Nghề dệt chiếu cói truyền thống của các thôn Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn và Liêu Hải, xã Nghĩa Trung của huyện Nghĩa Hưng từ xưa đã nức tiếng với những chiếc chiếu dày, bền, đẹp. Nhưng nghề này đang đứng trước cuộc cạnh tranh chật vật với những sản phẩm công nghiệp và nhiều khó khăn từ thị trường.
Nghề xưa vang bóng
Theo các cụ cao niên, nghề dệt chiếu của huyện Nghĩa Hưng khởi nguồn từ các thôn Tân Liêu, Liêu Hải của xã Nghĩa Trung. Từ năm 1976, thôn Tân Liêu được sáp nhập về địa giới hành chính của xã Nghĩa Sơn. Qua hơn 40 năm phát triển, huyện Nghĩa Hưng đã hình thành hai làng nghề dệt chiếu khá quy mô. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường mở ra cơ hội bứt phá cho nghề dệt chiếu của các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn hưng thịnh. Ở các làng nghề truyền thống như Tân Liêu, Liêu Hải có thời điểm tới 65-70% số hộ trong làng làm nghề dệt chiếu. Không chỉ vậy, nghề dệt chiếu cói truyền thống còn lan ra khắp các thôn trong xã và nhiều xã khác trong huyện. Lao động làm chiếu đông, nhiều công đoạn phù hợp với các lứa tuổi. Người già, em nhỏ thì chọn, phân loại cói, vê đay, phơi chiếu; lao động khoẻ thì đi mua cói về dệt hoặc tiêu thụ sản phẩm. Làng nghề dệt chiếu cói sôi động suốt ngày đêm, ngày thì dệt chiếu, dãi chiếu, hấp nhuộm, trang trí..., đêm thì đóng gói để 4, 5 giờ sáng hàng loạt thanh niên đã lên đường bằng đủ mọi phương tiện, đưa sản phẩm đi khắp nơi trong cả nước tiêu thụ. Phần còn lại theo chân các bà, các chị ra chợ chiếu Liêu Hải hoặc chợ Quần Liêu để các thương lái về tận nơi nhập mang đi các huyện và Thành phố Nam Định tiêu thụ. Chiếu cói Nghĩa Hưng có đa dạng chủng loại, kích thước, nào là chiếu đậu, chiếu hoa, chiếu suốt, chiếu “giao đu”... với khổ rộng từ 80 phân đến 1,6 mét. Những sợi cói trắng và dài nhất được lựa để dệt chiếu đậu, là loại hàng kỹ, dày hơn với 2 lớp cói, nếu đổ bát nước trên chiếu cũng không ngấm được xuống dưới do lúc dệt người dồn cói thật chặt sít nhau. Loại chiếu đậu thường để mộc với màu trắng ngà chứ không in hoa như các loại chiếu khác vì cói đã được chọn những sợi trắng và đều tăm tắp. Một loại chiếu kỹ khác là chiếu “ca-rô”, sợi cói được nhuộm theo đủ các màu xanh, đỏ, vàng từng đoạn để khi dệt tạo hoa văn là các ô vuông màu được cài xen kẽ với nhau trông rất đẹp, loại chiếu này cũng đắt ngang với chiếu đậu. Chiếu “giao đu” là loại chiếu ngoại cỡ (khổ rộng từ 1,6 mét trở lên), là sản phẩm đặc trưng thể hiện tài hoa sáng tạo của người thợ dệt chiếu Nghĩa Hưng. Để dệt được loại chiếu này, người thợ dệt phải mất hai lần suôn cói (vì sợi cói chỉ dài đủ khổ 1,6 mét), chắp nối hai sợi với nhau mới đủ độ dài. Thợ dệt phải có kỹ thuật tốt để khi nối sợi giấu không lộ mối và không để tuột mối ảnh hưởng đến thời gian sử dụng, độ bền của chiếu. Vì thế, ngoài những loại chiếu thông thường, chợ chiếu Liêu Hải, Quần Liêu còn đắt khách bởi các loại chiếu ngoại cỡ có khổ rộng tới 2 mét. Theo thống kê của UBND các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung, thời điểm cực thịnh, mỗi xã có từ 300-500 giàn dệt chiếu, cứ 2 lao động/giàn. Bình quân một ngày mỗi dàn dệt được từ 5-6 lá chiếu. Tuy thu nhập của nghề dệt chiếu không cao bằng một số nghề khác nhưng với ưu thế về thời gian làm nghề, làm việc trong nhà, tận dụng tối đa sức lao động của nhiều lứa tuổi nên trong một thời gian dài, nghề dệt chiếu truyền thống đã trở thành nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân.
Dệt chiếu bằng máy tại cơ sở của anh Đỗ Văn Nam, xóm 9, thôn Liêu Hải, xã Nghĩa Trung. |
Gian nan giữ nghề
Từ năm 2010 trở lại đây, nghề dệt chiếu truyền thống của huyện Nghĩa Hưng từng bước trầm lắng, mai một dần. Hiện nay, ngoài những giàn chiếu dệt thủ công, mỗi làng có 3-5 hộ đã đầu tư vốn mua máy dệt chiếu. So với dệt bằng tay, năng suất dệt máy cao gấp nhiều lần, đạt khoảng 40 lá chiếu/ngày/máy, với ưu điểm có thể điều chỉnh độ dày mỏng theo nhu cầu, độ đồng đều cao và có thể dệt nhiều loại chiếu với kích cỡ khác nhau, giá thành thấp hơn. Đồng chí Phạm Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho biết: Đến nay, toàn xã Nghĩa Trung chỉ còn 2 hộ làm nghề dệt chiếu bằng máy, cả xã không còn hộ nào dệt chiếu thủ công như trước nữa. Mỗi giàn dệt chiếu thủ công cần ít nhất 2 lao động, mỗi ngày miệt mài từ sáng đến đêm cũng chỉ dệt được từ 5-6 lá chiếu, thu nhập mỗi ngày chỉ đạt từ 40-50 nghìn đồng/người. Vì những nguyên nhân đó, một số hộ trong xã như hộ các anh: Đinh Văn Hiền, Đỗ Văn Nam, xóm 9, thôn Liêu Hải đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất từ dệt thủ công sang dệt chiếu bằng giàn máy sử dụng điện. Anh Hiền là hộ đầu tiên ở thôn Liêu Hải đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 2 máy dệt chiếu. Mỗi ngày, cơ sở của anh Hiền sản xuất được 35-40 lá chiếu các loại. Cũng tương tự như xã Nghĩa Trung, cả xã Nghĩa Sơn cũng chỉ còn 5 hộ dệt chiếu với tổng cộng 7 giàn dệt chiếu của các ông: Tương, Trí, Phong, Trường, Mạnh đều ở thôn Tân Liêu. Ông Nguyễn Văn Tương, xóm 9, thôn Tân Liêu có 2 giàn máy dệt chiếu cho biết: Với tổng công suất mỗi ngày 70-80 lá chiếu, cơ sở của ông có 4-5 lao động chính với mức thu nhập bình quân 100 nghìn đồng/người. Với giá bán từ 90-150 nghìn đồng/đôi (tùy theo yêu cầu của khách hàng), sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi lá chiếu sản xuất chỉ cho lợi nhuận từ 8-10 nghìn đồng/người. Ngoài 3 lao động chính, cơ sở của anh còn tạo việc làm phụ (ghim đầu, xén, nhặt mối) cho 2 hộ (mỗi hộ từ 1-2 người) nhận gia công các công đoạn tại nhà với thu nhập bình quân từ 60-80 nghìn đồng/người/ngày. Nguyên nhân thì có nhiều: do sự cạnh tranh gay gắt của các loại chiếu nhựa, chiếu trúc, chiếu cọ; nguồn nguyên liệu cói tại chỗ ngày càng ít do diện tích trồng bị thu hẹp, muốn mua cói phải đi xa nên chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán không tăng nên giá trị ngày công lao động giảm (cói nguyên liệu phải nhập từ các địa phương như: Kim Sơn (Ninh Bình); Nga Sơn (Thanh Hóa) thậm chí có đợt phải nhập từ các tỉnh phía Nam như: Vĩnh Long, Trà Vinh). Mặt khác, với công nghệ xử lý cói hiện nay, chiếu cói có nhược điểm dễ mốc vào mùa nồm do đặc thù khí hậu nhiệt đới nên không hấp dẫn. Thêm nữa, khi các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn huyện, nguồn lao động chính làm nghề ở các địa phương dịch chuyển sang làm ở các doanh nghiệp, thu nhập ổn định hơn...
Mặc dù đã có sự thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại hơn nhưng nghề dệt chiếu của huyện Nghĩa Hưng đang phải đối mặt với nguy cơ sống còn. Từ chỗ cả huyện có gần nghìn giàn dệt chiếu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động chính và hàng trăm lao động thời vụ đến nay chỉ còn vài chục lao động. Rời các làng nghề dệt chiếu, trên đường về trong tôi vẫn băn khoăn với lời chia sẻ của đồng chí Đỗ Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn: “Thật là tiếc cho một nghề truyền thống đã gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây! Nếu cứ tình trạng này, chỉ một thời gian nữa, nghề dệt chiếu truyền thống sẽ dần mai một rồi mất hẳn”./.
Bài và ảnh: Thành Trung