Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của xã đã có bước chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt trên 10%/năm. Đến năm 2016, cơ cấu kinh tế của xã Nghĩa Bình đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại dịch vụ tăng lên 57,1%; nông nghiệp còn 42,9%; bình quân thu nhập đầu người đạt 39 triệu đồng/năm, tăng 4 triệu đồng so với kế hoạch đề ra.
Sản xuất sợi PE tại cơ sở của ông Vũ Đức Tánh, đội 16, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). |
Đồng chí Bùi Ngọc Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: Xã có trên 5.200 nhân khẩu, trong đó có trên 2.000 lao động trong độ tuổi. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, trong gần 3 năm qua, xã đã tập trung quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng NTM với mục tiêu: đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tăng thu nhập cho người dân; chú trọng thu hút đầu tư sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn. Xã cũng chủ động quy hoạch diện tích đất sát đường quốc lộ thuận tiện giao thông vận chuyển hàng hóa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xã cũng thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để khuyến khích, hỗ trợ các hộ tham gia phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề như: hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí qua các chương trình khuyến công, Đề án 1956; tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thủ tục hành chính… Xã đã làm việc với các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH áp dụng các chính sách tín dụng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ cá thể vay vốn để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Đến hết tháng 6 năm 2017, toàn xã có 670 hộ được vay vốn tại các tổ chức tín dụng với tổng dư nợ trên 45,2 tỷ đồng. Hệ thống giao thông huyết mạch được đầu tư cải tạo, nâng cấp cùng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của xã, với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư sản xuất đa dạng ngành nghề. Đến nay trên địa bàn xã Nghĩa Bình đã có các ngành nghề như: chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, kéo sợi PE và dệt lưới cước, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói… tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Được sự khuyến khích, tạo điều kiện của xã cơ sở sản xuất sợi PE của ông Vũ Đức Tánh, đội 16 đã phát triển ổn định. Ông Tánh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng trên 200m2 tại vị trí mặt đường 490C, trang bị 1 máy kéo sợi từ hạt nhựa PE có công suất tối đa 7 tạ sợi/ngày đêm; có thể sản xuất được các loại sợi cước (từ nguyên liệu chính là hạt nhựa PE) với kích cỡ từ 1mm đến 1cm 1 bàn sa, 1 bàn mắc. Hiện nay, cơ sở của ông Tánh mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tạ sợi PE với 5 lao động tại chỗ, mức thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, cơ sở của ông còn cung ứng nguyên liệu cho khoảng 60 máy dệt với gần 100 lao động gia công tại nhà, mức thu nhập từ 80-100 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh nghề dệt lưới cước và kéo sợi PE, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với các loại sản phẩm chính là các loại: giỏ, túi đan bằng cói sau một thời gian trầm lắng đã phát triển trở lại. Khoảng 3 năm nay, nghề đan cói được khôi phục từ các đội 9, 10, 11, 12 đã lan ra toàn xã với khoảng 300 lao động tham gia. Anh Phạm Văn Hợi, đội 10 cho biết: Đan cói là nghề dễ học, dễ làm; bình thường chỉ học từ 5-7 ngày là làm thành thạo. Nguyên liệu, mẫu mã và sản phẩm làm ra được một số đại lý ở các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Thắng cung ứng và thu mua tận nơi với hình thức khoán sản phẩm. Bình quân, một lao động một ngày có thể sản xuất được từ 4-5 sản phẩm, thu nhập đạt từ 180-200 nghìn đồng/ngày. Ngoài những nghề trên, trên địa bàn xã còn phát triển một số mô hình nghề khác như: may công nghiệp, chế biến gỗ, xây dựng... Toàn xã hiện có 10 xưởng mộc, trong đó có 2 xưởng lớn của các ông: Đoàn Văn Trung, đội 12; Nguyễn Văn Phi, đội 16 thường xuyên tạo việc làm cho 8-10 lao động. Nghề xây dựng dân dụng cũng phát triển với 10 đội thợ có từ 7-10 lao động/đội. Đội thợ của các ông: Bùi Văn Quyết, đội 10; Vũ Văn Nam, đội 9; Nguyễn Văn Khương, đội 7 thường xuyên nhận được nhiều hợp đồng xây dựng dân dụng, công nghiệp ở các nơi, mỗi đội có từ 10-12 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động để phát triển sản xuất CN-TTCN đang giúp xã Nghĩa Bình xóa thế độc canh nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ để nâng cao thu nhập của nhân dân. Trong các năm tới xã Nghĩa Bình chủ trương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 10% trở lên; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt từ 51 tỷ đồng trở lên; phấn đấu năm 2017 nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng…
Bài và ảnh: Thành Trung