Huyện Nam Trực có nhiều làng nghề thủ công nghiệp như: Bình Yên (xã Nam Thanh); Vân Chàng, Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang); Đồng Quỹ (xã Nam Tiến)… nên thuận lợi khi thực hiện chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN và thu hút đầu tư vào địa phương. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện uỷ, UBND huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo phát triển mạnh một số ngành công nghiệp có lợi thế cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng thành mũi nhọn chủ lực.
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Cty TNHH Việt Thắng, CCN Đồng Côi (Nam Trực). |
Huyện Nam Trực định hướng đẩy mạnh liên kết vùng phát triển mạnh các ngành này trong chuỗi phụ trợ vệ tinh cho Thành phố Nam Định và các huyện xung quanh như: Nghĩa Hưng, Trực Ninh. UBND huyện đã giao Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo ngắn hạn các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí,... để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho lao động địa phương, đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ theo yêu cầu phát triển của các ngành. Toàn huyện hiện có trên 70 doanh nghiệp, hơn 3.200 cơ sở sản xuất CN-TTCN đang hoạt động ổn định trong 3 CCN tập trung và 7 làng nghề, làng nghề truyền thống và các điểm công nghiệp tập trung ở các xã: Tân Thịnh, Nam Tiến, Đồng Sơn… Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động của các CCN tập trung trên địa bàn, Trung tâm Phát triển CCN huyện đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát thực trạng cơ sở hạ tầng các CCN; xây dựng kế hoạch, lộ trình tham mưu với UBND huyện quản lý quy hoạch chi tiết CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức huy động, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết CCN đã được phê duyệt; lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung cho các CCN. Với nỗ lực của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện (giá so sánh năm 2010) đã đạt 2.357 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Các ngành công nghiệp trọng điểm của huyện như: cơ khí, dệt may, da giày, sản xuất VLXD đều đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, ngành cơ khí đạt giá trị sản xuất gần 1.504 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63,8% giá trị sản xuất toàn ngành và tăng 12,5%; ngành dệt may đạt 438,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,6% và tăng 12,3%; ngành sản xuất VLXD đạt 232,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí, nhiều doanh nghiệp trong CCN Đồng Côi đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, xây dựng hệ thống nhà xưởng đồng bộ để phát triển sản xuất, kinh doanh; doanh thu hằng năm đạt trên 100 tỷ đồng. Với hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2008, Cty CP Cơ khí và Xây lắp Tiến Đạt đã phát huy hiệu quả dự án đầu tư gần 10 tỷ đồng trang bị hệ thống máy móc đồng bộ, trong đó có 2 hệ thống hàn rô bốt công nghiệp nhập từ Nhật Bản chuyên sản xuất các loại bu-lông chính xác, lan can cầu đường bộ. Hiện nay, Cty đủ năng lực sản xuất mỗi năm trên 1.000 tấn lan can cầu và 1.000 tấn phụ kiện, tạo việc làm cho trên 50 lao động; tổng doanh thu đạt gần 38 tỷ đồng/năm. Để bảo đảm vị thế đối tác với các đơn vị thành viên của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Cty TNHH Bình Dương đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 2 lò nung phôi thép liên hoàn công suất 12 tấn/ca và hệ thống máy móc đồng bộ. Nhờ đó, Cty đã nhận và hoàn thành nhiều hợp đồng sản xuất các sản phẩm: gông hầm, thanh giằng, đường sắt hầm mỏ… đảm bảo chất lượng được khách hàng tín nhiệm. Cty hiện tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Với việc tích cực đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp ngành cơ khí của huyện đã phát huy được thế mạnh nguồn lao động lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm trong các làng nghề truyền thống để nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại sản phẩm mới, chất lượng cao như: sản phẩm thép nguyên liệu của Cty TNHH Kim khí Anh Tú; ăng-ten Parabol của Cty TNHH Linh Đông; trục định vị xe máy của Cty TNHH Việt Phương, bao bì dược phẩm cấp I của Cty TNHH Hoàng Phát… Không chỉ phát triển mạnh tại CCN Đồng Côi, ngành công nghiệp cơ khí của huyện còn phát triển mạnh tại CCN Vân Chàng và các làng nghề như: đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến); đúc nhôm Bình Yên. Bên cạnh ngành công nghiệp cơ khí, ngành dệt may của huyện Nam Trực cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Ngoài việc duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề dệt truyền thống như: Liên Tỉnh (Nam Hồng); Trung Thắng (Nam Thanh); huyện Nam Trực đã chủ động quy hoạch mặt bằng tại các xã có vị trí địa lý thuận lợi như: Tân Thịnh, Đồng Sơn, Nam Tiến, Nam Hồng, Bình Minh... để tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngành công nghiệp dệt may như: Cty TNHH LongYu Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu tại xã Tân Thịnh với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng; Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng nhà máy may tại xã Bình Minh; Cty CP May Nam Định khởi công xây dựng nhà máy may tại xã Nam Tiến, diện tích 16 nghìn m2, tạo việc làm cho 300 lao động; Cty TNHH Việt Pan Pacific (Hàn Quốc) đầu tư 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp diện tích 50 nghìn m2 tại xã Đồng Sơn, thu hút khoảng 2.000 lao động... Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn được duy trì và phát triển tại các xã ven đê Hồng Quang, Nghĩa An, Nam Thắng...
Để tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, tạo động lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong năm 2017 và các năm tiếp theo, huyện Nam Trực chủ trương phát huy hiệu quả của các cụm, điểm công nghiệp hiện có. Hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống; kết hợp giữa phát triển công nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại. Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của huyện. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng ngành sản xuất CN-TTCN, xây dựng chiếm 46% trong cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20 nghìn lao động mới./.
Bài và ảnh: Thành Trung