Nhìn lại vụ lúa mùa "nhiều khó"

08:10, 23/10/2017

Những ngày qua, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung xuống đồng gặt nhanh những diện tích lúa mùa đã chín, hạn chế lúa bị thối bông, mọc mầm... do bị ngâm nước sau đợt mưa lớn cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Nhiều diện tích ngập sâu, máy gặt không thể xuống đồng nên bà con phải gặt tay, vận chuyển bằng thuyền... Đây là vụ lúa mùa gặp rất nhiều khó khăn bởi thiên tai và sâu bệnh hại.

Tham quan mô hình khảo sát, đánh giá giống lúa LT2 kháng bạc lá trong vụ mùa 2017 tại xã Giao Yến (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Tham quan mô hình khảo sát, đánh giá giống lúa LT2 kháng bạc lá trong vụ mùa 2017 tại xã Giao Yến (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Năm nay, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, rút ngắn thời gian các khâu: làm đất, thu hoạch nên thời gian chuyển vụ (giữa vụ xuân và vụ mùa) dài hơn những năm trước đây, nên sản xuất vụ mùa được triển khai sớm hơn. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 76.627ha lúa, trong đó có 12.200ha lúa mùa sớm, 60.265ha lúa mùa trung và 4.162ha lúa đặc sản. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao và đặc sản chiếm 74% diện tích. Triển khai kế hoạch sản xuất, ngành NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu giống và thời vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày; có năng suất, chất lượng gạo khá, chống chịu sâu bệnh, chịu úng, chống đổ khá… đưa vào sản xuất. Diện tích lúa thuần 68.297ha, bằng 89% diện tích (gồm: 22% là giống Bắc thơm số 7 và 15% là giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá; 21% diện tích là giống BC15; 5,4% giống đặc sản, còn lại là các giống lúa thuần khác); diện tích lúa lai 8.330ha, bằng 11%. Trong vụ mùa 2017, các địa phương đã gieo sạ 20.560ha (đạt 27% diện tích), tăng 5.140ha so với vụ mùa 2016, tập trung tại các huyện: Ý Yên 7.806ha, Vụ Bản 4.980ha, Nghĩa Hưng 2.184ha, Hải Hậu 1.845ha… Toàn tỉnh xây dựng được 127 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với diện tích 6.252ha, trong đó có 683ha được bao tiêu sản phẩm (Cty TNHH Toản Xuân bao tiêu 141ha lúa thương phẩm; Cty TNHH Cường Tân bao tiêu 350ha lúa giống; Cty CP Giống cây trồng Nam Định 84ha lúa giống…). Chương trình sản xuất giống lúa lai F1 tiếp tục được Cty TNHH Cường Tân và Cty CP Giống cây trồng Nam Định duy trì với diện tích 360ha gồm các tổ hợp lai: TH3-3, Nhị ưu 838, CT16, LC270… Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và bão số 4 kết hợp với xả lũ từ các hồ thủy điện đúng cao điểm gieo cấy vụ lúa mùa nên việc tiêu úng gặp rất nhiều khó khăn đã làm nhiều diện tích lúa mùa bị thiệt hại ngay từ đầu vụ. Toàn tỉnh có 186,6ha diện tích mạ bị thiệt hại; 16.996ha lúa mùa bị thiệt hại, trong đó có 10.872ha bị thiệt hại trên 70% diện tích phải gieo cấy lại và 6.123ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích phải cấy dặm. Diện tích lúa bị chết 70-100% phải gieo cấy tập trung chủ yếu ở các huyện: Nam Trực 4.693,8ha, Nghĩa Hưng 2.330,4ha, Trực Ninh 1.764,7ha, Giao Thủy 1.035,3ha… Ngay sau đó tỉnh và ngành Nông nghiệp đã kịp thời phân tích rút kinh nghiệm với các địa phương về bài học trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất. Mặc dù tỉnh và các huyện không khuyến khích gieo sạ trong vụ mùa, khuyến cáo chỉ những chân ruộng cao, tưới - tiêu chủ động hoàn toàn, gọn vùng mới tổ chức gieo sạ và phải kết thúc gieo sạ trước ngày 10-7, song ở nhiều địa phương vẫn mở rộng gieo sạ tự phát ở cả những chân ruộng trũng, không gọn vùng nên khó tiêu thoát nước. Có 6.260ha sạ sau ngày 10-7 nên khi gặp mưa lớn toàn bộ diện tích gieo sạ bị ngập trắng. Đến ngày 5-8, toàn tỉnh mới gieo cấy và khắc phục xong toàn bộ diện tích lúa mùa dẫn đến lúa trỗ muộn. Ngày 5-9 có 9.870ha lúa trỗ bông (bằng 13% diện tích); đến