Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngành Xây dựng có 5 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành Xây dựng từ quan điểm phát triển bền vững; xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng giai đoạn 2014-2020. Thứ hai, rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch cải tạo đô thị theo hướng tiêu chuẩn bền vững, hoàn thiện thể chế trong giai đoạn 2013-2020. Thứ ba, đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng theo hướng bền vững ở một số đô thị chọn lọc. Thứ tư, khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hoá”. Thứ năm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng, trong sử dụng các tòa nhà.
Thi công nhà bằng khung thép tại Trung tâm hội nghị khách sạn Sơn Nam (TP Nam Định). |
Thời gian qua, ngành Xây dựng tỉnh ta đã liên tục triển khai các nội dung của Kế hoạch; tập trung rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành gắn với phát triển bền vững và biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, từng bước đổi mới tư duy trong thiết kế, thi công xây dựng theo hướng hài hòa với môi trường, hướng tới phát triển các đô thị xanh. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ TN và MT xây dựng công bố để phục vụ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, tại tỉnh ta mỗi năm mực nước biển tăng lên khoảng 2,15mm. Cùng với đó, đường bờ biển bị lấn vào trung bình 10m; giai đoạn 2020-2100, tổng diện tích bị ngập của tỉnh là 61,7km2. Trong đó huyện Giao Thủy ngập 34,27km2, Hải Hậu ngập 20,9km2, Nghĩa Hưng ngập 6,54km2. Theo đó, các đối tượng chịu tác động của BĐKH và nước biển dâng trong các lĩnh vực khác nhau của ngành như: đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở và công sở, vật liệu xây dựng… sẽ được xác định rõ và đánh giá những tác động tiềm tàng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó chú trọng tới các huyện ven biển như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Theo đó, yêu cầu các nhà ở, công trình ven biển được đề xuất xây dựng hướng chiều sâu công trình theo chiều dòng chảy của lũ, đồng thời lựa chọn loại vật liệu xây dựng bền vững, phù hợp với môi trường ven biển thường xuyên phải hứng chịu thiên tai (không lắp đặt các mái tôn chống nóng tại các công trình cao tầng sát biển). Phát triển mạng lưới công trình hạ tầng xã hội có quy mô và chất lượng xây dựng tốt, phân bố phù hợp với mật độ dân số, gắn với chức năng làm nơi sơ tán cho dân cư đô thị và các khu vực nông thôn lân cận trong tình huống rủi ro thiên tai khẩn cấp. Tăng cường diện tích cây xanh, trồng các loại cây phù hợp dọc các tuyến kênh thoát lũ góp phần tăng khả năng thoát lũ, xây dựng, cải tạo hệ thống kênh mương, hồ điều hòa, cống qua đường, hệ thống cửa xả, bơm tiêu đảm bảo dòng chảy liên tục, thoát lũ nhanh chóng. Giải toả, tái định cư các khu vực có nguy cơ ngập úng cao do tác động của BĐKH. Ngoài ra, các công trình xây dựng mới phải đáp ứng tốt các chỉ tiêu kỹ thuật về nền xây dựng. Trong đó, cao độ nền xây dựng nhỏ nhất đối với khu vực trong đê là từ +2m trở lên; các khu vực ngoài đê là +3m, cao độ tuyến đê trung bình là +5m. Các khu đô thị mới tại trung tâm thị trấn các huyện cũng đã từng bước thực hiện quy hoạch xây dựng khu dân cư đô thị theo hướng khoa học với hạ tầng đồng bộ. Mỗi khu đô thị đều bố trí từ 0,5-0,9ha xây dựng công viên trung tâm hoặc hồ điều hòa vừa tạo không gian công cộng với cây xanh điều hòa vừa đảm bảo thoát nước với hệ thống thoát nước mặt và thoát nước thải được bố trí riêng biệt.
Cùng với đó, các quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở và công sở cũng được chú trọng hoàn thiện thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững. Hiện tại, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện và ban hành các quy hoạch thuộc ngành như: điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh; quy hoạch cấp nước sạch nông thôn ứng phó với BĐKH; quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định; quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh. Ngoài ra, ngành Xây dựng cũng đang tập trung nghiên cứu các giải pháp mới trong thiết kế và xây dựng công trình nhằm giảm thiểu tác hại của những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai… Cụ thể, tiến hành kiểm kê các loại khí gây hiệu ứng nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất gạch, ngói, tấm lợp); tổ chức nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới (thiết kế xây dựng nhà khung thép, lắp đặt biến tần, sử dụng gạch không nung, hệ thống quạt công nghiệp, tăng cường cây xanh xung quanh) nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua giảm mức tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất. Bên cạnh đó tiến hành kiểm toán, đánh giá mức tiêu hao năng lượng, sử dụng nguồn nước trong các công trình xây dựng bao gồm nhà ở, công sở, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ; nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp thiết kế và xây dựng mới, cải tạo các công trình nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ mặt đệm công trình và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng. Mới đây, trên địa bàn tỉnh đã có một số công trình sử dụng nhà khung thép để xây dựng công trình dân dụng như: Trung tâm hội nghị khách sạn Sơn Nam, xưởng 2 Cty CP May Sông Hồng. Có mặt tại công trường khách sạn Sơn Nam, quản đốc Cty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Nam Anh (Hà Nội) cho biết: “Trung tâm hội nghị khách sạn Sơn Nam hiện tại được thiết kế nhà khung thép. Việc thay thế bộ khung bê tông cốt thép nặng nề, khó kiểm soát chất lượng bằng thép hình (chữ U, chữ I…) chế tạo sẵn tại nhà máy theo mẫu thiết kế của từng công trình sẽ khắc phục được các nhược điểm của phương pháp thi công truyền thống”. Hiện tại, hệ thống cột nhà được chế tạo chủ yếu trong nhà máy rồi chuyển ra hiện trường lắp ráp, do đó kiểm soát tốt chất lượng vật liệu xây dựng (không thể rút bớt thép như chế tạo cột thép sợi bọc bê tông). Sàn vách gia công bằng cách lắp các tấm xi măng siêu nhẹ, siêu bền, cách âm, cách nhiệt tốt. Toàn bộ nhà thi công được trong mọi thời tiết, chịu đựng động đất tốt hơn cột bê tông cốt thép toàn khối, do nó chịu biến dạng tốt hơn, tải trọng truyền xuống móng giảm 30-40%... Đặc biệt công nghệ mới giúp thi công nhanh hơn, vì thế giá công trình sẽ giảm. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu xanh, hạn chế xả rác thải xây dựng ra môi trường. Công nghệ bảo ôn, chống thất thoát năng lượng nên công trình đạt hiệu quả tích cực trong việc hướng tới công trình xanh. Đây sẽ là hướng đi mới trong thiết kế xây dựng dân dụng.
Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, ngành Xây dựng sẽ tăng cường hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng công trình, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị xanh hài hòa gắn với BĐKH. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành ban hành kịp thời những hướng dẫn đồng bộ cũng như những chế tài khuyến khích và xử phạt cụ thể đối với việc tiết kiệm năng lượng trong những công trình xây dựng theo mục tiêu tăng trưởng xanh trong ngành Xây dựng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn