu cho nhiều thanh niên trong tỉnh học tập, noi theo./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



Khám phá chạy deadline là gì Hiểu rõ gen z là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com