Khoảng hai chục năm về trước, nhiều gia đình nông thôn có kinh tế dư dả đua nhau xây nhà bê tông cao tầng. Nhưng nay không ít người lại có xu hướng muốn quay về “chơi” những ngôi nhà gỗ theo phong cách cổ có giá trị tiền tỷ. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, anh Nguyễn Việt Hệ, sinh năm 1991, ở xóm 22, xã Hải Anh (Hải Hậu) đã gây dựng thành công thương hiệu nhà gỗ Việt Hệ của mình.
Nghề mộc dân dụng ở xã Hải Anh đã nổi tiếng từ lâu. Anh Nguyễn Việt Hệ là đời thứ ba trong gia đình theo nghề mộc của các cụ truyền lại. Nói chuyện với chúng tôi, anh Hệ cho biết: “Nghề mộc này gắn bó với tôi từ rất lâu rồi. Khi còn bé, mấy anh em đã được tiếp xúc với cái dùi, cái đục”. Cha anh, ông Nguyễn Văn Minh từng là thợ chạm trổ nổi tiếng trong làng. Anh được cha truyền nghề khi chỉ hơn 10 tuổi. Nhớ lời các cụ để lại “gỗ méo khéo đẽo cũng tròn”, qua nhiều năm học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, anh Hệ đã có được tay nghề cứng. Ra làm nghề kiếm sống, nhờ có tư duy thị trường nhanh nhạy nên ngay khi nhận thấy xu hướng nhà gỗ giả cổ được ưa chuộng, anh quyết định chuyển từ làm hàng đồ gỗ mỹ nghệ thông thường sang sản xuất các chi tiết của ngôi nhà gỗ giả cổ. Ban đầu anh Hệ chỉ nhận làm những chi tiết nhỏ trong ngôi nhà để vừa làm vừa tập trung học nghề, tích lũy kiến thức. Làm nhà gỗ giả cổ có giá trị kinh tế cao thị trường cạnh tranh không gay gắt như đồ gỗ dân dụng thông thường. Tuy nhiên nhà gỗ giả cổ có giá thành cao lại kén khách. Người làm nhà gỗ giả cổ không chỉ đòi hỏi dụng công mà còn cả dụng tâm vào cả công trình. Trong việc thiết kế và xây dựng nhà gỗ giả cổ phải nắm vững kiến thức về kiến trúc cổ, công năng sử dụng, óc thẩm mỹ, ngoài ra phải hiểu được những yếu tố về lịch sử kiến trúc truyền thống, các mẫu hoa văn, họa tiết cổ truyền, phong tục, tập quán của từng địa phương nơi xây dựng công trình. Nghệ thuật chạm gỗ luôn đòi hỏi sự kỳ công và kiên nhẫn; nhất là những công việc cần tay nghề cao ở người thợ như làm các cột cái, cột con, cột quân, xà long, xà nách, xà khóa, bờ, trụ... Chỉ riêng mỗi bộ cửa đã là cả một công trình nghệ thuật.
Thi công cột nhà gỗ giả cổ tại xưởng của anh Nguyễn Việt Hệ, xã Hải Anh (Hải Hậu). |
Khởi nghiệp với bao khó khăn, xưởng nhỏ lại nằm trong làng nên việc vận chuyển gỗ nguyên liệu gặp nhiều trở ngại; thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm còn hạn chế, cơ sở vật chất thô sơ nên khách hàng chưa thực sự tin tưởng vào tay nghề... Do đó lượng đơn hàng mà xưởng nhận được ít nên lợi nhuận chưa nhiều. Có thời điểm giá nguyên liệu gỗ biến động thất thường, xưởng anh Hệ không có nguyên liệu sản xuất, tưởng chừng “sự nghiệp” phải bỏ dở. Nhưng lợi thế của tuổi trẻ chính là ý chí không lùi bước, anh Hệ động viên từng công nhân trong xưởng khắc phục khó khăn cùng nhau bám trụ, bản thân anh lại “khăn gói” lên đường ròng rã mấy tháng trời đi khắp các làng nghề mộc trong tỉnh và sang cả Ninh Bình, Bắc Ninh, vào Nghệ An để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước về kiến trúc nhà gỗ cổ, tìm hiểu thị trường gỗ, tìm ra nguồn cung nguyên liệu ổn định, lâu dài và chất lượng, từng bước đưa xưởng vượt qua khó khăn. Quyết tâm và nỗ lực của chàng trai trẻ đã được đền đáp. Sản phẩm của xưởng mộc đã dần khẳng định được uy tín trên thị trường, số lượng “khách quen” ngày một nhiều. Ông Nguyễn Trọng Tiến, ở xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, (tỉnh Hải Dương) trước đó từng được xưởng anh Hệ thi công ngôi nhà gỗ nhỏ trị giá 3 tỷ đồng. Tin tưởng vào tay nghề và chất lượng thi công của xưởng Việt Hệ, năm 2017 ông tiếp tục ký hợp đồng với xưởng gỗ của anh Hệ thi công ngôi đình trị giá khoảng 60 tỷ đồng, với khoảng 60 nhân lực gồm thợ xây, thợ đục, thợ mộc, thợ lợp, đắp vẽ trong vòng 16 tháng.
