Theo tài liệu của UBND xã Xuân Phương (Xuân Trường), chỉ thiếu 1 năm nữa là nghề thêu thủ công truyền thống của xã tròn 100 tuổi. Người có công mang nghề về địa phương là cụ Đinh Văn Oanh (thường gọi là cụ Thủ Oanh), nguyên là thủ quỹ của giáo xứ Phú Nhai. Cụ Thủ Oanh hiện đã đi xa nhưng nghề thêu thủ công truyền thống vẫn được các thế hệ con, cháu, chắt họ Đinh tiếp nối...
Làng nghề trăm tuổi
Vào khoảng năm 1918, để phục vụ sinh hoạt tôn giáo định kỳ, cụ Oanh được giáo xứ giao nhiệm vụ lên Thủ đô Hà Nội thuê thợ thêu về thôn Phú Nhai để thêu 15 lá cờ ảnh và một số trang phục khác. Đội thợ thêu hằng ngày sinh hoạt và sản xuất ngay tại nhà cụ Oanh. Sau khi kết thúc hợp đồng thì cụ Oanh cũng học được nghề thêu thủ công và sau đó tự sản xuất được các loại sản phẩm tương tự phục vụ nhu cầu tại chỗ. Với sự chăm chỉ và bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ tinh tế, các sản phẩm thêu của cụ Oanh đã nhanh chóng nức tiếng khắp vùng, đi vào câu vè dân gian “làm tượng là ông phó Gia (xã Xuân Bắc); làm bạc là ông phó Giá (xã Xuân Tiến); làm thêu là ông phó Oanh”. Cụ Oanh có 4 người con (3 nam, 1 nữ) thì có 2 người là các cụ Đinh Văn Thái, Đinh Văn Chuân theo nghề. Với phương thức “cha truyền con nối”, nghề thêu từ khởi thủy là cụ Oanh đã được các con, cháu, chắt... trong họ Đinh và người dân các thôn trong xã kế thừa và phát triển cho đến hiện tại. Trải qua trăm năm tồn tại ở thôn Phú Nhai có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề thêu tới 4-5 đời như gia đình các ông: Đinh Văn Nam, Đinh Văn Chính, Đinh Công Khải... Ông Khải là chắt nội của cụ Thủ Oanh, chủ cơ sở thêu Công Khải với gần 40 năm tuổi nghề ở xóm Bắc cho biết: sở dĩ những sản phẩm thêu của thôn Phú Nhai như: đồ thờ cúng, hoành phi, liễn, phướn... đã nổi tiếng khắp vùng và cả nước với đường chỉ sắc sảo; hoa văn độc đáo, tinh xảo; màu sắc bền, đẹp nên có thời gian sử dụng dài hơn. Để có các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu của thị trường, người làm nghề ở Phú Nhai khắt khe, kỹ lưỡng ngay từ các khâu lựa nguyên liệu (vải, chỉ, mẫu). Vải thì được nhập từ Thành phố Nam Định và thường dùng vải lụa dệt từ tơ tằm. Chỉ thêu cũng là tơ tằm được nhập từ làng ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh). Tơ làm chỉ thêu sau khi nhập về phải được “chuội” (luộc, ngâm ủ) bằng nước tro rơm nếp để chỉ óng, suôn. Sau đó lại được nhuộm màu với 7 sắc cơ bản (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) rồi đem phơi được nắng mới đem thêu để màu bền. Ngoài 7 màu cơ bản, người thợ làng Phú Nhai còn tự nghiên cứu để nhuộm được các màu khó như: hồng (tươi, đậm, nhạt); xanh... để khi khắc họa các loại hoa văn, chi tiết rực rỡ, đa sắc màu trên vải. Một khâu cũng không kém phần quan trọng quyết định chất lượng của sản phẩm là khâu vẽ mẫu trên vải. Công đoạn này thường do thợ chính, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, có óc thẩm mĩ và tài hoa phác thảo bằng mực đậm trên giấy, sau đó áp sát mẫu vào phía dưới tấm vải để vẽ lại. Nét vẽ càng trau chuốt, tỉ mỉ, tinh xảo thì qua tay kim khéo léo của các bà, các chị càng dễ dàng toát lên thần thái của mẫu vẽ.
Thêu các mặt hàng phục vụ sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thêu truyền thống Công Khải, xã Xuân Phương. |
Sống mãi với nghề xưa
Nhờ kỹ càng, tỉ mỉ, chặt chẽ trong tất cả các khâu cộng với kinh nghiệm, tài hoa và bí quyết gia truyền được đúc kết qua nhiều thế hệ nên các sản phẩm của làng nghề thêu thủ công truyền thống Phú Nhai đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh và còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Trung Quốc... Ngày nay, các loại nguyên liệu sản xuất như vải, chỉ thêu công nghiệp đa dạng mẫu mã, chủng loại được cung ứng đầy đủ trên thị trường nên người làm nghề thêu của thôn Phú Nhai cũng bớt được công đoạn nhuộm tơ. Trên thị trường đã có thêm nhiều loại chỉ màu nhân tạo đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, đa dạng và tinh tế. Người thợ làm nghề thêu ở Phú Nhai ngày nay không chỉ dựa vào vốn nghề truyền thống mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, biết sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm truyền thống như đồ thờ tự, hoành phi, nghi trướng…, ngày nay làng thêu Phú Nhai phát triển thêm nhiều mặt hàng mới theo mẫu mã của khách hàng đặt như áo dài, bức trướng... Hiện nay, nghề thêu thủ công truyền thống của thôn Phú Nhai vẫn thu hút 113 hộ với gần 400 lao động theo nghề. Năm 2012, làng nghề thêu tranh truyền thống Phú Nhai đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là làng nghề truyền thống (theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định). Mặt hàng thêu truyền thống của làng nghề chủ yếu là trang phục, vật dụng phục vụ sinh hoạt tôn giáo như màn chân, áo lễ, du kiệu thánh thể, áo tượng, áo kiệu, cờ, lọng, hoành phi câu đối, bức trướng… Làng nghề thêu tranh Phú Nhai hiện có trên 20 cơ sở lớn thường xuyên có từ 10-20 người làm việc tập trung và hàng trăm khung thêu của các hộ dân nhận gia công sản phẩm tại nhà. Bình quân thu nhập của các xưởng thêu trong làng nghề đạt từ 100-150 triệu đồng/năm như cơ sở của các ông: Đinh Công Khải, Đinh Trường Cửu, Đinh Kim Hoàn, Đinh Thế Công... Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề, gắn bó với khung thêu, cây kim, cuộn tơ và mẫu vẽ từ thuở “lên năm, lên mười”, qua gần 40 năm miệt mài với nghề hiện tại cơ sở của gia đình ông Khải đã đủ năng lực sản xuất được các sản phẩm có kích thước lớn nhất đến 9-10m2, tỷ lệ mẫu thêu chiếm từ 30-40% diện tích. Cơ sở của ông hiện có 20 lao động, mức lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập vài trăm triệu đồng từ nghề truyền thống. Ngoài một số xưởng thêu thủ công truyền thống, một số hộ trong thôn đã đầu tư máy thêu vi tính để đủ năng lực sản xuất các đơn hàng số lượng lớn, và các loại sản phẩm khác nhau. Năm 2015, xưởng thêu của ông Đinh Trường Cửu đã đầu tư 1 máy thêu vi tính trên 300 triệu đồng, mỗi ngày thêu được từ 3-5 sản phẩm (công suất bằng từ 7-8 lao động thủ công). Ngoài công đoạn thêu, ông Cửu còn đầu tư dàn máy may công nghiệp để hoàn tất sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của ông sản xuất được từ 60-100 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay mặt hàng tranh thêu đang được thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ trong thôn Phú Nhai đã tập trung đầu tư phát triển sản phẩm này; trong đó có một cơ sở chuyên thêu tranh phong cảnh xuất khẩu của bà Trần Thị Hải ở xóm 1. Cơ sở của bà Hải hiện có 7 khung thêu tập trung và 30-40 lao động thường xuyên nhận gia công sản phẩm tại nhà với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Nghề thêu truyền thống của thôn Phú Nhai góp phần tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, là một trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế của xã Xuân Phương. Với cả trăm năm tồn tại, nghề truyền thống này đã trở thành một giá trị văn hóa đặc trưng trong đời sống của vùng đất này./.
Bài và ảnh: Thành Trung