Sản xuất vụ đông 2017 nhiều khó khăn

08:10, 31/10/2017

Theo kế hoạch, vụ đông 2017, toàn tỉnh gieo trồng 13 nghìn ha rau màu trở lên, trong đó có trên 4.000ha trên đất 2 lúa với các loại cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: khoai tây 2.400ha, bí xanh 1.000ha, cà chua 800ha, ngô 2.300ha, đậu tương 500ha, khoai lang 800ha và diện tích còn lại là các cây rau, đậu ngắn ngày.

Về quan điểm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục quán triệt chủ trương không làm vụ đông theo phong trào. Kiểm tra, rà soát và lựa chọn các xứ đồng trồng lúa mùa có khả năng cho thu hoạch trước, có điều kiện tưới - tiêu chủ động để sản xuất cây vụ đông. Tập trung sản xuất một số loại cây thực sự có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ tốt như: bí xanh, khoai tây Đức và các cây chế biến xuất khẩu trên đất 2 lúa, đất lúa - màu. Trồng đa dạng và đa thời vụ các loại rau, củ, quả truyền thống trên đất chuyên màu. Sớm chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để nhập đủ giống cây trồng vụ đông; tổ chức tốt công tác tập huấn kỹ thuật sản xuất cây vụ đông và gieo trồng đúng thời vụ. Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất “cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị” và sản xuất nông sản sạch, an toàn gắn với nhãn hiệu hàng hóa. Các huyện, thành phố ưu tiên kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa và kinh phí hỗ trợ NTM đầu tư xây dựng kênh mương tưới tiêu cho các vùng sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa. Lựa chọn, sử dụng bộ giống tốt (ngắn ngày, năng suất và chất lượng cao) và phù hợp với từng chân đất. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông.

Nông dân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cà chua vụ đông.
Nông dân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cà chua vụ đông.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, vụ đông năm nay có những thuận lợi nhất định, đó là hệ thống các công trình thủy nông, thủy lợi nội đồng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất. Đồng ruộng tiếp tục được chỉnh trang, kiến thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho thâm canh và áp dụng cơ giới hóa. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm một số doanh nghiệp, cơ sở tư nhân đầu tư sản xuất rau quả sạch và rau quả an toàn theo công nghệ cao, quy trình VietGAP - là tiền đề để một số sản phẩm cây vụ đông của tỉnh vào được các siêu thị, khu công nghiệp và các nhà máy chế biến. Nhiều tiến bộ về giống, nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả đã được khẳng định qua thực tiễn sản xuất nhiều năm là cơ sở để áp dụng và nhân rộng nhanh trong vụ đông năm nay, đặc biệt là các mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết trong sản xuất - tiêu thụ cây vụ đông chế biến xuất khẩu, mô hình trồng bí xanh và dưa chuột bao tử trên ruộng 2 lúa… Tại địa phương cũng đã có một số cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu như: Cty TNHH Minh Dương chế biến - xuất khẩu khoai tây, ngô; Cty TNHH CFC chế biến xuất khẩu cà chua, dưa chuột… Bên cạnh những thuận lợi, vụ đông năm nay tiếp tục được dự báo là vụ đông gặp rất nhiều khó khăn khi nhân lực làm nông nghiệp ngày càng thiếu do lao động trẻ đi làm ăn xa hoặc chuyển sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung; đa số các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng chỉ chất lượng. Liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp còn rời rạc. Số lượng doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu đồng bộ. Khó khăn lớn nhất là tình trạng mưa bão và thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo đã làm thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp nói chung, cây vụ đông nói riêng. Tính đến ngày 9-10-2017, toàn tỉnh đã gieo trồng và vào bầu được 3.867ha cây vụ đông, trong đó: ngô 1.160ha, cà chua 290ha, bí các loại 402ha, khoai lang 52ha, đậu tương 32ha và rau các loại 1.888ha. Những diện tích này tập trung ở các huyện: Hải Hậu 907ha, Nghĩa Hưng 650ha, Trực Ninh 500ha, Vụ Bản 450ha… Từ ngày 2 đến ngày 15-10, trên địa bàn tỉnh hứng chịu những trận mưa lớn; trong đó mưa lớn tập trung trong các ngày từ 7 đến 13-10 đo được bình quân toàn tỉnh là 383,8mm. Mưa nhiều, mưa lớn không những làm chậm tiến độ gieo trồng cây vụ đông mà còn làm 3.377ha cây rau màu đã trồng bị đổ rạp, dập nát và ngập úng, trong đó có khoảng 2.687ha không có khả năng phục hồi, ước giá trị thiệt hại 7,332 tỷ đồng. Sau mưa lớn, nông dân các địa phương đã phải tập trung xới phá váng và chăm sóc bổ sung cho những diện tích rau màu có khả năng phục hồi và gieo trồng thay thế các cây rau màu khác trên những diện tích bị mất trắng. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Đến thời điểm này đã hết thời vụ trồng các cây vụ đông ưa ấm (ngô, đậu tương, dưa, bầu, bí…). Do vậy các địa phương cần khuyến khích nông dân tranh thủ khai thác những vùng đất cao tăng diện tích trồng rau ngắn ngày. Tập trung mở rộng diện tích trồng khoai tây trong những vùng có điều kiện, thời vụ gieo trồng còn đến ngày 15-11. Đến nay, tổng diện tích cây vụ đông sau gieo trồng bổ sung đạt 3.300ha, trong đó: Ngô 800ha, cà chua 150ha, bí xanh 160ha và 2.190ha cây khác.

Trong thời gian qua, một số Cty đã chủ động về liên hệ và thông tin nhu cầu thu mua sản phẩm, nguyên liệu cây vụ đông. Cty CP Sản xuất Nông sản Hà Nội đăng ký thu mua dưa chuột bao tử, ngô bao tử với khả năng 30 nghìn tấn mỗi loại; Cty Chế biến Nông sản Việt Xanh (Ninh Bình) đăng ký tiêu thụ cà chua bi, cà chua trứng với khả năng 600 tấn; Cty CP Ớt Việt Nam (Ninh Bình) đăng ký thu mua ớt; Cty Rau quả nông sản Trung ương (Hà Nội) đăng ký thu mua hạt cải bẹ với số lượng không hạn chế… Trong đó, Cty CP Giống cây trồng Kiên Giang (Hải Dương) đã ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm khoai tây với quy mô sản xuất là 40ha; Tập đoàn Vingroup liên kết với Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh; Cty TNHH Minh Dương liên kết với các xã, HTX Yên Đồng, Yên Cường (Ý Yên) và Liên Bảo (Vụ Bản), Nam Hùng (Nam Trực) tổ chức sản xuất ngô, khoai tây... Các huyện, thành phố và các xã, thị trấn căn cứ nhu cầu thu mua sản phẩm, nguyên liệu của các doanh nghiệp, cần chủ động sớm thương thảo và ký kết các hợp đồng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp thông qua các HTX, tổ hợp tác. Chủ động các phương án tiêu úng cho các cây vụ đông đã gieo trồng khi có mưa lớn; tưới nước tạo nguồn ở giai đoạn giữa đến cuối vụ; ưu tiên các phương tiện chống úng, hạn cho các vùng sản xuất vụ đông tập trung. Chỉ đạo các hộ nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ đông còn thời vụ như khoai tây và các cây rau ngắn ngày đảm bảo kế hoạch đã đề ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com