Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang được người dân, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xã Yên Ninh (Ý Yên) sử dụng hiệu quả để phát triển kinh doanh chế biến lâm sản, đồ mộc gia dụng và các dịch vụ mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững, đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo diện mạo mới cho quê hương.
Sản xuất đồ mộc gia dụng ở doanh nghiệp Hiền Trang, xã Yên Ninh. |
Hiện nay, nghề mộc truyền thống của xã Yên Ninh đang phát triển khá mạnh và đều khắp ở cả các thôn: Ninh Xá, Lũ Phong, La Xuyên, Trị Xá, Ninh Hạ. Ngành nghề phát triển nên nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động thành lập doanh nghiệp để thuận lợi trong các hoạt động giao thương, khai thác thị trường và tìm kiếm khách hàng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nghề bền vững, UBND xã Yên Ninh đã được quy hoạch, xây dựng 2 CCN và 1 điểm công nghiệp xã. Các CCN của xã đã có trên 30 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, với mức thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Tại 2 CCN La Xuyên và Ninh Xá các hộ làm nghề và các doanh nghiệp đã xây dựng 15 gian hàng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Giá trị sản xuất CN-TTCN đã đóng góp tới trên 80% tỷ trọng kinh tế của xã. Góp phần quan trọng vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh ở Yên Ninh luôn có sự “đồng hành”, hỗ trợ cho vay vốn đầu tư kinh doanh từ các ngân hàng trên địa bàn. Cùng với việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách về cho thuê đất, cung cấp nước sạch, bảo đảm an ninh trật tự… nhằm thúc đẩy các ngành nghề, nhất là nghề mộc truyền thống phát triển, UBND xã Yên Ninh còn tạo điều kiện để người dân dễ dàng và thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn. UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng LienVietPostbank chi nhánh huyện Ý Yên triển khai các chương trình tín dụng, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển ngành nghề, thương mại, dịch vụ; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng đã và đang được triển khai để người dân hiểu rõ những quy định của ngân hàng về mức vay, thời gian vay, cách thức hoàn thiện hồ sơ vay vốn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay… từ đó nhanh chóng tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp và bảo đảm sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Riêng đối với nguồn vốn tín dụng chính sách, UBND xã yêu cầu các hội, đoàn thể nhận ủy thác, bao gồm: Hội Nông dân, Phụ nữ, CCB và Đoàn Thanh niên chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, xóm thực hiện bình xét, quyết định về khoản vay, kỳ hạn, mức vay đối với từng hộ vay bảo đảm công khai, dân chủ, nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Thời gian qua, Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng LienVietPostbank chi nhánh huyện Ý Yên đã tích cực tập trung ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay phát triển làng nghề nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Nhờ đó đến nay, cơ cấu kinh tế của xã Yên Ninh ngày càng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Hàng chục năm trở lại đây, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng NN và PTNT huyện Ý Yên luôn là nguồn lực quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp Hiền Trang đầu tư công nghệ phát triển sản xuất. Được giải ngân vốn vay kịp thời, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sấy gỗ bằng phương pháp hút chân không, đây là công nghệ khá hiện đại nên tiêu tốn ít nguyên liệu, giảm mức độ xả thải các loại khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tích cực quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm bằng nhiều hình thức. Do vậy, doanh nghiệp đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ lớn của xã, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc trực tiếp sản xuất các loại đồ gỗ gia dụng, doanh nghiệp Hiền Trang còn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, trở thành đầu mối tiêu thụ các sản phẩm cho nhiều hộ làm nghề khác trong xã… Doanh nghiệp Hiền Trang chỉ là 1 trong số hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình được các ngân hàng trên địa bàn cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tính đến thời điểm này, các đơn vị đang giải ngân cho khách hàng tại địa bàn vay trên 245 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng thực sự là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Các hộ gia đình, cơ sở và các doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đều có sự phát triển ổn định. Chính nguồn vốn vay đã tạo đà để họ vươn lên, chủ động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, xã hội, từ đó tạo tiền đề quan trọng để các cấp chính quyền huy động nguồn lực hoàn thành kế hoạch, mục tiêu chương trình xây dựng NTM của địa phương.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân và các đơn vị cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đề ra; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân và các tiêu chí xây dựng NTM của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại