Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành chủ động xây dựng thiết kế quy hoạch hệ thống các khu đô thị (KĐT) mới trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng vừa đáp ứng tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống người dân vừa ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
Thi công dự án TASECO Shophouse Nam Định trên đường Trần Phú (TP Nam Định). |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các yếu tố cần xem xét để tạo nên đô thị thân thiện, đảm bảo về môi trường gồm: Môi trường sống tốt với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, cơ cấu dân cư thích hợp; tạo được sự phát triển trong cộng đồng với việc làm thích hợp, đảm bảo gìn giữ sức khỏe, điều kiện hưởng thụ giáo dục tốt, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội; tạo ra các điều kiện để hưởng thụ các dịch vụ văn hóa, xã hội; có điều kiện tham gia quá trình quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt, đô thị ứng phó tốt với các biến đổi về khí hậu như bão, lũ lụt và nước biển dâng. Tại tỉnh ta, yếu tố môi trường đã dần được quan tâm hơn trong việc hoạch định xây dựng các KĐT mới, chủ yếu bước đầu là đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường diện tích cây xanh, bảo tồn di sản đô thị. Cụ thể, giải pháp thiết kế quy hoạch và kiến trúc cho các đô thị đã được nghiên cứu xây dựng theo kiểu đan xen giữa các khu vực tập trung những công trình kiến trúc hiện đại với giao thông chính và các dịch vụ xã hội (khách sạn, siêu thị, trường học, bệnh viện…) để mang lại sự thuận lợi cho nhiều người và hạn chế việc di chuyển xa. Sự kết hợp nhiều hạng mục công trình hạ tầng xã hội trong một khối công trình như trung tâm thương mại, văn phòng Cty, khu vui chơi giải trí và các hệ thống nhà ở xã hội sẽ giúp giải được bài toán về diện tích đất xây dựng, đồng thời hạn chế chiếm dụng khoảng không gian xanh. Nhờ đó chất lượng đời sống của người dân được nâng cao mà không phải di chuyển quá xa cũng như hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu áp lực về giao thông đô thị. Hiện tại, ở Thành phố Nam Định đã bước đầu hình thành một số tổ hợp dịch vụ như tại dự án Nam Định Tower trên đường Điện Biên và dự án nhà phố thương mại CL12-CL14 của Cty CP Dịch vụ Hàng không Thăng Long (TASECO) thuộc dự án KĐT Dệt may Nam Định. Đến nay, dự án TASECO Shophouse Nam Định đã hoàn thiện được hơn 70% tiến độ. Dự án có vị trí “vàng”: mặt tiền hướng ra đường Trần Phú, trường học, bệnh viện, công viên, ngân hàng trung tâm thành phố. Đây sẽ là tổ hợp dịch vụ gồm hệ thống cửa hàng kinh doanh mua sắm, quán cafe tại khu tầng 1, dịch vụ văn phòng và nhà ở, khách sạn ở các tầng tiếp theo với mặt nền 40 lô có diện tích sàn từ 75-100m2. Dự án Nam Định Tower hoàn thành sẽ là tổ hợp dịch vụ tích hợp từ khu vui chơi giải trí công nghệ cao, trung tâm thương mại mua sắm, rạp chiếu phim và khu nghỉ ngơi không gian xanh. Không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của thành phố môi trường, hệ thống cây xanh đô thị đã được các cấp, ngành xác định là yếu tố chiến lược của quy hoạch dài hạn cho các đô thị. Bởi thế, bên cạnh các chỉ tiêu cơ bản, các quy hoạch đô thị hiện nay trên địa bàn tỉnh ta thường xác định rõ hệ thống cây xanh theo các dạng: Cây xanh cục bộ (trong nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp), cây xanh chuyên dụng (vườn ươm, phòng hộ, cách ly) và cây xanh công cộng (công viên, vườn hoa, đường phố). Các KĐT mới trên địa bàn thành phố như Mỹ Trung, Thống Nhất và các khu tái định cư như Bãi Viên - Phúc Trọng, Trầm Cá, Đông Mạc, Dầu khí, Cửa Nam, Đồng Quýt đều chú trọng xây dựng vỉa hè kết hợp với cây xanh tạo bóng mát, khuyến khích người dân phát triển các mảng xanh trong kiến trúc ngôi nhà đồng bộ với xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các KĐT mới tại trung tâm các thị trấn đều được xây dựng gắn kết hài hòa với hệ thống hạ tầng xung quanh có hồ điều hòa, công viên cây xanh tạo không gian mặt nước “xanh” trong lõi KĐT. Cốt nền đô thị mới được tính toán đảm bảo kết nối tốt với khu vực cũ xung quanh tránh hiệu ứng “lòng chảo” đô thị.
Đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch về các đô thị sát biển như các thị trấn: Thịnh Long, Rạng Đông, Quất Lâm, quy hoạch về cấp nước, thoát nước… Trong đó tập trung xác định cao độ xây dựng cho các đô thị trong vùng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phù hợp với cấp đô thị, mức độ bảo vệ đô thị, tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, tránh ngập úng, tránh đào đắp lớn. Đồng thời, lựa chọn mốc năm 2050 mực nước tăng +20cm để làm cơ sở nghiên cứu cho hệ thống cốt nền và hệ thống đê điều. Cốt nền xây dựng căn cứ vào cấp đô thị để lựa chọn cao độ xây dựng cho phù hợp, dựa trên các số liệu quan trắc về thủy văn như: tần suất (tổng hợp các yếu tố mực nước dâng do bão kết hợp với triều cường đo tại các trạm quan trắc) và ảnh hưởng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Hiện tại, cao độ nền xây dựng của Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được xác định là: cốt nền cho khu dân cư hiện trạng phía trong đê là hơn 1,7m; các khu vực nằm ngoài tuyến đê sông Ninh Cơ yêu cầu cao độ nền cao hơn so với mức thuỷ triều lớn nhất là từ 1-1,5m; cốt xây dựng tối thiểu là hơn 2,5m, đảm bảo không bị ngập lụt với tần suất lũ hơn 5%. Đối với Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), cao độ nền xây dựng nhỏ nhất đối với khu vực trong đê là trên +2m; các khu vực ngoài đê là +3m, cao độ tuyến đê trung bình là +5m. Các quy hoạch về hạ tầng thoát nước mưa được lồng ghép với việc xác định lưu vực và hướng thoát nước chính phù hợp với địa hình tự nhiên, tận dụng hệ thống kênh mương, sông chính hiện có dẫn dòng chảy ra biển. Cùng với sự phát triển đô thị, đối với mỗi dự án phát triển cần phải xây dựng hệ thống điều tiết thoát nước mưa. Các giải pháp phòng chống lũ lụt, thiên tai đối với từng loại địa hình khu vực đều phải tính đến trong các quy hoạch. Các khu vực ven sông căn cứ vào cao độ mực nước lớn nhất của hệ thống sông ngòi mà có các giải pháp cụ thể như nâng cốt nền, xây dựng đê bao, chuyển lên ở khu vực có nền cao... Khu vực ven biển sẽ được xây mới hoặc nâng cấp, kiên cố hóa khép kín các tuyến kè biển, kè sông bao quanh đô thị để đảm bảo độ an toàn khi có bão, lụt và hiện tượng dâng cao của nước biển. Trồng cây dọc theo tuyến kè nhằm chắn sóng trước kè biển, đồng thời cải tạo hệ sinh thái biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như một “bức tường xanh”, “đê chắn sóng xanh”. Quy hoạch hành lang thoát lũ cho các tuyến sông chính, nâng cao khả năng thoát nước của các tuyến chính.
Phát triển đô thị thân thiện với môi trường, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu là xu hướng xây dựng ngày càng phổ biến và cần thiết trong thời gian tới. Để thực hiện được tốt mục tiêu đó, từng đô thị phải xây dựng các chính sách phát triển bền vững đồng bộ hệ thống hạ tầng, khuyến khích phát triển công nghệ xanh kết hợp có các giải pháp cụ thể để bảo tồn di sản đô thị tạo bản sắc riêng và coi đó là hướng ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Đức Toàn