Giao Thịnh khai thác tiềm năng nuôi thủy sản nước lợ

08:09, 11/09/2017

Nhiều năm qua, nhờ thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng ủy, UBND xã Giao Thịnh đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa, rau màu năng suất thấp khu vực ven sông Sò sang nuôi thủy sản với các đối tượng nuôi chủ lực là tôm, các loại cá truyền thống.

Nông dân xã Giao Thịnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước lợ.
Nông dân xã Giao Thịnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước lợ.

Trước kia, người dân xã Giao Thịnh sống chủ yếu từ trồng lúa, rau màu… thu nhập không cao nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2005, khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thuê đất ở vùng chuyển đổi để phát triển kinh tế. Đảng ủy, chính quyền địa phương xã Giao Thịnh luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người dân vay vốn Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, tạo mặt bằng cho các hộ có khả năng, nguyện vọng thuê, mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, xã còn thường xuyên phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức các buổi thảo luận tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản nước lợ, để các hộ nuôi có thể cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, hiện nay, vùng chuyển đổi khu vực Tùng có gần 20 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 95 mẫu. Qua hơn 10 năm chuyển đổi, dù bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng các hộ nuôi thủy sản đã không ngừng nỗ lực tìm hiểu thông tin và tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện tổ chức để nâng cao kiến thức kinh nghiệm sản xuất. Nhờ vậy đã thành công, thu nhập từ nuôi thủy sản cao hơn trồng cấy, 4-5 lần. Nhiều hộ sản xuất giỏi, điển hình như hộ các ông: Đỗ Văn Khương, xóm 3, Đinh Văn Hòa, Đinh Văn Thống, xóm 8, Nguyễn Thị Vui, xóm 9… Ông Đỗ Văn Khương là một trong những người đầu tiên tham gia đầu tư tại vùng chuyển đổi sản xuất. Ông cho biết: “Những ngày đầu chuyển ra khu vực chuyển đổi tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đây là vùng trồng lúa nhưng có nhiều hố sâu khiến cho việc cải tạo hết sức phức tạp. Tôi đã đầu tư cải tạo hút bùn đáy, xây dựng bờ ao, tu sửa cống cấp thoát nước, phủ bạt quanh sườn ao để ngăn cá rúc làm sạt lở bờ, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước”… Thời gian đầu ông chỉ nuôi các loại cá truyền thống. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của một số địa phương khác, nhận thấy nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước lợ cho hiệu quả kinh tế cao nên ông lại một lần nữa mạnh dạn chuyển đổi đối tượng con nuôi mới. So với tôm nuôi ở vùng nước mặn thì nuôi tôm ở môi trường lợ có những ưu điểm như khi mưa nhiều, môi trường nước ít bị thay đổi độ mặn đột ngột, sẽ giảm được hiện tượng bị tôm sốc, tôm cũng ít bị các dịch bệnh liên quan đến môi trường cũng như một số bệnh do vi khuẩn gây ra. Không những thế, trong môi trường nước lợ, người nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng hệ số thức ăn thấp, lượng chất thải ít nên hạn chế được ô nhiễm môi trường trong ao tiết kiệm được thời gian, chi phí cho chạy quạt máy. Tôm nuôi nước lợ khi thả đã được thuần hóa ở độ mặn thấp 3-5%o và có kích thước 3-4cm, nên thời gian tôm sinh trưởng cũng ngắn, chỉ từ 45-60 ngày là có thể thu tỉa thả bù, giúp người nuôi giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Khương cho biết thêm, trong quá trình nuôi tôm cần đảm bảo nhu cầu ô-xy cho tôm và đặc biệt, hệ thống tiêu thoát nước đúng quy trình, môi trường ao nuôi luôn sạch sẽ. Ngoài nuôi tôm và cá thương phẩm, gia đình ông Khương còn sản xuất giống tại chỗ các đối tượng cá truyền thống, phục vụ cho nhu cầu của người nuôi trong vùng. Với sự kiên trì và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, mỗi năm gia đình ông thu được trên 10 tấn tôm và cá thương phẩm, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ông Đinh Văn Hòa, xóm 8 cũng là một trong những hộ sản xuất giỏi điển hình của xã. Ông Hòa nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh với cá truyền thống, theo ông để cả 2 đối tượng này sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nếu tôm bị bệnh yếu đi thì cá sẽ ăn con tôm bệnh giúp hạn chế dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, thức ăn và phân tôm cũng sẽ được cá dọn sạch làm cho môi trường nước luôn đảm bảo. Ông Hòa chia sẻ: “Được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên người dân chúng tôi đã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng và các đoàn thể để có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Để có thêm động lực giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, thời gian tới, xã Giao Thịnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, tập trung phát triển nuôi thủy sản nước lợ. Xã luôn xác định khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi thủy sản, đa dạng các đối tượng nuôi là một trong những hướng đi phát triển kinh tế. Từ đó, xã còn quan tâm quản lý vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân tự ý chuyển đổi nuôi thủy sản, phá vỡ quy hoạch./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com