Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch - Những vấn đề đặt ra

08:11, 06/11/2017

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, sau dồn điền đổi thửa, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tuy nhiên việc triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp khó khăn về bố trí quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn vốn. Giải pháp nào giúp các địa phương phát triển chăn nuôi theo quy hoạch đang là vấn đề cần tập trung giải quyết.

Một trang trại chăn nuôi lợn nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Một trang trại chăn nuôi lợn nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế tất yếu nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi của tỉnh. Bởi, chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn không những giúp người chăn nuôi chủ động kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tỉnh xác định chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Từng bước tổ chức lại chăn nuôi theo hướng liên kết và quản lý theo chuỗi sản phẩm khép kín từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay, việc phát triển chăn nuôi theo quy hoạch tại hầu hết các địa phương trong tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Như ở xã Trực Phú, một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển khá mạnh của huyện Trực Ninh. Từ chăn nuôi nông hộ truyền thống, để nâng cao thu nhập nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, quy mô, hình thành gia trại chăn nuôi. Đồng chí Tạ Ngọc Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Phú cho biết: Sau dồn điền đổi thửa, Trực Phú đã quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung. Xã chủ trương vận động, khuyến khích nông dân thuê đất để phát triển trang trại tập trung quy mô lớn nhằm nâng cao năng suất, tạo ra khối lượng hàng hóa có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Song đến nay chăn nuôi của xã chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, gia trại nằm xen kẽ trong các khu vực dân cư, trong khi đó việc triển khai quy hoạch phát triển chăn nuôi đã được phê duyệt gần như “giậm chân tại chỗ”. Không chỉ riêng với xã Trực Phú, theo số liệu thống kê từ quy hoạch NTM của các xã, thị trấn có trên 2.500ha đất quy hoạch dành cho chăn nuôi, tuy nhiên hầu hết các khu vực này chưa được sử dụng cho chăn nuôi. Hiện vẫn còn 66 trang trại và 8.382 gia trại trong khu dân cư hoặc được xây dựng ngoài phạm vi quy hoạch. Các hộ nông dân vẫn dùng đất thổ cư để sản xuất là chủ yếu, do vậy chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân của việc thực hiện phát triển chăn nuôi theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn đó là mặc dù vùng chăn nuôi tập trung ở các xã đã được quy hoạch nhưng do các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ quỹ đất trồng lúa (theo Nghị định 42 của Chính phủ) nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng gặp khó khăn. Một khó khăn khác khi thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi là các địa phương chưa có nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu vực được quy hoạch nên việc thu hút người dân đầu tư xây dựng trang trại gặp khó bởi phải đầu tư quá lớn, người dân không đủ năng lực tài chính. Các huyện, thành phố đã có quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung nhưng chưa lập quy hoạch chi tiết; chưa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng chăn nuôi tập trung theo kinh tế trang trại, gia trại; chưa có kế hoạch, lộ trình di dời các trang trại, gia trại trong khu dân cư ra vùng quy hoạch. Công tác quản lý đất đai ở các vùng chăn nuôi tập trung chưa thật sự chặt chẽ, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích vẫn xảy ra. Phần lớn các chủ trang trại chăn nuôi thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Ông Vũ Đình Luân, xóm 9, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) - chủ một trang trại chăn nuôi cho biết: Người đầu tư sản xuất chăn nuôi hiện nay chủ yếu là nông dân, có thu nhập và tích lũy vốn thấp. Để đầu tư xây dựng trang trại, tối thiểu cần trên 300 triệu đồng, nhưng việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, số hộ được vay không nhiều, lượng tiền được vay ít, thời gian vay ngắn, mỗi hộ thường chỉ vay được từ 30-50 triệu đồng. Nếu huy động vốn ngoài ngân hàng thì lãi suất cao không đảm bảo hiệu quả đầu tư nên nông dân thường gặp khó trong đầu tư vào khu chăn nuôi tập trung. Ngoài ra, cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ và đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, chưa có chính sách đặc thù cho phát triển trang trại, gia trại.

Nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi của tỉnh phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tiễn tại địa phương, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh lập quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp. Theo đó, hình thành 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông (trừ các xã, thị trấn có làng nghề). Mỗi vùng có 1-2 trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại trong xã. Tùy theo điều kiện đất đai, mỗi xã quy hoạch 5-10ha trở lên để phát triển chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp. Tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt ở các xã ven sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và sông Đào, mỗi xã bố trí đất bãi để trồng cỏ, kết hợp chăn thả tự nhiên và chế biến các phụ phẩm trồng trọt như ngô, lạc, đậu tương, rơm để đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh. Chăn nuôi lợn sữa xuất khẩu ưu tiên phát triển ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và Nam Trực; chăn nuôi lợn thịt tập trung phát triển ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Ý Yên. Chăn nuôi gà công nghiệp tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Vụ Bản; chăn nuôi thủy cầm khuyến khích phát triển ở những xã có nhiều diện tích trũng và các xã ở các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các địa phương khác, quy hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm cần gắn với quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tổ chức sản xuất theo hình thức VAC… Việc quy hoạch phải gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu con giống quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố mẹ ra các huyện, thành phố để chủ động đáp ứng nhu cầu con giống tốt, tại chỗ cho người chăn nuôi nhất là đối với giống gia cầm.

Để phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, khắc phục được các bất cập nêu trên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ. Trước mắt các địa phương cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường cho người chăn nuôi; khuyến khích các hộ tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại. Các địa phương cần hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn để thu hút các cá nhân, tập thể có năng lực vào phát triển sản xuất. Nhà nước cũng cần có những giải pháp có thể tháo gỡ rào cản về đất đai như tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chuyển mục đích sử dụng đất ở các vùng đã được quy hoạch; có chính sách cho thuê đất công trong khu chuyển đổi với thời gian lâu dài hơn… Qua thực tế phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại cho thấy cần nguồn vốn lớn. Vì vậy các địa phương cần làm tốt công tác xã hội hóa kêu gọi được nhiều nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này như: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung của vùng quy hoạch chăn nuôi để người nuôi chỉ tập trung vốn cho trang trại; xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến. Đặc biệt, khi xây dựng dự án, các huyện cần nghiên cứu kỹ quy hoạch chung của tỉnh để tránh chồng chéo. Có như vậy, việc chăn nuôi tập trung của tỉnh mới phát triển ổn định và bền vững./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com