Hội Cựu TNXP huyện Hải Hậu hiện có 1.160 hội viên sinh hoạt tại 34 chi hội cơ sở. Những năm qua, Hội Cựu TNXP huyện đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các cấp Hội Cựu TNXP huyện đã thường xuyên quan tâm đến đời sống của hội viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn của các cựu TNXP; đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Hằng năm, các cấp hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hội Cựu TNXP huyện còn tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để các hội viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng vào điều kiện thực tế của từng gia đình. Bên cạnh đó, Hội đã tiến hành khảo sát đời sống của các hội viên, xác định những trường hợp khó khăn để kịp thời giúp đỡ thông qua việc gây quỹ tại chỗ, đứng ra tín chấp từ các tổ chức tín dụng cho hội viên vay để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh... Đến nay, quỹ hội do hội viên đóng góp được trên 200 triệu đồng sử dụng để duy trì hoạt động tình nghĩa, đồng thời cho các hội viên vay phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, các cơ sở hội đã tích cực khai thác nguồn lực ở địa phương, đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế như ở các chi hội ven biển động viên hội viên cải tạo đầm nuôi thủy, hải sản; ở các chi hội trong nội địa phát động hội viên kết hợp trồng rau màu, nuôi lợn, gà, nhím, ba ba,... Để động viên, khích lệ hội viên nỗ lực vươn lên, Hội Cựu TNXP huyện đã đẩy mạnh phong trào thi đua giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo ra nhiều phong trào thi đua sôi nổi, qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi các cấp. Đến nay, số cựu TNXP sản xuất, kinh doanh giỏi chiếm khoảng 45% tổng số hội viên trong toàn huyện. Nhiều hội viên từ chỗ cuộc sống còn rất nhiều khó khăn đã vươn lên làm giàu bằng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng. Các hộ sản xuất giỏi đã tích cực mở rộng sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên, con em cựu TNXP với thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi như các cựu TNXP: Vũ Thanh An, xã Hải Xuân; Phạm Văn Quản, xã Hải Phú; Lương Thị Tâm, xã Hải Vân. Đặc biệt, mô hình phát triển kinh tế của hội viên Nguyễn Hữu Ổn, xã Hải Hòa đang được các hội viên đánh giá cao. Năm 1973, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Nguyễn Hữu Ổn bắt đầu tham gia các hoạt động ở địa phương và phát triển kinh tế gia đình. Năm 2010, hưởng ứng phong trào cựu TNXP làm kinh tế giỏi, ông mạnh dạn đấu thầu 6ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi tôm. Những ngày mới bắt tay vào sản xuất, do chưa có kinh nghiệm nên tôm bị bệnh chết nhiều, không những không có lãi mà còn bị thất thoát vào vốn. Với nghị lực của người lính, ông đã không nản chí tiếp tục vay vốn đầu tư cho vụ tôm sau, đầu tư thêm máy móc và chịu khó học hỏi kinh nghiệm để nắm được kỹ thuật nuôi tôm theo phương pháp mới. Từ 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu, ông đấu thầu đào thêm 1 ao nuôi tôm sú. Một năm nuôi 2 vụ tôm, mỗi vụ ông thu về trên 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, sau khi nắm được kỹ thuật, ông Ổn đã chia sẻ với các hội viên khác về nguồn giống và kinh nghiệm nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với phát triển kinh tế, ông Ổn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hưởng ứng các phong trào gây quỹ, giúp đỡ hội viên TNXP còn khó khăn. Cựu TNXP Hoàng Văn Huyễn, xã Hải Sơn cũng là một điển hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi. Sau khi xuất ngũ, trở về địa phương, ông tích cực tham gia công tác hội và phát triển kinh tế gia đình. Vốn đam mê chơi cây cảnh, ông đã đầu tư cải tạo 7ha vườn, ươm và tạo dáng các cây cảnh theo các thế khác nhau. Thời kỳ cây cảnh đang “lên ngôi”, có những cây ông bán được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Ngoài chăm sóc cây cảnh tại vườn, ông còn nhận sửa và uốn thế cây thuê cho các chủ vườn trong vùng. Ông vận động các hội viên cựu TNXP trong xã thành lập CLB cây cảnh để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong cách tạo thế, chăm sóc cây. Không chỉ trồng cây cảnh, năm 2010, ông Huyễn còn cải tạo ao trước nhà nuôi ba ba. Năm đầu, do kỹ thuật còn hạn chế nên ba ba bị bệnh, gia đình ông bị lỗ. Năm sau, được sự hỗ trợ của các kỹ sư nông nghiệp, ông học được kỹ thuật chăm thả ba ba và mở rộng diện tích ao nuôi, đến nay trung bình 1 năm ông thu về 200-300 triệu đồng từ nuôi ba ba. Ngoài nuôi ba ba bán thịt, ông còn nghiên cứu sản xuất được ba ba giống ngay tại nhà nên không cần nhập giống từ bên ngoài. Kinh tế ổn định, ông tích cực tham gia các hoạt động hội, là hội viên gương mẫu trong thực hiện các phong trào, đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Với nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, đến nay, nhiều cựu TNXP trong huyện đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bùi Huế