Tỉnh ta có 72km bờ biển, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, vì thế công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có vai trò rất quan trọng. Hiện tỉnh có trên 10.850ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó có trên 3.110ha rừng, chủ yếu là rừng ngập mặn và rừng phi lao chắn cát tập trung ở ven biển. Tuy diện tích không nhiều nhưng rừng ở Nam Định có vị trí và vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản… Do vậy, những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với mục tiêu bảo vệ, duy trì và phát triển rừng hiện có, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng của các cấp chính quyền, vận động các tổ chức và người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). |
Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ thông qua Chương trình 327, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Chương trình 661) và tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, trên những diện tích bãi triều có thể trồng được rừng, tỉnh đã tổ chức trồng rừng đều đặn hằng năm. Đến nay, toàn tỉnh có 3.110,86ha rừng; trong đó rừng phòng hộ là 1.893,41ha; rừng đặc dụng 1.053,68ha; rừng sản xuất 102,4ha; đất có rừng ngoài quy hoạch 61,37ha. Đặc biệt, tỉnh có Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy được công nhận là khu RAMSA đầu tiên của Đông Nam Á, đây là nơi bảo tồn đa dạng nhiều loài động, thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Hiện toàn bộ diện tích vườn đặc dụng được giao cho VQG Xuân Thủy quản lý, diện tích rừng phòng hộ được giao cho UBND các xã quản lý theo địa giới hành chính. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và chủ rừng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: xây dựng các biển báo, phát tờ rơi, tuyên truyền trên đài phát thanh của huyện, xã… Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ rừng và chính quyền các xã có rừng thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Cùng với việc tuyên truyền, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với Bộ đội Biên phòng, VQG Xuân Thủy và công an các xã có rừng thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép… Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ đưa trái phép các phương tiện, công cụ cơ giới vào rừng và 9 vụ phá rừng trái pháp luật (mức độ và quy mô nhỏ). Chỉ đạo thường xuyên cập nhật số liệu diễn biến rừng; tiến hành lập hồ sơ và giao khoán bảo vệ rừng ngay từ đầu năm. Diện tích rừng hiện cơ bản vẫn được bảo vệ tốt; từ năm 2016 đến nay chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Trong công tác sử dụng và phát triển rừng, tỉnh đang triển khai một số dự án như: “Dự án Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020”; “Dự án Giảm sóng, ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ Nam Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng”; “Dự án đầu tư phát triển vùng lõi VQG Xuân Thủy”. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện trồng 33ha rừng phòng hộ, chăm sóc 150ha rừng, trồng trên 400 nghìn cây phân tán. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018 với mục tiêu là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, giảm diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm từ 25-50% so với năm 2017; trồng mới 15ha rừng ngập mặn; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 113ha rừng; trồng mới khoảng 500 nghìn ha cây phân tán phòng hộ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng chưa đồng bộ, chưa thống nhất với quy hoạch sử dụng đất của Sở TN và MT, UBND các huyện có rừng dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp. Do áp lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sinh kế của hàng nghìn người dân sinh sống xung quanh rừng, dựa vào khai thác thủy, hải sản tự nhiên và nuôi trồng trong khu vực rừng ngập mặn nên nhiều diện tích đất bãi bồi có thể trồng được rừng ngập mặn đã được dành cho việc khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản. Là tỉnh chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nặng nề của những cơn bão lớn, áp thấp nhiệt đới, triều cường, những đợt rét đậm, rét hại làm giảm diện tích rừng. Điển hình là cơn bão số 8 năm 2012 đã vùi lấp, cuốn trôi, làm đổ gẫy và làm chết đứng nhiều cây rừng, nhiều khu vực rừng mất trắng. Mới nhất là bão số 10 năm 2017 làm thiệt hại 5ha rừng ở huyện Hải Hậu… Công tác trồng và phát triển rừng ngập mặn cũng gặp nhiều khó khăn khi rừng non mới trồng thường bị con hà bám làm cây sinh trưởng kém và bị chết. Chi phí cho trồng rừng phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí Trung ương cấp và các chương trình, dự án.
Trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương các cấp và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt các dự án bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020 gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân đã hết thời hạn thuê nuôi trồng thủy sản; các diện tích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích để đưa vào trồng rừng. Xây dựng các mô hình đồng quản lý rừng, sử dụng khôn khéo các nguồn lợi từ rừng ngập mặn, đảm bảo sinh kế của người dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản dưới tán rừng nhưng không làm ảnh hưởng đến rừng. Sớm rà soát, xây dựng phương án để tổ chức giao, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng 1 rừng giống chuyển hóa, 1 vườn ươm tạo giống cây ngập mặn để chủ động sản xuất và cung cấp giống cây chất lượng cao tại chỗ, đáp ứng kế hoạch phát triển rừng ven biển trong những năm tới./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh