Công tác khuyến nông góp phần phát triển nông nghiệp ở Nghĩa Hưng

07:10, 12/10/2017

Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đẩy mạnh công tác khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Hầu hết các chương trình, dự án và các hoạt động khuyến nông được xây dựng phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương góp phần nâng cao năng suất lúa, mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông… thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện tăng trưởng nhanh phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại.

Vùng chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng màu tại Thị trấn Quỹ Nhất.
Vùng chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng màu tại Thị trấn Quỹ Nhất.

Hằng năm, Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hưng đã kết hợp với các HTXNN, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn và các doanh nghiệp tổ chức được 25-30 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây rau màu cho trên 3.000 lượt người. Qua các lớp tập huấn, nông dân trong huyện được tiếp cận các chủ trương, chính sách, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, trong 2 năm 2016-2017, huyện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới để tìm ra một số giống có triển vọng như: Hương biển 3, M1, BT7 kháng bạc lá, Kim Cương 111… Nổi bật là mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới Nam ưu 604 trong vụ xuân tại xã Nghĩa Sơn; Nam Hương 4 tại xã Nghĩa Thái, ĐB18 tại xã Nghĩa Tân trong vụ mùa. Kết quả các mô hình cho thấy, các giống lúa Nam ưu 604, Nam hương 4, ĐB18 có thời gian sinh trưởng ngắn, đẻ nhánh sớm, tập trung, độ thuần đồng ruộng khá, chịu thâm canh cao, thích ứng với mọi chân đất. Ưu điểm lớn nhất của 3 giống lúa này là khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là khả năng chống rét và kháng bạc lá tốt, cho năng suất cao. Qua đó đã giúp Nghĩa Hưng từng bước chọn lọc, đưa vào cơ cấu giống gieo cấy cho các vụ tới thay thế cho các giống đã thoái hóa hoặc không phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, huyện còn xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ để nông dân học hỏi làm theo. Điển hình là mô hình sản xuất lúa tái sinh được Trạm Khuyến nông huyện thực hiện tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân cho năng suất bình quân đạt 100 kg/sào. Mặc dù năng suất lúa tái sinh không cao bằng lúa mùa nhưng còn có thể lãi hơn cả lúa chính vụ bởi lúa chính vụ phải tốn nhiều chi phí từ làm đất, giống lúa, cấy, gặt, chăm bón, thuốc trừ sâu, tính ra nhiều hộ (ít chuộng) làm chỉ hòa vốn. Hiện mô hình đang được nhiều địa phương trong huyện mở rộng diện tích qua từng năm. Mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm tại các xã Nghĩa Thái và Nghĩa Tân trên giống lúa BT7 chỉ cần bón lót 1 lần duy nhất trước khi bừa cấy với lượng 15 kg/sào cho năng suất cao hơn bón phân đơn từ 10-15% đang được các hộ nông dân 2 xã và các xã lân cận áp dụng ra sản xuất đại trà. Mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại 10 xã khẳng định ưu thế vượt trội, năng suất tăng hơn 10% và tiết kiệm chi phí, giảm bớt công lao động cho nông dân đã được tất cả các xã, thị trấn trong huyện áp dụng. Mô hình trình diễn cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất - gieo mạ - cấy lúa - thu hoạch tại xã Nghĩa Sơn cho thấy, việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện các khâu, khắc phục khó khăn thiếu hụt lao động thời vụ, góp phần đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đi hiệu quả trong xây dựng NTM của huyện. Thực hiện Dự án Rừng và Đồng bằng, huyện Nghĩa Hưng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình “Canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải” tại 4 xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân và Nghĩa Hùng. Mô hình đã trang bị kiến thức, kỹ năng về sản xuất lúa chất lượng cao, tăng hiệu quả sản xuất lúa, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời hạn chế phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, giúp nông dân tiếp cận với những mô hình sinh kế thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Trong sản xuất rau màu, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình khảo nghiệm phân bón vi sinh của Cty CP Âu Lạc trên các loại rau cải bắp, su hào, cải bẹ tại các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Thành, Nghĩa Bình. Sử dụng phân bón này giúp cây cân đối hàm lượng đạm, lân, kali, cho quả đồng đều, chất lượng tốt. Đây là hướng đi mới cho các địa phương trong huyện trong việc sản xuất nông sản sạch, an toàn với cây trồng, người và môi trường. Nhằm mở rộng diện tích sản xuất rau màu, sản xuất vụ đông, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dưa lê với quy mô 5ha tại xã Nghĩa Thành. Mô hình đã khẳng định hiệu quả khi người trồng đạt thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/sào, cao gấp 7 lần so với trồng lúa. Hiện tại ở Nghĩa Thành đã hình thành vùng trồng dưa lê tập trung. Trước đó, huyện thực hiện một số mô hình chuyển đổi từ đất 2 lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng rau màu tại các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Hồng… Qua công tác khuyến nông, từ địa phương có rất ít đất chuyên màu Nghĩa Hưng đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích và hiệu quả trồng cây vụ đông của tỉnh, có các vùng sản xuất rau màu quy mô lớn nổi tiếng như: Nghĩa Hồng, Quỹ Nhất, Nghĩa Bình…

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh diễn biến phức tạp; các đối tượng sâu bệnh hại lúa phát sinh thành dịch như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, rầy nâu… Đồng chí Trần Văn Chinh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hưng cho biết: Ngoài xây dựng các mô hình khuyến nông, với tinh thần, trách nhiệm vì sự phát triển nông nghiệp của địa phương, Trạm Khuyến nông Nghĩa Hưng còn huy động tối đa lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đánh giá phân loại các trà lúa, tổ chức điều tra, đánh giá đúng mức độ phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng. Từ đó đề ra các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn sâu bệnh cho cây trồng. Bên cạnh đó, Trạm còn tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện thành công Đề án “chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng”. Đến nay Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi tập quán, phương thức tổ chức sản xuất của nông dân, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển năng động, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống nông dân.

Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai và lao động ở Nghĩa Hưng, tạo sự chuyển biến về nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, đã và đang tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com