Nhiều doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh sớm

07:11, 30/11/2017

Năm 2017 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do những biến động chính trị lớn trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng cộng đồng trên 7.000 doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2017. Theo Sở Công thương, đến tháng 11-2017 đã có nhiều doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch mục tiêu sản xuất, kinh doanh cả năm.

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP May Sông Hồng, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP May Sông Hồng, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).

Tại xã Xuân Tiến (Xuân Trường), nơi có nghề cơ khí truyền thống phát triển với hơn 30 doanh nghiệp và hàng trăm hộ sản xuất đang hối hả “nước rút” hoàn tất các đơn hàng để hoàn thành kế hoạch năm 2017, chúng tôi gặp ông Phạm Anh Khoa, Giám đốc Cty TNHH Anh Khoa, đơn vị chuyên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao các thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Ông Khoa cho biết: Cty thành lập năm 2009, chuyên sản xuất, cung cấp các loại máy: máy đùn ép thức ăn chăn nuôi cám nổi, cám chìm; các loại máy: nghiền, trộn, sấy, thái cỏ... dùng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản quy mô hộ gia đình và quy mô trang trại vừa và nhỏ với trên 20 chủng loại khác nhau. Hiện tại, mỗi tháng Cty sản xuất được từ 60-90 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho trên 20 lao động với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ cung ứng cho người chăn nuôi cả nước, các sản phẩm do Cty sản xuất đã lắp đặt và vận hành thành công ở nhiều dự án như: Viện nuôi trồng thuỷ sản I (Viện Nghiên cứu Hải sản); Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Hoà Bình; Chi cục Thuỷ sản Lai Châu; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh; Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội… Vừa qua, một sản phẩm chủ lực của Cty là máy chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô trang trại của Cty đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2017. Nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh, năm 2017, Cty “cầm chắc” doanh thu khoảng 30 tỷ đồng, cao hơn năm 2016 9-10 tỷ đồng. Hiện tại Cty đã ký được một số hợp đồng đảm bảo đủ việc làm cho người lao động đến hết quý I-2018. Không chỉ tại Cty TNHH Anh Khoa, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các CCN trên địa bàn huyện Xuân Trường đã nỗ lực phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh, hoàn thành xấp xỉ và vượt mức kế hoạch năm 2017 như các Cty TNHH Nhật Tân đạt doanh thu trên 9,15 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 2,85 tỷ đồng; Cty CP Thanh Bằng đạt 12,9 tỷ đồng, vượt 2,3 tỷ đồng đều ở CCN Xuân Tiến.

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu sản xuất năm 2017, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã tranh thủ tối đa các cơ chế chính sách hỗ trợ của các ngành, các cấp, phát huy nội lực, tăng cường đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các ngành, các cấp trong việc triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đã tiếp sức tích cực cho doanh nghiệp. Nhờ đó, trong năm 2017, nhiều doanh nghiệp thuộc 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Để ứng phó với những khó khăn, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp, tự rà soát, tính toán, tìm điểm mạnh và yếu để khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế mới. Để duy trì sản xuất và đạt mức tăng trưởng khả quan, các doanh nghiệp không chỉ liên tục đổi mới công nghệ sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiên trì xây dựng và áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (các bộ tiêu chuẩn của ISO; hệ thống phân tích các nguy cơ và kiểm soát các điểm trọng yếu trong lĩnh vực nông sản HACCP, quy chế thực hành sản xuất tốt trong lĩnh vực dược và thực phẩm GMP...) để nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Tập trung phát triển chuyên sâu một số dòng sản phẩm chủ lực mà doanh nghiệp có thế mạnh nhất để khẳng định, chiếm lĩnh thị trường. Các doanh nghiệp ngành dệt may phấn đấu trở nên chuyên nghiệp nhất, cung ứng các loại sản phẩm tốt nhất trong lĩnh vực của mình để khẳng định thương hiệu sản phẩm. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã tạo lập được vị thế cao, có thị trường ổn định như: các mặt hàng quần áo bơi, quần áo dệt kim thời trang, hàng nỉ, đồ bơi của Cty CP May Nam Hà; trang phục thể thao của Cty CP Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy; các loại trang phục xuất khẩu FOB và chăn, ga, gối, đệm của Cty CP May Sông Hồng; khăn xuất khẩu của các Cty: CP Dệt may Sơn Nam; CP Thúy Đạt; sản phẩm trang phục xuất khẩu của Cty CP Nam Tiệp... Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề cơ khí, sản xuất thuốc và hóa dược… cũng đã chủ động các phương án khắc phục khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đến nay, CCN Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) đã cơ bản được lấp đầy với 35 doanh nghiệp đầu tư trên 50,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị các loại máy móc hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động trong CCN đều xây dựng và định vị được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp trong CCN đã đầu tư máy phân tích quang phổ trị giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng để nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ đúc kim loại đen (sắt, gang, thép) và kim loại màu (đồng, nhôm). Việc đổi mới thiết bị, công nghệ đã giúp các doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Sử dụng lò đúc điện đã nâng công suất mỗi mẻ đúc từ 100-300kg lên 700-1.000kg; mỗi ngày đúc được từ 2-3 mẻ, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong CCN đã có sự liên kết trong sản xuất, phân chia công đoạn, mặt hàng, thực hiện nhanh chóng các hợp đồng đã ký với khách hàng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trong CCN đã đạt mức tăng trưởng hằng năm từ 15-20% như các Cty: TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng; TNHH Cơ khí đúc Ngọc Hà; TNHH một thành viên Cơ khí đúc Minh Quang; Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí đúc Tân Phú... 

Với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 11 tháng năm 2017 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 44.318,5 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt,… tăng 1,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com