Cùng với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2701/QĐ-UBND ngày 31-12-2014, thời gian qua, các huyện, thành phố đã tập trung xây dựng quy hoạch vùng huyện nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, của tỉnh và của huyện. Đây cũng là một tiêu chí không thể thiếu để các huyện, thành phố hướng đến mục tiêu trở thành huyện NTM trong giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Ngày 1-8-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Giao Thủy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, quy hoạch chi tiết kinh tế biển với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, coi đây là động lực phát triển kinh tế chính tạo lập sự liên kết phát triển giữa các vùng trong huyện theo hướng lâu dài và bền vững của huyện Giao Thủy.
Đường xóm tại Tổ dân phố số 9, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) được bê tông hóa đảm bảo tiêu chí NTM. |
Xác định trọng tâm kinh tế biển, huyện Giao Thủy đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh xây dựng không gian vùng huyện theo mô hình 2 trung tâm và 1 vành đai phát triển. Trong đó, tiếp tục lấy Thị trấn Ngô Đồng làm trung tâm phát triển không gian thứ nhất, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính (trục Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489, và các trục đường huyện). Chọn đô thị Quất Lâm làm hạt nhân phát triển chính ở ven biển, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính (trục Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489, tỉnh lộ 489B và các trục huyện lộ). Vành đai phát triển kết nối Thị trấn Ngô Đồng và Thị trấn Quất Lâm thuộc khu vực đô thị Đại Đồng và các xã vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ với thế mạnh là phát triển kinh tế biển liên kết với 2 trung tâm thông qua trục đường bộ ven biển, tỉnh lộ 489 và các trục huyện lộ. Với việc quy hoạch trên, toàn bộ huyện Giao Thuỷ sẽ tăng cường kết nối chặt chẽ với tuyến kinh tế ven biển, trong đó các lợi thế phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị tại Quất Lâm, Đại Đồng, Giao Phong và VQG Xuân Thuỷ sẽ được khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh. Với định hướng trên, huyện cũng xác định rõ các khu vực VQG Xuân Thuỷ và 27 điểm di tích lịch sử văn hoá của huyện. Tiêu biểu như các di tích: Khu di tích Hoành Nha (Giao Tiến), Đền chùa Diêm Điền (Bình Hoà), Chùa Hà Cát (Hồng Thuận)… Từng bước định hình các tuyến du lịch liên vùng và nội vùng như tuyến du lịch Đền Trần, Chùa Tháp (TP Nam Định) - làng cây cảnh Vỵ Khê - Chùa Cổ Lễ - Chùa Keo Hành Thiện - Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Bảo tàng Đồng Quê - VQG Xuân Thuỷ; tuyến du lịch nghỉ mát tại bãi biển Thịnh Long, bãi biển Quất Lâm; khu di tích lịch sử văn hoá Hoành Nha (Giao Tiến), Diêm Điền (Bình Hoà), Hà Cát (Hồng Thuận) - khu du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong - bãi biển Quất Lâm; du lịch sinh thái VQG Xuân Thuỷ - du lịch điền dã, du khảo đồng quê tại khu vực vùng đệm VQG tại Giao Hải, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện. Cùng với đó, hệ thống đô thị chính hướng biển như Quất Lâm và Đại Đồng trong tương lai được hoạch định rõ phát triển theo hướng đô thị đa cực, đa trung tâm, tận dụng hạ tầng đô thị sẵn có. Đô thị Quất Lâm phát triển đảm bảo là trung tâm vùng đông nam của huyện, giữ vai trò là đô thị du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng biển, là đầu mối giao thông sông biển, cửa ngõ giao lưu buôn bán với các huyện, tỉnh lân cận. Giai đoạn 2016-2020, Quất Lâm sẽ được nâng cấp phát triển thành đô thị loại IV mở rộng trên cơ sở sát nhập Thị trấn Quất Lâm với các xã Giao Phong, Giao Thịnh, giữ vai trò là đô thị nghỉ mát du lịch, kết hợp với Thị trấn Ngô Đồng và xã Giao An tạo thành tam giác phát triển du lịch nghỉ mát, tắm biển, nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái và du lịch làng nghề. Khu vực đô thị Đại Đồng với trung tâm tại ngã ba Hồng Thuận sẽ là đô thị loại V với tính chất là một trong những trung tâm dịch vụ, nghiên cứu và nghỉ dưỡng sinh thái, có hệ thống giao thông thuận lợi, có nền tảng phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, trung tâm nghiên cứu phục vụ khách tham quan, nghiên cứu khu dự trữ sinh quyển tại VQG. Đối với du lịch sinh thái VQG Xuân Thủy, hạn chế quy hoạch xây dựng hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tập trung để giảm thiểu tác động của con người đối với rừng ngập mặn và đời sống chim di trú, giữ vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ. Mở rộng bộ phận làm dịch vụ phục vụ khách du lịch tại trụ sở VQG Xuân Thủy để phục vụ nhu cầu của du khách. Xây dựng bến cập tàu du lịch đón khách du lịch đi tàu biển từ Quất Lâm, phát triển đội tàu khách tiêu chuẩn tới tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn; xây dựng hệ thống nhà sàn, chòi quan sát, bãi cắm trại du lịch làm điểm dừng chân cho du khách ở Cồn Lu (diện tích khoảng 2.500ha). Đối với khu nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong sẽ phát triển theo hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường và sẽ là nơi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài việc đầu tư, quy hoạch xây dựng những khu du lịch tiềm năng, Giao Thủy tiếp tục duy trì và mở rộng loại hình du lịch cộng đồng và Bảo tàng Đồng Quê tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với cộng đồng dân cư địa phương và những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống đặc sắc của nền văn minh lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng kết hợp với hàng trăm công trình tôn giáo có kiến trúc độc đáo là những điểm tham quan đầy thú vị cho khách du lịch.
Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế biển, huyện cũng tập trung quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá các sản phẩm chất lượng cao thông qua việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đến năm 2030, đảm bảo ngành Nông nghiệp của huyện phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung quy hoạch và hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái: 2 vùng chăn nuôi sinh thái 40ha tại xã Giao Long (30ha), xã Giao Hà (10ha); 2 vùng nuôi thuỷ sản (tôm, cua, ngao) sinh thái 800ha: Giao An (300ha), Giao Thiện (500ha); 2 vùng sản xuất công nghệ cao: vùng sản xuất rau sạch công nghệ cao tại xã Giao Phong (30ha) và vùng sản xuất giống lợn, chăn nuôi công nghiệp và chế biến thịt lợn tại xã Giao Thịnh (50ha). Ngoài ra, còn có các vùng nuôi thủy sản giá trị cao khác như tôm thẻ chân trắng (Giao Phong, Giao Yến, Giao Thiện, Bạch Long, Quất Lâm); nuôi ghép tôm sú với các đối tượng khác tại khu vực Cồn Ngạn, vùng ven sông Sò (Giao Tân, Giao Thịnh); vùng nuôi chuyên cá bống bớp, cá bống bớp xen tôm tại các xã Giao Thiện, Giao Phong, Quất Lâm; nuôi cá truyền thống tại các vùng chuyển đổi tập trung ở một số xã như: Giao Thịnh, Giao Xuân, Giao Hải, Giao Châu, Bình Hoà, Giao Hà, Giao Long, Hồng Thuận… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được định hướng quy hoạch phát triển đồng bộ với xu thế nâng cấp, mở rộng đảm bảo theo quy hoạch của Chính phủ, của tỉnh, của huyện. Trong đó, gồm 2 trục đường chiến lược: Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua các xã Giao Thịnh, Giao Yến, Giao Tân, Giao Châu, Giao Nhân, Hoành Sơn, Thị trấn Ngô Đồng, toàn tuyến đạt quy mô 6 làn xe và tuyến đường bộ ven biển theo hướng tây - đông qua các xã Giao Yến, Giao Châu, Giao Long, Giao Hải, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện sang Thái Bình quy mô đường cấp III đồng bằng. Các tuyến Quốc lộ 37B và tỉnh lộ 489, 489B quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. 8 tuyến huyện lộ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Theo nhu cầu dùng nước sạch đến năm 2020 huyện Giao Thuỷ đã quy hoạch xây dựng Nhà máy nước Giao Thịnh cấp nước cho 6 xã Giao Thịnh, Giao Phong, Quất Lâm, Giao Yến, Bạch Long, Giao Long và nâng công suất Nhà máy nước Giao Tiến để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho toàn huyện với công suất 28.875m3/ngày đêm. Công tác bảo vệ môi trường tại đô thị, CCN, môi trường nông thôn, làng nghề và đặc biệt là bảo vệ môi trường vùng ven biển cũng được huyện đặc biệt quan tâm với các giải pháp chính như phòng chống suy thoái môi trường do xói lở và bồi tụ vùng cửa sông ven biển; phòng ngừa và ứng cứu các sự cố do thiên tai, bão, lụt, tràn dầu; phòng chống ô nhiễm nước biển và ven biển do hoạt động của các cầu cảng, do giao thông vận tải, do nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản; bảo vệ đa dạng sinh học, các giống loài đặc thù; bảo vệ các hệ sinh thái rừng ngập mặn cửa sông, ven biển.
Thời gian tới, huyện Giao Thủy tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống đô thị kết cấu hạ tầng hoàn thiện (nâng cấp hạ tầng Thị trấn Quất Lâm đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại IV; xây dựng trung tâm thương mại tại các Thị trấn Ngô Đồng, Thị trấn Quất Lâm, Thị trấn Đại Đồng), kêu gọi và xúc tiến các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ (hạ tầng khu du lịch VQG Xuân Thuỷ; xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch biển Giao Phong). Triển khai hoàn tất các dự án công trình trọng điểm về đê kè tuyến sông, tuyến biển, trục giao thông huyết mạch kết nối vùng kinh tế biển của huyện; đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM. Xây dựng chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt là bảo vệ nguồn tài nguyên nước, môi trường nước và các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Giao Thuỷ và các huyện trong tỉnh.
Quy hoạch vùng huyện Giao Thủy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển đồng bộ có tính chất quyết định đối với huyện Giao Thuỷ nói riêng và tỉnh nói chung, góp phần khai thác triệt để mọi tiềm năng cả vùng sinh thái biển và 32km đường bờ biển của huyện, hướng tới hình thành một khu vực kinh tế trọng điểm phía đông nam của tỉnh cũng như chủ động ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giúp huyện phát triển mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo./.
Bài và ảnh: Đức Toàn