ngày 20-9 có 60.155ha lúa trỗ bông (bằng 79% diện tích) và đến nay toàn bộ 100% diện tích lúa mùa của tỉnh đã trỗ. Từ ngày 25-9, một số địa phương bắt đầu thu hoạch lúa; đến hết ngày 3-10, toàn tỉnh thu hoạch được 2.310ha (đạt 3% diện tích). Tuy nhiên, từ ngày 2 đến 11-10, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn, lượng mưa đo được bình quân tại các điểm đo ở các huyện tới 426,2mm. Ảnh hưởng của mưa lớn đã làm chậm tiến độ thu hoạch, không những vậy, đã có 50.928ha lúa đã trỗ bị ngập úng; trong đó: ngập trắng 1.704ha, ngập phất phơ 13.194ha, sâu nước 27.007ha, đổ 9.024ha. Do bị ngâm lâu trong nước nên nhiều diện tích lúa bị thối bông, hạt mọc mầm, nguy cơ mất trắng. Để tiêu thoát nước, tỉnh đã huy động toàn bộ 76 máy bơm lớn của Cty TNHH một thành viên Bắc Nam Hà cùng trên 4.100 máy bơm điện, bơm dầu để tiêu úng cho lúa. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, kết hợp xả lũ hồ thủy điện, mực nước các sông trên địa bàn đều dâng cao nên việc tiêu thoát nước trong nội đồng gặp khó khăn. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT khuyến cáo nông dân tranh thủ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”... Từ ngày 13-10 trời tạnh ráo, nhiều nông dân trong tỉnh đã tranh thủ ra đồng khơi thông dòng chảy; “gặt chạy” những diện tích lúa đã chín. Do nhiều diện tích ngập sâu, máy gặt không thể xuống đồng, phần lớn bà con phải gặt tay, vận chuyển bằng thuyền, chậu... Đến hết ngày 18-10, toàn tỉnh đã thu hoạch được 47.640ha, đạt 62% diện tích gieo cấy. Không chỉ chịu thiệt hại bởi mưa bão mà vụ mùa 2017 còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh lùn sọc đen và một số diện tích bị ảnh hưởng bệnh bạc lá. Theo báo cáo của các huyện, thành phố và qua kiểm tra của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh có 23.231ha lúa mùa bị nhiễm bệnh; trong đó trên 9.391ha nhiễm bệnh nặng, mất trắng, gần 8.168ha bị nhiễm bệnh trung bình, thiệt hại năng suất từ 30-70%. Ngày 2-10, UBND tỉnh đã công bố dịch lùn sọc đen hại lúa mùa 2017 tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và Trực Ninh. Qua vụ sản xuất lúa mùa gặp nhiều khó khăn cũng cho thấy, năng lực tưới tiêu của hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là khi mưa lớn xảy ra. Công tác dự tính, dự báo, phòng trừ bệnh lùn sọc đen vẫn còn nhiều hạn chế. Ước tính tổng thiệt hại về lúa mùa do mưa bão và sâu bệnh là 154.549 tấn thóc, giá trị thiệt hại hơn 1.070,7 tỷ đồng. Trong đó, lúa lai 22.124 tấn thóc, giá trị thiệt hại trên 143,8 tỷ đồng; lúa thuần 132.425 tấn thóc, giá trị thiệt hại trên 926,9 tỷ đồng.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế bất cập của vụ mùa vừa qua, nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, UBND tỉnh đã yêu cầu các Cty KTCTTL tổng kết, đánh giá lại để xây dựng cách vận hành hệ thống thủy nông khoa học, đồng bộ. Tham mưu cho UBND tỉnh có sự đầu tư mang tính chiến lược đối với hệ thống thuỷ lợi đồng bộ hơn, năng lực tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa 2017 từ tỉnh đến cấp huyện, xã; Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen trên địa bàn tỉnh với mục đích huy động các lực lượng thực hiện kịp thời biện pháp tiêu hủy nguồn bệnh; chủ động các biện pháp để phòng chống bệnh lùn sọc đen, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang cây ngô đông 2017 và các vụ lúa tiếp theo góp phần bảo vệ an toàn sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa. Hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu các huyện, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích lúa, thẩm định, tổng hợp diện tích thiệt hại do bệnh lùn sọc đen. Thực hiện các biện pháp tiêu hủy triệt để nguồn bệnh. Tiếp tục đẩy nhanh bơm tiêu úng cứu lúa; khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa mùa đã chín./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com