Ngày nay làm nhà gỗ có sự hỗ trợ của máy móc ở một số khâu nên tiến độ cũng nhanh hơn. Ví như việc bóc, tách gỗ, dựng cột đục thô, xử lý hóa chất, ngâm, sấy để ổn định độ đàn hồi của gỗ trước khi ghép mộng, đục, chạm... Nhờ đó mỗi công trình trước kia phải mất 3-4 năm thi công bây giờ chỉ cần 9 tháng đến 1 năm là có thể hoàn thành.
Từ lâu, anh Hệ luôn mơ ước được tự tay làm ra những ngôi nhà gỗ theo phong cách cổ để lưu giữ lại những nét tài hoa tinh tế trong cách bài trí và cách dụng mộc của người xưa. Những ngôi nhà giúp giữ lại hình ảnh hồn cốt làng quê Việt trong xu thế đô thị hóa, bê tông hóa nông thôn ngày một nhanh. Với lối kiến trúc phương Đông truyền thống cùng sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ từng sản phẩm nhà gỗ Việt Hệ luôn tái hiện được những không gian trầm mặc cổ xưa với vẻ đẹp tinh tế mà còn thể hiện được cốt cách gia chủ. “Chất lượng làm nên thương hiệu”, hiểu rõ điều đó, anh Hệ luôn không ngừng học hỏi, tham khảo các bậc cao niên trong nghề, nâng cao tay nghề của bản thân và đội ngũ công nhân để đáp ứng được thị hiếu, xu hướng thẩm mỹ của khách hàng. Đến nay sản phẩm nhà gỗ Việt Hệ đã nhận được sự tín nhiệm của khách hàng, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Khoảng 5 năm trước, các công trình kiến trúc gỗ mà gia đình anh Hệ thường nhận là đình, chùa; nay xưởng còn nhận làm cả nhà gỗ tư gia, nhà thờ họ, tất cả các vật trang trí bằng gỗ trong nhà. Sản phẩm gỗ mà xưởng thường xuyên sử dụng là lim Nam Phi, lim xanh, gỗ đinh hương, sến, táu... đảm bảo cả chất lượng và tính thẩm mỹ. Thị trường sản phẩm của anh đã được mở rộng không chỉ ở hầu hết các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Phú Thọ... mà còn được tin dùng ở Tây Nguyên, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí còn được xuất sang cả Trung Quốc. Mỗi năm xưởng nhận được từ 7-8 công trình nhà gỗ giả cổ. Mỗi công trình nhà gỗ có thể trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Đến nay, xưởng có quy mô khoảng 1.000m2, 15 công nhân lành nghề đang làm việc tập trung tại xưởng và hơn 20 lao động chuyên đi theo các công trình với mức lương từ 4-4,5 triệu/người/tháng.
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, với lòng yêu nghề bền bỉ và sự sáng tạo không ngừng, những người trẻ như anh Nguyễn Việt Hệ luôn trăn trở làm sao đổi mới và phát triển và giữ được lửa nghề, mở rộng thị trường nhà gỗ trong và ngoài nước. Bởi anh luôn tâm niệm “yêu nghề, nghề không phụ”./.
Bài và ảnh: Hải Liên
(Trường Đại học VHNT Quân đội)