Đã sang tháng 9, những gốc hòe ở xóm 6 Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) nở đầy những nụ vàng ngà rồi bung hoa thành sắc trắng. Trong xóm, hầu như vườn nhà nào cũng trồng ít nhất dăm ba gốc hòe, nhiều thì vài chục đến hàng trăm gốc. Là một trong những người đầu tiên của xóm 6 trồng hòe, bà Lê Thị Là nói: “Cây hòe từ vài năm nay đã trở thành cây trồng quen thuộc của người dân xã tôi. Mùa hoa hòe nở, đi giữa đường làng, hít hà trong gió có thể cảm nhận được một mùi hương rất thanh tao, nhẹ nhàng đang dìu dịu bay bay”. Và, trên những con đường làng phẳng phiu rộng rãi, chen giữa tiếng xe đạp lọc cọc, tiếng xe máy chạy chầm chậm, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng người rao với “ai bán hòe đi”…
Bà Lê Thị Là, xóm 6 Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) chăm sóc cho vườn hòe của gia đình. |
Chúng tôi đến vườn nhà bà Là khi bà đang lúi húi nhổ cỏ cho mấy khóm gừng xanh mướt được trồng kín dưới chân những gốc hòe. Vừa làm bà Là vừa kể: “Nhà tôi trồng hòe đến nay tính ra cũng đã được trên 10 năm. Những gốc hòe to như bắp chân người lớn kia thì lâu hơn, có dễ đến 12, 13 năm”. Tháng 12 đến tháng 2 âm lịch hằng năm là thời điểm tốt nhất để trồng những gốc hòe mới. “Mùa xuân luôn là mùa thích hợp để trồng cấy”, bà Là cười nói. Chọn những quả hòe chín cây, bà Là ngắt về tách hạt để có thể ươm trồng ngay trên đất vườn. Để ươm cây, khâu đầu tiên là phải làm đất. Rải một lớp cát nhỏ hoặc đất mịn dày độ 7-10cm, bà Là rải đều hạt hòe lên trên. Cuối cùng, bà phủ tiếp một lớp đất dày từ 4-5cm lên trên hạt giống. Sau khoảng 20-30 ngày được tưới nước liên tục, những hạt mầm nhanh chóng nảy thành cây mầm. Khi cây cao khoảng 5-7cm và được 2-3 cặp lá nhỏ, bà Là cho vào bầu nilon đã đóng đầy đất màu, xếp bầu theo hàng và thường xuyên tưới nước cho cây. Lúc cây hòe cao 40-60cm, bà mang ra vườn trồng. Trong xóm của bà Là hiện nay có nhiều hộ gia đình không chọn cách trồng hòe theo phương pháp truyền thống gieo hạt như bà Là. Một số hộ trồng hòe theo phương pháp ghép cây (lấy những mắt ghép từ cây có hoa to, ghép sang cây con trồng từ hạt). Có 2 thời điểm để ghép hòe hợp lý là vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4 và mùa thu từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hoặc họ có thể mua cây giống trực tiếp từ trại giống Hồng Thuận với mức giá 10 nghìn đồng/cây trung bình và 30 nghìn đồng/cây “đẹp”. Tuy nhiên bà Là vẫn thích trồng hòe theo kiểu truyền thống, ươm cây từ hạt. “Bởi như vậy cây có tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu hơn. Với các cây hòe trồng bằng hạt, cây có thể sống được đến 40 năm”, bà nói. Và mặc dù, thời gian cho thu hoạch lâu hơn cây hòe ghép, phải mất 2 đến 3 năm nhưng phương pháp trồng cây từ hạt của bà Là mang lại chất lượng hạt tốt hơn. Theo đó, so với ưu điểm của cây hòe ghép là cho bông to thì hạt lại không chắc như khi cây được trồng từ hạt. Ngoài các phương pháp trên, người ta cũng có thể trồng hòe bằng cách chiết cành. Ưu điểm của phương pháp này là cây cho ra hoa nhanh hơn, sau khi trồng 1 năm là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, nhược điểm là tuổi thọ của cây thấp, chỉ cho thu hoạch từ 4-6 năm là cây cỗi.
Để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển tốt nhất của cây hòe, trên diện tích 1 sào vườn, bà Là chỉ trồng từ 22-30 cây. Để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất, bà Là cũng tính toán quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho hòe một cách hợp lý, căn cứ trên từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Theo đó, đối với thời kỳ cây con (4 năm sau khi trồng), 1 năm bà Là sẽ bón phân cho cây từ 3-4 lần. Các loại phân mà bà bón là đạm, lân, kali. Nguyên tắc khi bón phân là cây còn nhỏ bón ít, khi lớn bón nhiều, chỉ bón phân khi đất đủ ẩm. Khi cây ở vào thời kỳ thu hoạch, bà tăng cường bón thêm phân. Trong năm, tháng 2, tháng 4 và tháng 5 hằng năm sẽ là thời điểm bón phân cho cây hòe hợp lý nhất. Bà Là chia lượng phân bón cho cây theo tỷ lệ, 30-40% lượng phân bón vào vụ xuân, vụ thu từ tháng 10 trở đi, bà bón hết số phân còn lại để cây có đủ chất dinh dưỡng cho vụ đông. Vì hòe là loại cây dễ sống, thích nghi với nhiều loại đất, dạng thời tiết khác nhau nên cây hầu như ít sâu bệnh. Do đó, bà Là cũng ít phải phun thuốc trừ sâu cho cây. “Ngoài sâu đục thân, cây hòe hầu như “kháng” với tất cả các loại sâu bệnh. Đối với sâu đục thân, chúng tôi phòng trừ bằng cách cạo vỏ thân cây chỗ phát hiện có sâu và phun thuốc trực tiếp để diệt”. Nhờ chăm sóc khoa học, đúng quy trình, 2 sào hòe của gia đình bà Là cho năng suất khá cao. Bình quân mỗi cây hòe hằng năm cho thu hoạch khoảng 5-6kg nụ khô/năm. Thậm chí, có những gốc hòe đạt tới 10kg nụ khô/năm. Với giá thành hiện tại 50 nghìn đồng/kg nụ khô, bà Là ước tính 2 sào hòe của gia đình sẽ thu về gần 15 triệu đồng. “Năm nay, giá hòe xuống thấp đến mức kỷ lục kéo theo thu nhập từ hòe của các hộ gia đình giảm xuống. Cũng thời điểm này năm ngoái, 1kg nụ hòe khô được chúng tôi bán với giá 100 nghìn đồng thì không hiểu sao năm nay giá nụ chỉ còn bằng một nửa. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, giá hòe sẽ tăng lên để người nông dân yên tâm trồng cấy”, bà Là chia sẻ. Cũng như nhiều người dân trồng hòe khác, bà Là mong muốn Nhà nước có các chính sách trợ giá cho nông dân, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, rớt giá. Xóm 6, xã Giao Tiến hiện gia đình nào cũng trồng hòe. Một số hộ gia đình trồng nhiều có thể kể đến như gia đình anh Trung trồng 4 sào, gia đình anh chị Hường Trương trồng 4 sào. Các gia đình anh chị Na Luyến, ông bà Đạt Là trồng từ 2-3 sào. Cây hòe được họ trồng ở mọi nơi từ sân, ngõ, ven đường, nơi công sở và có thể thâm canh trên diện tích tập trung. Dưới mỗi gốc cây hòe rậm rạp tỏa bóng xanh mát quanh năm, bà con nông dân còn tận dụng trồng xen các loại cây khác như gừng, nghệ, sả, đinh lăng… cho thêm thu nhập không hề nhỏ. Với hiệu quả kinh tế trên, hiện nay ngày càng nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đang dần mở rộng diện tích trồng hòe. Tuy nhiên, ở tỉnh ta trồng hòe vẫn là phong trào tự phát trong dân, chưa được đầu tư quy hoạch với các biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh để cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là mùa hoa hòe kết thúc. Dưới ánh nắng mùa thu, những gốc hòe xanh mát vươn cao hút mắt người nhìn. Đang ở vào đợt thu hoạch nên hầu hết sân nhà ai ở xóm 6 cũng trải đầy nụ hòe phơi đón nắng. Những thời điểm hòe được giá, người dân ở đây cho biết, họ còn không phải thu hoạch. Thương lái đến vườn, ngã giá và tự thu hoạch. Người dân trồng hòe ở xóm 6 cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh luôn hy vọng cây hòe nhanh chóng về lại thời kỳ “hoàng kim” như những năm trước. Rời xóm 6 khi chiều muộn, chúng tôi vẫn còn như bị hương hoa hòe vương vấn, quất quýt không thôi./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân