Công tác dự báo ngư trường là công cụ hỗ trợ giúp cho ngư dân thuận lợi trong quá trình khai thác hải sản, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác trên các vùng biển, đồng thời là cơ sở để công tác quản lý nghề cá của các cơ quan chức năng đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên hiện nay công tác dự báo ngư trường vẫn còn nhiều khó khăn.
Ngư dân xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) thu hoạch hải sản. |
Toàn tỉnh hiện có 2.053 tàu khai thác thủy sản; đã tổ chức được 16 tổ hợp tác khai thác thủy sản, trong đó huyện Giao Thủy có 8 tổ, huyện Hải Hậu có 3 tổ, huyện Nghĩa Hưng có 4 tổ, huyện Trực Ninh có 1 tổ với khoảng 370 tàu và 1.500 lao động. Những tàu trong cùng tổ hợp tác khai thác thủy sản này khi khai thác trên biển sẽ thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường. Nhờ có nguồn thông tin hỗ trợ nên việc lựa chọn những ngư trường tiềm năng để đánh bắt sẽ giúp ngư dân giảm chi phí nhiên liệu trong mỗi chuyến biển, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên lượng thông tin về ngư trường được chia sẻ vẫn còn rất hạn chế. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: “Tôi đi biển đã hơn 20 năm nay. Vì đây là nghề cha truyền con nối nên hầu hết việc lựa chọn ngư trường khai thác hải sản dựa vào kinh nghiệm của bản thân hay của thế hệ đi trước truyền lại; một phần là dựa vào máy định vị hỗ trợ. Ngày nay, nguồn lợi hải sản ngày một suy giảm lại chịu tác động lớn của thời tiết nên việc dò tìm ngư trường theo kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế nên nhu cầu về các bản tin dự báo ngư trường cho ngư dân chúng tôi ngày càng tăng”. Có được thông tin dự báo chính xác, cụ thể là mong muốn chung của phần lớn ngư dân. Trong khi đó, nguồn thông tin dự báo ngư trường do Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN và PTNT) có trụ sở ở Hải Phòng kết hợp cùng các cơ quan chức năng thu thập số liệu và được công bố trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản hoặc được đăng tải trên sóng truyền hình, hay tài liệu in phát cho ngư dân... chưa phát huy được hiệu quả. Ngư dân không có điều kiện tiếp cận thường xuyên với những thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Viện, còn tài liệu in khi đến với ngư dân thì thông tin đã quá cũ. Để dự báo ngư trường khai thác, các cơ quan chức năng sẽ dựa vào các thông tin đầu vào như số liệu điều tra nguồn lợi, môi trường… để từ đó xác định hiện trạng nguồn lợi và phân bố không gian các loài hải sản. Điều đó phụ thuộc vào số liệu cá khai thác được cung cấp tại cảng cá, bến cá, nhật ký khai thác để đánh giá ngư trường, thời gian, mùa vụ… Trong khi đó, công tác thu thập dữ liệu khai thác (sản lượng, đối tượng, phân loại) còn nhiều bất cập, số liệu, thông tin chưa đủ độ tin cậy để đánh giá trữ lượng và khả năng cho phép khai thác nguồn lợi hải sản, gây khó khăn cho công tác quản lý, dự báo nguồn lợi. Bên cạnh đó, hầu hết ngư dân chưa tuân thủ việc ghi nhật ký khai thác nên số liệu này cũng không hoàn chỉnh. Vì vậy công tác dự báo ngư trường chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngư dân.
Công tác dự báo ngư trường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để có thể đáp ứng yêu cầu thông tin từ thực tiễn sản xuất. Trước thực trạng trên Sở NN và PTNT sẽ chú trọng triển khai hệ thống thu thập dữ liệu đồng bộ để việc dự báo đạt hiệu quả cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tiếp tục triển khai quy chế chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, trong đó đặc biệt chú ý hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác thủy sản (thời gian thực hiện chuyến biển, vị trí thả lưới, chi phí chuyến biển, doanh thu…). Các cơ quan chức năng sử dụng thông tin này kết hợp với các dữ liệu tích lũy và các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản để xây dựng các bản tin dự báo ngư trường sát hơn giúp việc sản xuất trên các vùng biển xa thuận lợi và đi vào nền nếp.
Mặc dù gặp khó khăn về thời tiết, suy giảm nguồn lợi thủy sản nhưng sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn ngày một tăng lên. Kết quả này là nhờ việc đầu tư tăng năng lực sản xuất như trang bị tàu vỏ thép, vàng lưới hiện đại, các máy móc, thiết bị công nghệ mới; nhờ vào trình độ tổ chức sản xuất trên biển của các chủ tàu ngày một chuyên nghiệp hơn; đội ngũ lao động nghề cá cũng được nâng cao tay nghề. Các máy móc hiện đại và kinh nghiệm đi biển đã hỗ trợ tối đa, giúp cho chủ tàu, thuyền trưởng, các lao động nghề biển khai thác hải sản hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả khai thác, ngư dân rất cần có sự hỗ trợ “đắc lực” từ các thông tin dự báo ngư trường. Biết trước trữ lượng nguồn lợi của từng ngư trường, ngư dân vừa đỡ tốn thời gian, chi phí vừa bớt rủi ro trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa