“Đến bây giờ cũng chưa có căn cứ để xác định nghề thêu ren ở quê hương Trung Đông chúng tôi có từ bao giờ, có lẽ phải đến cả trăm năm. Bởi vì khi lứa chúng tôi tầm 9-10 tuổi đã thấy bà, mẹ và các chị làm nghề này. Lũ trẻ chúng tôi tầm tuổi ấy ai cũng bắt đầu học thêu ren, nhiều người gắn bó với nghề đến nay”. Vừa dừng tay kim, tháo cái kính lão lau cho đỡ mờ, bà Vũ Thị Phượng, xóm 5, thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh) năm nay 62 tuổi, có trên 50 năm gắn bó với nghề thêu ren giới thiệu về nghề truyền thống ở quê hương mình.
Gắn bó với nghề từ thơ bé nên bà Phượng nắm chắc về những kỹ xảo, tinh hoa của nghề. Theo bà Phượng, cùng với dệt cửi, thêu ren là một trong hai nghề phụ chủ yếu của các bà, các chị trong xã những lúc nông nhàn. Khác với dệt cửi còn cần sức khỏe tốt; nghề thêu ren chỉ đòi hỏi sự cần cù, nhẫn nại và khéo tay, không kén chọn tuổi tác, già trẻ đều làm được và lại không gò bó thời gian. Thế nhưng không phải nghề thêu ren không đòi hỏi công phu. Từ cách cầm cây kim, “ruôn” (xâu) chỉ, tách tép sợi cho đến các công đoạn khác như: lựa màu, trang trí... sao cho hài hòa, đẹp mắt phần lớn dựa vào óc thẩm mỹ và kinh nghiệm của người thợ. Nghề thêu ren ở Trung Đông có hai loại là thêu trực tiếp trên vải và dùng kim ren chỉ thành những hoa văn, chi tiết rời sau đó đính lên vải tạo những họa tiết nổi. Cả nghề “thêu” và “ren” đều phải dùng mẫu. Trước đây, khi công nghệ in ấn chưa phát triển, mẫu được vẽ trên giấy rồi dùng giấy can thành nhiều bản, cách làm thủ công này mất nhiều thời gian và độ tinh xảo, chính xác của từng chi tiết, hoa văn kém, nhất là những mẫu lớn, nhiều hình, chi tiết nhỏ. Nếu là nghề thêu, mẫu được vẽ trực tiếp lên vải còn nghề ren thì dùng mẫu giấy. Khung thêu ren khác với khung thêu thông thường; không phải khung hình chữ nhật nẹp kéo căng mép vải mà là một ống trụ hình tròn (đường kính khoảng 30-35cm, dài khoảng 1m, hai đầu là gỗ, xung quanh ghép bằng tre, nứa) thường gọi là “em”; một ống (nhựa hoặc nứa) đường kính khoảng 5-7cm, dài hơn “em” (khoảng 1,2-1,3m). Cả “em” và “con em” được bọc bằng vải nâu hoặc bao ni-lông, đặt trên đế gỗ cho mẫu vẽ (để ren) hoặc vải (để thêu) được cố định trên khung bằng chỉ. Ngoài khung thêu, để làm nghề người thợ chỉ cần từ 1-2 chiếc kim khâu (kim nhỏ dùng để bấm mẫu; kim to để mạng chỉ). Nếu không bị gẫy trong quá trình thao tác, người lành nghề như bà Phượng phải dùng hơn 1 năm mới phải thay kim khi kim quá mòn. Khác với thêu trên vải chỉ cần cố định vải đã in mẫu vào khung rồi thêu trực tiếp lên mẫu, nghề ren đòi hỏi tỉ mỉ hơn với 6 công đoạn khác nhau. Công đoạn đầu tiên là đặt mẫu giấy vào khung. Sau đó dùng kim nhỏ bấm vào mẫu theo viền ngoài của mẫu rồi mới ruôn chỉ cố định mẫu; làm “bọ”, mạng (dùng kim đã ruôn chỉ đan, cài hình các chi tiết, hoa văn theo mẫu); “bao đê” (viền thêm chỉ trên các hoa văn, chi tiết). Đến lúc hoàn thành tất cả các công đoạn trên mới cắt chỉ bấm, tháo ra khỏi khung. Thấy tôi vẫn bối rối phân biệt giữa “thêu” và “ren”, bà Nguyễn Thị Đích, hàng xóm sát vách nhà bà Phượng cho biết: Hiểu một cách đơn giản, thêu là dùng chỉ “vẽ” trên vải; còn ren là dùng chỉ “đan” các hình mẫu, chi tiết rồi mang sản phẩm đã hoàn thành đính cố định trên vải để trang trí. Thêu thì dùng chỉ nhiều màu để làm nổi bật các chi tiết, hoa văn mẫu. Còn ren thì thường dùng một loại chỉ cùng màu để “đan” nhưng với tài hoa, kỹ thuật tinh xảo và bàn tay khéo léo của các bà, các chị các sản phẩm ren vẫn nổi bật những “điểm nhấn” như: đường nét, chi tiết hoa văn, họa tiết nổi của sản phẩm. Mặc dù khung thêu chỉ dài khoảng 1m nhưng lại có thể thêu được các sản phẩm có kích thước tối đa tới 3,1m chiều dài, 2,4m chiều rộng. Còn đối với hàng ren có thể “đan” các sản phẩm nhỏ nhất có kích thước mỗi cạnh 3-4cm và tối đa có thể rộng 50cm, dài đến 2m. Để làm được những mẫu ren “vượt cỡ” như trên, người thợ phải chia mẫu thành từng phần, cuối cùng mới ghép lại với nhau thành sản phẩm hoàn chỉnh. Với tài hoa, kéo léo của người thợ, mũi kim, sợi chỉ trên khung thêu lúc lên, khi xuống; rẽ phải, sang trái uốn khúc, lượn quanh chẳng mấy chốc bức ren hình thành với đầy đủ hoa, lá, cành hoặc ô vuông, hình tròn, trái trám... Sản phẩm ren thường được dùng để đính trên khăn trải bàn, áo gối, khăn ăn, tranh treo tường, ga trải giường, kể cả các sản phẩm thời trang áo, váy... Sản phẩm của làng nghề không chỉ được ưa chuộng trong khắp mọi miền đất nước mà được xuất khẩu sang các nước thuộc khối EU như: Đức, Pháp...
Bằng cây kim, sợi chỉ và bàn tay khéo léo của người thợ, nghề thêu ren truyền thống đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân Trung Đông. Theo bà Đích, bà Phượng thời điểm cực thịnh (những năm 80, 90 của thế kỷ trước) cả thôn có đến 90% số hộ làm nghề với trên 1.000 tay kim. Những lúc nông nhàn hoặc khi giáp hạt, thêu ren tuy là nghề phụ nhưng lại là “cần câu” tạo thu nhập chính để trang trải các khoản sinh hoạt trong gia đình. Một số hộ trong xã như bà Hợi, ông Vinh, ông Đại... có tiềm lực tài chính, qua quá trình làm nghề, giao dịch với chủ hàng, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường đã mạnh dạn đứng ra làm đại lý nhận hợp đồng, cung ứng mẫu, nguyên liệu cho các hộ làm nghề trong xã nhận gia công tại nhà. Từ năm 2000 trở lại đây, nghề thêu ren truyền thống của xã Trung Đông bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm thêu máy; lao động trẻ chuyển sang làm các nghề khác nên làng nghề sa sút, trầm lắng do giá trị ngày công thấp. Từ chỗ cả xã làm nghề đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ còn trên 100 tay kim, là những người không thể chuyển nghề hay đi xa tìm việc làm, tranh thủ thời gian rỗi. Với những lý do trên, bây giờ, thu nhập bình quân của người làm nghề chỉ khoảng 30 nghìn đồng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với những nghề lao động phổ thông khác.
Sau một ngày ở làng nghề thêu ren truyền thống xã Trung Đông, trở về tôi thấy ngẩn ngơ tiếc cho một nghề truyền thống đã làm nên sắc thái riêng cho địa phương với sự tài hoa, khéo léo, nhẫn nại của người thợ. Bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng thở dài tiết nuối với lời than của bà Đích: “Tiếc cho một nghề truyền thống đã gắn bó cả trăm năm. Vài năm nữa, lứa chúng tôi già yếu chắc mất nghề!”./.
Thành Trung