Người mang nghề mới về quê

08:09, 15/09/2017

Từ hai bàn tay trắng, CCB Đào Hữu Xuyên, xã Yên Đồng (Ý Yên), thương binh hạng 2/4 đã phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, giúp đỡ nhiều người nghèo và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

CCB Đào Hữu Xuyên, xã Yên Đồng (Ý Yên) kiểm tra sản phẩm mũ giang trước khi đem ra thị trường tiêu thụ.
CCB Đào Hữu Xuyên, xã Yên Đồng (Ý Yên) kiểm tra sản phẩm mũ giang trước khi đem ra thị trường tiêu thụ.

Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, bằng chất giọng trầm ấm, ông kể cho chúng tôi nghe quá trình “lập nghiệp” và phát triển kinh tế của mình. Nhập ngũ tháng 9-1972, chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Đến năm 1978, ông xuất ngũ về địa phương và bắt tay vào tham gia phát triển kinh tế gia đình. Trong quá trình “khởi nghiệp”, với bản chất người lính không cam chịu đói nghèo, ông Xuyên đã tích cực học hỏi cách làm ăn sao cho có hiệu quả nhất. Là địa phương có nghề đan băng giang truyền thống, chủ yếu xuất khẩu sang Tiệp Khắc, Liên Xô, theo quan sát của ông Xuyên, 1 thanh giang rừng sau khi lọc lấy vỏ chỉ sử dụng 50% còn lại là bỏ đi, ông đã tìm tòi, học hỏi, sử dụng các sản phẩm thừa từ cây giang để làm ra những chiếc mũ giang đem bán. Được sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình, sự động viên của anh em, bạn bè, ông đã bắt đầu thử nghiệm, sử dụng băng giang thừa sản xuất thành mũ giang. Ông Xuyên cho biết: Thời đó, mũ giang là vật dụng che nắng, che mưa phổ biến nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, thu nhập đủ nuôi sống cả gia đình. Chính điều đó càng giúp tôi có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất… Khó khăn lớn nhất đối với ông Xuyên lúc mới bắt tay vào làm việc là vốn. Được sự quan tâm giúp đỡ của đồng đội và những người thân đã giúp ông vốn để đầu tư máy móc ban đầu. Từ chỗ chỉ sản xuất theo quy mô gia đình, ông đã đứng ra mở rộng, thành lập tổ hợp may, mời thêm nhiều đồng đội là thương, bệnh binh và người lao động ở địa phương cùng tham gia sản xuất vừa mở mang nghề mới, vừa có thêm thu nhập. Bên cạnh khó khăn về vốn thì vấn đề tìm thị trường tiêu thụ cũng vô cùng nan giải. Ông Xuyên nhớ lại những ngày đầu bước ra thương trường phải nhờ những người thân quen đi giới thiệu sản phẩm. Bản thân ông phải lăn lội khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, vào tới tận Đà Nẵng để tìm mối hàng tiêu thụ sản phẩm mũ giang, chào bán và cam kết chất lượng sản phẩm. Nhờ nhanh nhạy trong việc giới thiệu sản phẩm, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, mặt hàng sản xuất mũ giang của ông đã dần có lượng khách hàng ổn định. Với những nỗ lực không ngừng cùng nghị lực quyết tâm của một CCB, cơ sở sản xuất của ông Xuyên ngày một phát triển đã cung cấp các sản phẩm mũ giang cho khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung… Tuy nhiên, vào những năm 1990, khi nhu cầu thị trường trong nước không còn ưa chuộng các sản phẩm từ mũ giang do các mặt hàng mũ từ Trung Quốc nhập vào nước ta rất đa dạng, phong phú và giá thành lại rẻ. Là người đã từng “vào sinh ra tử”, CCB Đào Hữu Xuyên đã suy nghĩ làm thế nào để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm mũ giang của mình, duy trì việc làm cho lao động địa phương. Với vai trò là người đứng đầu, ông Xuyên đã tìm cách chuyển hướng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Chia sẻ về những ngày đầu tìm thị trường ngoài nước, ông Xuyên cho biết: xem trên ti vi, thấy người nước ngoài vào các dịp lễ hội hay các mùa bóng đá, người dân thường đội các loại mũ có kiểu dáng ngộ nghĩnh mà người dân quê mình thừa khả năng làm được những sản phẩm như thế… Với những suy nghĩ đó, nói là làm, ông đã mày mò tìm hiểu thông tin, ra tận Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…, đến gặp các Cty xuất nhập khẩu để hợp tác với mô hình cung cấp các sản phẩm để họ thu mua và xuất khẩu. Trước sự quyết tâm của một người lính và uy tín của làng nghề, các thương nhân đã đồng ý hợp tác cùng với ông. Vượt qua những khó khăn thách thức ban đầu, từ năm 1998, việc chuyển hướng xuất khẩu mũ giang ra nước ngoài của ông đã đạt được những thành công bước đầu. Các loại sản phẩm mũ, đệm, khay làm từ băng giang do cơ sở của ông thiết kế, sản xuất lần lượt được xuất khẩu đi nhiều nước như: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bra-xin… Với khoảng 100 nghìn sản phẩm các loại được xuất khẩu mỗi năm đã mang lại doanh thu cho cơ sở hàng tỷ đồng mỗi năm. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về thành công, ông Xuyên cho biết: Có được thành công đó là nhờ được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong những lúc khó khăn, từ đó tôi có điều kiện giúp đỡ những người nông dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập... Thời gian tới, ông muốn tiếp tục phát triển quy mô sản xuất, tìm những đối tác tiềm năng, đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc đồng bộ và hiện đại để sản phẩm làm ra ngày càng có uy tín trên thị trường.

Không chỉ là một CCB làm kinh tế giỏi, ông Xuyên còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của xã, nhất là các phong trào từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa. Mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Xuyên cũng như nhiều CCB khác luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo, phát huy bản chất của người lính Cụ Hồ, nắm bắt những cơ hội để làm giàu ngay tại địa phương mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệpHướng dẫn đọc sách online hiệu quả

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com