Tháng 10, gió heo may trên những cánh đồng đưa cây nghệ “xuống nước” nuôi những chùm củ to tròn, bóng mẩy đang vùi sâu mình dưới lớp đất cát. Giữa mênh mông đồng ruộng, 4 sào nghệ của gia đình chị Vũ Thị Trang, xóm 14, xã Hải Quang (Hải Hậu) óng lên màu xanh mướt mát. Vài năm trở lại đây, bên cạnh những cây trồng truyền thống, nhiều hộ nông dân ở Hải Quang ngày càng quan tâm đến cây nghệ. Họ “nhân giống” rồi phủ xanh màu lá nghệ trên nhiều diện tích đồng đất, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Chị Vũ Thị Trang (áo đỏ), xóm 14, xã Hải Quang (Hải Hậu) chăm sóc vườn nghệ của gia đình. |
Gia đình chị Vũ Thị Trang phát triển mô hình VAC đã được vài năm nay. Hằng ngày chị Trang bắt đầu công việc khi mới 5h sáng để chăm sóc đàn lợn, gà trong chuồng, ngoài ra chị còn cấy lúa, trồng sen, trồng cây ăn quả… Dưới mặt nước ao trong xanh, lúc nào gia đình chị Trang cũng có vài tấn cá thịt xuất bán. Với diện tích đất đấu thầu 3,5 mẫu, trang trại của gia đình chị Trang là một trong những trang trại lớn nhất ở Hải Quang. Bận rộn là thế nhưng tranh thủ những ngày ít việc, chị Trang còn chạy xe xuống các xã như Hải Đường, Hải Sơn, Hải Long… để thu mua nghệ, tinh bột nghệ. Nhận thấy, thời gian gần đây, khi cây nghệ ngày càng được giá, thương lái khắp nơi đến thu mua nhiều, chị Trang đã quy hoạch một phần diện tích vườn nhà để chuyển sang trồng nghệ. Tháng 2 âm lịch hằng năm, khi những cơn mưa mùa xuân rây rây rải nhẹ ướt đều mặt đất, chị Trang bắt đầu làm đất kỹ càng để chuẩn bị cho vụ trồng cấy mới. Cũng giống như gừng, nghệ cần loại đất mềm, tơi xốp, thoát nước tốt. Do đó, trước khi trồng, chị Trang cày bừa kỹ, phơi ải, làm sạch cỏ rồi mới đánh luống để trồng. Theo đó, mỗi luống nghệ của chị cao từ 20-25cm, rộng 1-1,2m. Quá trình làm đất, chị Trang bón thêm phân để tăng chất dinh dưỡng, tận dụng phân chuồng từ việc nuôi lợn kết hợp thêm các loại phân lân. Có 2 cách bón phân mà chị Trang hay sử dụng, rải đều trên đất hoặc bón trực tiếp vào từng rãnh, hốc cây. Công đoạn làm đất xong xuôi, chị Trang mang nghệ giống “để dành” từ mùa trước ra trồng. Củ nghệ làm giống phải là củ tốt, to tròn, không có sâu bệnh, không bị dập nát. Với những củ có nhiều nhánh, chị Trang cẩn thận tách riêng từng nhánh nhỏ sau đó mới vùi xuống đất. Cứ cách khoảng 30 phân chiều ngang, 40 phân chiều dọc chị khoét một lỗ để trồng cây giống. Sau khi cấy nghệ, chị khỏa một lớp đất mỏng rồi lấy rơm rạ phủ lên trên. Chị Trang rất chú ý đến việc tưới nước, giữ ẩm để củ nghệ nhanh ra mầm. Sau khoảng một tuần mầm nghệ bắt đầu nhú lên. Chị Trang để nguyên lớp rơm rạ phía trên vì mầm nghệ mọc khá khỏe. Khi nghệ bắt đầu nhú ra khỏi mặt đất, cách ngày chị Trang lại ra vườn kiểm tra một lần để xử lý các mầm hỏng. Nếu có cây thối, chị kịp thời thay cây mới. Với mục đích trồng lấy củ nên chị Trang không quá chú trọng đến việc chăm sóc lá nghệ vì nếu lá cây tốt quá thì củ sẽ nhỏ. Để củ có thể phát triển tốt hơn, sau khi cây nghệ mọc được 20-25 ngày (nghệ đã có khoảng 6 lá), chị Trang bón thêm kali hoặc tro bếp và vun gốc để tạo độ xốp cho đất, kích thích cây phát triển nhanh. Nếu lá nghệ phát triển quá nhanh, chị Trang cắt bỏ một số lá, giảm bớt nước tưới hạn chế sự ra lá. Sau khi cây phát triển chậm lại, chị tiếp tục tưới ẩm, vun gốc để đất tơi xốp. Điều đặc biệt, theo chị Trang, nghệ là loại cây rất ít bị sâu bệnh. Do đó, “trong cả mùa nghệ, tôi không phải phun thuốc sâu cho cây lần nào, vì vậy việc trồng