Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý nên năng suất chất lượng nông sản, thủy sản tăng nhanh. Tuy nhiên, công nghệ sau thu hoạch của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới giá trị, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất không cao.
Nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản, thủy sản địa phương trên thị trường, những năm qua, một số doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch như: Cty TNHH Minh Dương chuyên chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sấy ăn liền (ngô sấy, khoai tây sấy, mít sấy…); Cty CP Đầu tư Nam Phát chuyên chế biến các sản phẩm từ thịt (giò 7 phút, nem chua, giò bê, chân giò hun khói…) và một số cơ sở chế biến thủy sản với các sản phẩm ngao sạch, chả cá, nước mắm, mắm tôm, sứa… Đối với lúa tiêu biểu là Cty TNHH Toản Xuân đầu tư và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn/mẻ, cùng dây chuyền xay xát đóng gói gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Trên mỗi bao bì đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đặc biệt, bên góc trái túi gạo của Cty có tem QRC màu xanh để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại đảm bảo tránh mua phải hàng giả, chất lượng kém. Hiện sản phẩm gạo sạch của Cty TNHH Toản Xuân đang được bày bán tại tỉnh và các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…, được người tiêu dùng đón nhận và tin cậy với giá dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông đang hoàn thiện nhà máy gồm 2 phân xưởng giết mổ và chế biến sâu thành sản phẩm chín. Sử dụng công nghệ giết mổ tự động của Mỹ với công suất 250-300 con lợn tạ/giờ, công nghệ chế biến sâu của châu Âu. Đây cũng là tín hiệu lạc quan đối với ngành chăn nuôi tỉnh.
Chế biến ngao sạch tại Cty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (CCN An Xá, TP Nam Định). |
Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung khâu bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch của tỉnh còn yếu. Phần đông nông dân hiện nay vẫn chưa nhận thức đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Hầu hết mới chỉ dừng ở bước sơ chế bằng phương pháp thủ công và xuất bán thô không thực hiện đầy đủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật. Hiện trên địa bàn tỉnh mới có một số cơ sở chế biến hoa quả, rau củ đóng hộp và một số HTXDVNN đầu tư xây kho lạnh bảo quản khoai tây giống. Sản phẩm lương thực chủ yếu là gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong tỉnh và một phần xuất khẩu nhưng theo đường tiểu ngạch. Các sản phẩm nông sản chủ lực như: lạc, cà chua, rau màu... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay phục vụ tiêu dùng hằng ngày, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế đơn giản rồi đóng vào bao bì và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn. Đặc biệt, các khâu phơi sấy và bảo quản ngô, lúa sau khi thu hoạch đều phụ thuộc thời tiết do được phơi khô nhờ ánh nắng mặt trời, rải trên sân, nong, nia, thậm chí ngay trên mặt đường. Phương pháp bảo quản truyền thống này là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc và vi sinh vật hiếu khí của lúa, ngô, lạc, khiến chất lượng nông sản vì thế giảm sút. Đối với sản phẩm thủy sản sau khi đánh bắt cũng được bảo quản bằng phương pháp thủ công này. Đa số các tàu khai thác xa bờ ở tỉnh ta vẫn sử dụng đá xay để bảo quản sản phẩm chưa đầu tư sử dụng công nghệ cấp đông. Tỷ lệ đá để bảo quản chủ yếu theo cảm tính và kinh nghiệm chứ chưa có tính toán khoa học về mức độ thất thoát nhiệt trong quá trình bảo quản. Một số tàu còn sử dụng phương thức phơi cá, mực khô trên biển hoặc sử dụng muối để bảo quản. Thời gian bảo quản trung bình mỗi tàu khoảng chục ngày, có tàu 2 tuần; như vậy sản phẩm đánh bắt được sẽ không còn tươi ngon và bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, khâu chế biến cũng đang là khâu yếu nhất trong phát triển chăn nuôi khi toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung - đây cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến người chăn nuôi không làm chủ được giá sản phẩm của mình. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân về công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Hầu hết lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại lớn trong việc tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất. Mặt khác, người sản xuất bị động về thông tin thị trường nên kế hoạch sản xuất không hợp lý, dẫn đến tình trạng được mùa nhưng lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận không cao, làm giảm khả năng tái đầu tư và áp dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Định hướng và đầu tư cho phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến chưa được quan tâm thích đáng. Trong khi đó, quy mô của những vùng sản xuất nông sản tập trung vẫn chưa đảm bảo về diện tích, phương thức canh tác vẫn nhỏ lẻ, thiếu tập trung để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch.
Để từng bước hạn chế giảm tổn thất sau thu hoạch, Sở NN và PTNT cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm về nhu cầu trang thiết bị, máy móc bảo quản sau thu hoạch phù hợp với năng lực sản xuất của địa phương, đồng thời phối hợp với các tổ chức tín dụng lập kế hoạch cho vay vốn mua máy móc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người sản xuất phải thay đổi, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Trong tổ chức sản xuất, tỉnh cần triển khai giải pháp về xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa ổn định, đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản...
Bài và ảnh: Ngọc Ánh