Nghề khâu nón ở Xuân Bắc

05:09, 29/09/2017

“Không biết nghề khâu nón truyền thống ở Xuân Bắc khởi nguồn từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thời ông bà chúng tôi đã làm; cả làng, cả xã nhà nào cũng khâu nón. Lứa chúng tôi, từ tầm 9-10 tuổi là đã biết phụ cha mẹ một số công đoạn. Cứ thế, nghề khâu nón tồn tại cho đến ngày nay...”. Ông Lê Văn Yến, xóm 8 năm nay vừa tròn 70 tuổi thủng thẳng trò chuyện cùng chúng tôi về nghề truyền thống của quê hương mình.

Nón lá được hộ ông Lê Văn Chuyên, xóm 8, xã Xuân Bắc tập kết, tiêu thụ cho những hộ làm nghề.
Nón lá được hộ ông Lê Văn Chuyên, xóm 8, xã Xuân Bắc tập kết, tiêu thụ cho những hộ làm nghề.

Với trên 50 năm gắn bó với nghề khâu nón, ông Yến cho biết nguyên liệu chính là lá nón không có sẵn ở địa phương nên người Xuân Bắc phải lặn lội vào tận tỉnh Nghệ An để mua lá. Công việc này thường do đàn ông đảm nhiệm. Lá nón mua về lúc còn xanh phải vò, chà xát lẫn với cát để lá xòe mỏng và hết nhựa. Đem phơi lá cho đến khi ngả màu trắng bạc rồi lại đem vào lò sấy bằng lưu huỳnh. Như vậy, lá sẽ có độ trắng đẹp và không bị mốc khi gặp trời mưa. Sau đó đem là từng chiếc lá trên lưỡi cày nung để làm nóng lá; “bàn là” được chế từ vải cuộn thành nắm tròn cầm vừa tay, có mặt phẳng, khi là vuốt đều trên mặt làm cho lá thanh, phẳng. Lá đạt yêu cầu phải đảm bảo đều màu, mỏng, thanh và không được cháy. Sau đó, tất cả các công đoạn để sản xuất được một chiếc nón đều hoàn toàn thủ công và phần việc nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn như: lên vành, lợp lá (3 lớp), khâu (chằm), cạp vành… Nón lá thường có ba lớp: lớp ngoài bằng lá non, loại đẹp và trắng nhất, lớp giữa trước đây dùng lá già (bây giờ người ta thay bằng lớp mo) và lớp trong cùng cũng bằng lá non nhưng không cầu kỳ chất lượng như lớp mặt ngoài. Nón lá Xuân Bắc thường có 15-16 vành, được khâu bắt đầu từ vành nhỏ nhất. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo để đường kim, mũi chỉ được chính xác, thẳng và đều theo độ cong của vành nón. Đường kim mũi chỉ càng mau (dầy, đều) thì nón càng bền, càng đẹp. Bà Bùi Thị Dậu, xóm 8, năm nay 61 tuổi với trên 50 năm làm nghề khâu nón cho biết: trước đây, cả xã nhà nào cũng làm nghề khâu nón, nhất là vào thời điểm nông nhàn. Thời điểm cực thịnh, nghề làm nón lá ở Xuân Bắc thường xuyên có từ 80-90% số hộ tham gia. Hộ ít thì có 1-2 người, hộ nhiều thì cả nhà 4-5 người tham gia, người nào việc nấy: trẻ nhỏ, người già thì làm lá, xếp lá; phụ nữ thì khâu và mang nón đi chợ bán; đàn ông thì chẻ nan, cạp vành... Nón Xuân Bắc có mặt ở khắp các chợ trong huyện như các chợ Bắc, chợ Trung, chợ Cát, chợ Bùi... và sang cả các chợ Hoành Nha, Hoành Nhị (Giao Thủy); Cồn, Bể (Hải Hậu). Mỗi tháng 6 phiên, những phiên chợ Bắc (vào ngày 3, ngày 8 hằng tháng); chợ Trung (vào ngày 4, ngày 8 hằng tháng), nón lá là một trong những loại hàng phổ biến và nhiều nhất. Cứ thế, nón lá Xuân Bắc không chỉ tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn hộ gia đình, của nhiều thế hệ mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Ngày nay, do nhiều yếu tố, nghề khâu nón truyền thống của xã Xuân Bắc mặc dù không phồn thịnh như những năm trước nhưng vẫn thu hút hàng trăm lao động tham gia. Cả xã có 12 xóm thì vẫn còn 7 xóm có nhiều hộ làm nghề, nhiều xóm như: 8, 9, 11... mỗi xóm có vài chục tay kim chuyên khâu nón. Nón lá Xuân Bắc giờ ngoài loại là nón suông truyền thống còn có loại nón được lợp thêm một lớp ni-lông phía trong cùng để không bị ngấm nước khi trời mưa. Mỗi ngày hoàn thành được từ 1,5-2 chiếc, với giá bán khoảng 50 nghìn đồng/chiếc, sau khi trừ chi phí (khoảng 13-15 nghìn đồng), ngày công của người khâu nón cũng đạt từ 60-70 nghìn đồng. Một số hộ như các ông bà: Lê Văn Yến, Lê Văn Thuyên ở xóm 8 chuyên cung ứng nguyên liệu cho các hộ làm nghề trong xã và cả các xã xung quanh như: Xuân Thành, Xuân Trung, Xuân Phong...

Ông Thuyên, người chuyên cung ứng các loại nguyên liệu như: vòng, cước, mo, guột (để cạp vào vành nón cho chắc chắn) cho biết: Để có đủ nguyên liệu phục vụ cho bà con, thường thường mỗi tháng ông nhập từ 1,2-1,5 tấn hàng các loại từ làng Chuông (Hà Nội); những tháng “vào vụ” (từ tháng 4 đến tháng 8) thì cứ 2 tháng phải lấy từ 3-4 chuyến hàng mới đủ. Còn hộ ông Yến thì chuyên cung ứng vòng cái và lá nón cho bà con. Mỗi tháng, ông Yến nhập từ 2-3 chuyến hàng với khối lượng từ 100-120kg lá nón khô, ngoài cung ứng tại chỗ còn đi bán ở chợ Bắc, chợ Trung vào những ngày chợ phiên. Ngoài ra, ông Yến còn mua nứa về chẻ nan làm vành cái. Bình quân, mỗi ngày ông chẻ được từ 60-70 vành cái, với giá bán từ 2.000 đồng/vành, sau khi trừ chi phí (khoảng 50%) mỗi ngày công của ông cũng được từ 60-70 nghìn đồng.

Gắn bó với người dân đã bao năm nay, những năm gần đây, nghề khâu nón của xã Xuân Bắc dù bị cạnh tranh nhiều, số hộ và số lao động làm nghề không nhiều như xưa song có nghề phụ nên đời sống người dân ở đây cũng bớt vất vả, khấm khá, no đủ dần lên. Rời Xuân Bắc, trong tôi còn đọng mãi hình ảnh ông Yến, ông già vào tuổi thất thập vẫn đều tay làm nón và nụ cười hỉ hả kể: với khoản thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ngày, tuy không khá giả nhưng hai vợ chồng già cũng có đồng ra đồng vào để tự trang trải cuộc sống, thi thoảng mua được đồng quà, tấm bánh cho các cháu. Có công nghề không phụ là thế!

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com