Tình hình kinh tế đất nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đang có nhiều khởi sắc là điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiếp tục thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các giao dịch tiền tệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đây chính là cơ sở để ngành Ngân hàng thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 18% trong năm nay.
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Ngân hàng LienVietPostBank Ý Yên. |
Những tháng đầu năm 2017, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đáp ứng đầy đủ vốn và đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ và hoạt động của các máy ATM; thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm thẻ. Các ngân hàng thương mại đã quyết liệt thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 đã được Hội sở chính các TCTD giao; tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; chấn chỉnh công tác kho quỹ về kiểm đếm, đóng bó, giao nhận tiền đảm bảo an toàn tài sản nơi giao dịch; tích cực triển khai cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2017; báo cáo tình hình cho vay và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam; triển khai thực hiện chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng ban hành văn bản chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; báo cáo thực hiện cơ chế bảo đảm tiền vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo quy định tại Nghị định 67; báo cáo tổng số tàu cho vay; điều chỉnh thời hạn cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ… Nhờ đó tính đến hết tháng 8-2017, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã đạt 43.693 tỷ đồng, tăng 4.152 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 8.130 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm đạt kết quả khá. Đến nay trong tổng số 58 tàu (trong đó có 4 tàu dịch vụ hậu cần) có 34 tàu đóng mới và 24 tàu đóng mới thay thế được UBND tỉnh phê duyệt. Các ngân hàng đã nhận 41 hồ sơ, ký hợp đồng cho vay 35 tàu, tổng giá trị cam kết cho vay là 562 tỷ đồng, đã giải ngân theo khối lượng thực tế là 517 tỷ 294 triệu đồng. Số tiền còn dư nợ 486 tỷ 672 triệu đồng. 23 tàu còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng, gồm: 2 tàu đang duyệt hồ sơ, 2 tàu đang hoàn thiện hồ sơ, 17 tàu chưa gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng và 2 tàu ngân hàng đã có văn bản thông báo tới khách hàng từ chối cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.541 tỷ đồng, tăng 127 tỷ đồng (bằng 5,3%) so với đầu năm. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, lũy kế đến nay đã có 273 hợp đồng tín dụng, tổng giá trị cam kết cho vay 5.952 tỷ đồng, trong đó cho vay mới 217 hợp đồng, số tiền cam kết là 5.483 tỷ đồng; giảm lãi suất 56 hợp đồng, số tiền 469 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được vay vốn theo chương trình này đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh… Cơ cấu dư nợ cho vay tiếp tục thể hiện sự chuyển dịch theo hướng phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cụ thể cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 44,3% tổng dư nợ cho vay; Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 57,9%; trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 42,1%. Dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 23%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 41%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 36%. Dư nợ cho vay phân theo đối tượng khách hàng vay, gồm: 1.650 doanh nghiệp có dư nợ 16.865 tỷ đồng, chiếm 38,6%; 258.500 hộ gia đình, cá nhân có dư nợ 26.720 tỷ đồng, chiếm 61,2%. Nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,47% tổng dư nợ cho vay.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, từ nay đến cuối năm, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, đồng thời theo dõi sát tình hình hoạt động của các TCTD, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; giải quyết theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng, tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo khả năng thanh khoản và có đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các TCTD trong việc chấp hành các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất, áp dụng các mức lãi suất huy động vốn theo quy định của NHNN; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo an toàn tài chính và chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tại Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35-2016/NQ-CP của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Nam Định. Chỉ đạo và giám sát các TCTD trong việc tập trung vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh; phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chấp hành nghiêm túc các quy định về cấp tín dụng, về tỷ lệ đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN. Tiếp tục tổ chức thanh tra theo Kế hoạch năm 2017, trong đó tập trung thanh tra đối với lĩnh vực hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro và vi phạm pháp luật; giám sát chặt chẽ các TCTD trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD, về mức trần lãi suất huy động vốn, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại