Thời gian qua, toàn tỉnh đã có trên 56 HTX, trên 50 tổ hợp tác được thành lập mới hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam (HTX Sơn Nam), xã Hải Trung (Hải Hậu) chuyên nuôi thỏ được thành lập năm 2016. Sau khi thành lập HTX, Hội đồng quản trị HTX đã liên kết và ký kết bao tiêu sản phẩm với Cty NIPPON của Nhật Bản, chi nhánh tại Bắc Ninh. Từ 6 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên 13 thành viên. Tổng đàn thỏ của HTX duy trì chăn nuôi trên 7.000 con. Riêng những tháng đầu năm 2017, HTX đã xuất bán trên 7.200 con thỏ với giá bình quân 178 nghìn đồng/con (mỗi con có trọng lượng từ 2,2-2,5kg), đạt doanh thu trên 1,2 tỷ đồng. Theo anh Nguyễn Trọng Bằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sơn Nam, để HTX phát triển, vấn đề đặt ra là mối quan hệ quyền lợi giữa thành viên và HĐQT HTX. Trong đó, HTX cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên xây dựng trang trại, tự chủ động nguồn giống và tổ chức chăn nuôi. Đồng chí Mai Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 56 HTX, trong đó có 9 HTX chuyên ngành, còn lại là các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (SXKD DVNN). Cả hai loại hình HTX này đều đủ điều kiện củng cố thành HTX kiểu mới. Các HTX SXKD DVNN hiện có dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận, gồm các dịch vụ: tưới tiêu, nạo vét thủy lợi nội đồng, diệt chuột, cung ứng vật tư đầu vào. Thu nhập của thành viên HĐQT bình quân đạt 2 triệu đồng/người/tháng trở lên, cao hơn 10-15% so với thu nhập của mô hình HTX cũ.
Tham quan mô hình HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam, xã Hải Trung (Hải Hậu). |
HTX SXKD dịch vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) Xuân Hòa, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) được thành lập từ năm 2014 theo Luật HTX 2012. Những năm qua, HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế, NTTS, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX phát triển. Hiện, HTX có 18 thành viên là những chủ đầm có kinh nghiệm trong NTTS từ 15 năm trở lên, với tổng diện tích NTTS gần 20ha, doanh thu bình quân hằng năm đạt trên 500 triệu đồng/hộ. Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, trước đây, các hộ chăn nuôi chủ yếu theo mô hình hộ, điều kiện nuôi nhỏ lẻ và hầu hết là tự cung, tự cấp nguồn vào, đầu ra sản phẩm mà chưa có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ. Do đó, quá trình nuôi bị ảnh hưởng do rủi ro cao, thiếu kiến thức, thường bị tư thương ép giá, lợi nhuận thấp. Khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, được Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ về thủ tục pháp lý, HTX chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. HTX hoạt động với phương châm: Hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn, giám sát quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và đầu tiêu thụ cho sản phẩm. Qua hơn 2 năm hoạt động, các dịch vụ của HTX cung cấp cho thành viên đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các thành viên trong HTX thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật…, đạt năng suất cao, tăng thu nhập cho các thành viên.
Đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết; Điểm mấu chốt ở mô hình HTX kiểu mới chính là hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện các HTX mới đủ sức tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Để xây dựng mô hình HTX kiểu mới, trên cơ sở các chính sách của tỉnh, Liên minh HTX phối hợp với các ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở KH và ĐT… sẽ cùng giúp các HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ nền tảng hiện có cộng với sự hỗ trợ tích cực, các HTX đã được chọn thành lập mới sẽ trở thành các HTX kiểu mới. Đây sẽ là những mô hình điểm để các HTX khác học hỏi, cũng như để thay đổi cách nhìn của người dân về kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Để xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới thành công trong lĩnh vực nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao trách nhiệm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở về phát triển HTX nông nghiệp. Tăng cường năng lực, hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp theo hướng cấp tỉnh tăng cường cán bộ tham mưu về kinh tế tập thể; cấp huyện có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý, hỗ trợ phát triển HTX; cấp xã bố trí cán bộ bán chuyên theo dõi, hỗ trợ phát triển HTX. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển. Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách về đất đai, đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất, cấp GCN QSDĐ để HTX nông nghiệp xây dựng trụ sở, nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm... và giao đất công ích để HTX nông nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để các HTX được vay vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của quỹ phát triển HTX; thực hiện tốt các chính sách về nguồn nhân lực… Xây dựng các mô hình thí điểm HTX, liên hiệp HTX cung ứng thực phẩm an toàn, kết nối từ nơi sản xuất đến bảo quản, thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng cán bộ HTX, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại với HTX, liên hiệp HTX, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX phát triển./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn