Nghĩa Lợi phát triển đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản

04:10, 21/10/2017

Những ngày tháng 10, thời tiết đã mát mẻ, dễ chịu hơn, chúng tôi về xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), một trong những địa phương có nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng hai lúa kém hiệu quả sang phát triển nuôi thủy sản. Toàn xã hiện có 34,1ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích vùng chuyển đổi 14,9ha. Để vụ nuôi thủy sản cuối năm đạt hiệu quả cao, người dân trong xã đang tất bật, say sưa bám đầm, ao, chăm sóc cho các con nuôi thủy sản.

Chăm sóc đàn cá tại hộ gia đình ông Vũ Văn Quynh, xóm 12, xã Nghĩa Lợi.
Chăm sóc đàn cá tại hộ gia đình ông Vũ Văn Quynh, xóm 12, xã Nghĩa Lợi.

Xã Nghĩa Lợi có lợi thế là có nguồn nước sông Quần Vinh 2 dồi dào, có thể nuôi được cả thủy sản nước ngọt và nước lợ. Do đó, trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, xã luôn xác định khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi thủy sản, đa dạng các đối tượng nuôi là hướng đi chính để phát triển thành kinh tế mũi nhọn. Xã đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất phát triển nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản; thường xuyên phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật tiến bộ về nuôi thủy sản giúp người dân trong xã nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Ngoài ra, xã vận động các hộ nuôi thủy sản thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để liên kết, trao đổi kinh nghiệm nuôi cũng như những phương pháp phòng, chữa bệnh hiệu quả cho thủy sản. Hiện tổ hợp tác có khoảng 20 thành viên. Nhiều đối tượng thủy sản được người dân quan tâm nuôi thả như tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá trắm đen, cá chuối và các loại cá nước ngọt truyền thống… Những diện tích nuôi trong vùng chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao điển hình ở các khu Tràng Sinh, Cầu Cổ, Sỹ Lạc, Đồng Nhận… Chúng tôi đến hộ ông Vũ Đình Quynh, xóm 12 khi ông đang say sưa cho đàn cá chuối ăn. Tiếng cá quẫy tranh nhau đớp mồi xôn xao một góc ao. Ông Quynh cho biết: “Nghề nuôi cá chuối trước kia phát triển nhiều ở các tỉnh phía Nam, chỉ khoảng 5-7 năm nay mới được nhân rộng và phát triển nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Nhận thấy những ưu thế nuôi cá chuối đem lại nên sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi 3 sào đất diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, tôi đã không ngần ngại đầu tư đào ao để đưa đối tượng này vào nuôi thả”. Ngoài nuôi thương phẩm, ông Quynh còn nhập cá bột ở Đồng Nai về ương nuôi để bán cá giống cho những người có nhu cầu nuôi trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Trung bình mỗi năm ông xuất bán khoảng 50 vạn cá giống, 15-17 tấn cá thương phẩm với mức giá từ 47-48 nghìn đồng/kg. “Năm nào cũng thế, cá đánh đến đâu thương lái đến thu mua hết đến đó. Nuôi cá chuối đầu ra dễ tiêu thụ vì chất lượng thịt thơm ngon”, ông Quynh chia sẻ. Ông Phạm Ngọc Thành, xóm 10 có 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và 1 ao nuôi cá vược. Bằng sự sáng tạo, học hỏi không ngừng, ông đã thuần hóa, đưa cá vược vào nuôi trong ao nước ngọt. Cá vược nuôi trong môi trường nước ngọt dễ nuôi và phát triển nhanh hơn môi trường nước mặn. Trước khi thả cá về nuôi trong ao nước ngọt, ông pha nước ngọt để hạ độ mặn xuống từ từ, nuôi từ 4-5 ngày cho đến khi cá hoàn toàn thích nghi ở nước ngọt. Tính ra, từ khi thả giống đến khi xuất bán chỉ 6-8 tháng. Thời điểm hiện tại, 1kg cá vược bán ra thị trường có giá thành khoảng 100 nghìn đồng, có những khi cao điểm lên tới 150 nghìn đồng. Theo ông Thành, nuôi tôm thẻ chân trắng hay nuôi cá vược đều đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật tốt, chịu khó tích lũy kinh nghiệm thực tế. Gần đây, thời tiết nắng mưa thất thường, lượng mưa lớn nên ông Thành thường xuyên mời kỹ sư thủy sản về hướng dẫn kỹ thuật theo dõi tình hình sức khỏe của đàn tôm, cá nhằm hạn chế tổn thất do thời tiết, nguồn nước gây ra. Hộ ông Hoàng Văn Độ, xóm 12 nuôi cá trắm đen cũng khá thành công. Ông chia sẻ: “Trước kia người dân trong xã chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp và phát triển một số nghề tiểu thủ công như đan chiếu cói, làm hương. Từ năm 2012, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện để chúng tôi có thêm diện tích để tăng gia sản xuất, thu nhập tăng, chất lượng cuộc sống cũng từ đó ổn định hơn”. Bên cạnh diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn xã, hơn chục hộ dân xã Nghĩa Lợi còn thuê diện tích 47,7ha bãi triều ven biển để đầu tư nuôi ngao. Ngao nuôi vùng bãi triều rất hiệu quả, tỷ lệ sống cao, vỏ trắng sáng, béo mẩy… Nếu nuôi tốt năng suất có thể đạt khoảng 50 tấn/ha.

Phát triển đa dạng các đối tượng nuôi giúp người dân tận dụng triệt để những tiềm năng sẵn có của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Thời gian tới, xã Nghĩa Lợi tiếp tục đề xuất để UBND huyện tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi thủy sản tập trung, khai thác hiệu quả tư liệu sản xuất giúp cải thiện đời sống cho người dân cũng như tạo sản lượng hàng hóa lớn, thuận lợi trong tiêu thụ./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com