nghệ khá nhàn. Đối với người tiêu dùng thì yên tâm về chất lượng sản phẩm”. Với quy trình chăm sóc tốt, tháng 10, tháng 11 hằng năm là thời điểm vườn nghệ nhà chị Trang cho thu hoạch. Quan sát trên luống nghệ, chị Trang không còn thấy lá non mọc ra, các lá già bắt đầu khô lại, ngả màu vàng nhạt. Đào thử một bụi chị Trang thấy vỏ củ nghệ ngả màu vàng sẫm, da đã bắt đầu bóng là lúc chị có thể bắt đầu mùa thu hoạch. Thu hoạch nghệ cũng giống như thu hoạch gừng, chị Trang dùng cuốc để xới rồi rũ lấy củ. Khi đào cần nhẹ tay để tránh làm trầy, dập nát củ tạo vết thương và sâu bệnh dễ xâm nhập. Sau khi thu hoạch xong, chị Trang để củ nghệ vào chỗ khô ráo, thoáng mát. Trung bình 1 sào, chị Trang thu được từ 3-4 tạ nghệ củ. Chị thường nhập cho thương lái với mức giá 8-10 nghìn đồng/kg. Mấy năm nay khi thị trường chuộng mặt hàng tinh bột nghệ, chị Trang cũng như một số hộ gia đình trồng nghệ khác ở Hải Quang còn chuyển sang chế biến tinh bột để có giá trị kinh tế cao hơn. Theo đó, một số hộ gia đình trong xã đầu tư thêm máy móc để làm tinh bột nghệ. Họ mua máy xay nghệ, rửa sạch củ, phơi khô, xay… làm tinh bột. Cũng theo chị Trang, giá tinh bột thành phẩm có thể cao hơn rất nhiều so với giá nghệ tươi. Hiện, giá 1kg tinh bột nghệ được thương lái thu mua với mức dao động từ 250-350 nghìn đồng/kg. Nghệ tươi cũng như tinh bột làm ra đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Người tiêu dùng rất ưa thích giống nghệ được trồng trên đồng đất Hải Quang bởi củ nghệ vừa chắc, nạc thịt, khi xay thành bột có mùi thơm đặc trưng của nghệ. Theo ước tính của chị Trang, với 4 sào nghệ năm nay chị thu về 13-14 triệu đồng. “Nếu chịu khó chế biến thành tinh bột thì hiệu quả kinh tế cao hơn. So với cấy lúa, tôi tính trồng nghệ nhàn và thu nhập tốt hơn”, chị Trang cho biết thêm. Chính vì vậy, ở Hải Quang nói riêng, Hải Hậu nói chung, diện tích cây nghệ không ngừng được mở rộng. Hiện nay ở nhiều xã như Hải Đường, Hải Sơn, Hải Chính, Hải Long…, cây nghệ ngày càng được bà con nông dân ưa chuộng, trồng nhiều. Riêng tại Hải Quang, cũng theo ước tính của chị Trang có khoảng 30 hộ gia đình trồng nghệ, tập trung nhiều ở xóm 14. Trong xóm có một số gia đình trồng nhiều như: hộ gia đình chị Lại Thị Vóc, anh Lương Trung Tuyến, gia đình anh chị Đình Huế… Mặc dù thời điểm hiện tại nghệ đang được giá và có thị trường nhưng những người trồng nghệ như chị Trang hy vọng giá cả, đầu ra cho sản phẩm sẽ ổn định hơn trong thời gian tới. “Trước đây, một số loại cây trồng như ớt, cà chua, chanh, khoai lang… thời gian đầu cũng có thị trường và đầu ra ổn định. Tuy nhiên sau đó những nông sản này bị rớt giá rồi bị tư thương ép giá liên tục khiến người nông dân như chúng tôi lao đao, lo lắng. Với cây nghệ chúng tôi hy vọng đầu ra sản phẩm ổn định để người nông dân yên tâm sản xuất”.
Thời gian này, vườn nghệ nhà chị Trang cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Hải Quang đã lác đác có người đến hỏi mua nghệ. Tiếng cười nói, trao đổi, trả giá ồn ào, náo nhiệt. Giữa những luống nghệ xanh, thẳng tắp, đâu đó còn sót lại những bông hoa trắng ngà cuối mùa tỏa mùi thơm dịu nhẹ. Làng quê thanh bình, yên ả. Đi sâu vào các dong ngõ, dễ dàng bắt gặp ngoài vệ đường, cạnh bờ kênh, men theo các ngõ nhỏ, mép sân, cạnh hiên nhà… những hàng nghệ tươi xanh. Từ một gia vị thuần túy được dùng trong bữa ăn hằng ngày, cây nghệ giờ đây đã tìm được vị thế mới với giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân