Ngày 25-5-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP quy định rõ về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (CCN); đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý Nhà nước đối với các CCN. Nghị định 68 có hiệu lực từ ngày 15-7-2017, tạo cơ hội lớn để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các CCN trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Nghị định 68 có hiệu lực cùng với tiếp tục thực hiện những cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư được quy định tại Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 của UBND tỉnh là hành lang pháp lý quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước (về quy hoạch, thành lập, mở rộng các CCN) và là động lực thúc đẩy các CCN phát huy tối đa vai trò, đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 20 CCN tập trung với tổng diện tích 339,25ha. Cả 20 CCN tập trung đã đi vào hoạt động trước năm 2010 với hạ tầng cơ sở như: hệ thống giao thông, điện, cấp - thoát nước tương đối hoàn chỉnh là một trong những yếu tố quan trọng để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao. Các CCN đã thu hút 471 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Với tổng diện tích đất công nghiệp là 216ha; tổng mức đầu tư gần 570 tỷ đồng (tổng kinh phí đã thực hiện trên 322,3 tỷ đồng), 20 CCN tập trung đã cho thuê xấp xỉ 177ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 82%. Các CCN đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; giải phóng các tiềm năng kinh tế, năng lực sáng tạo của nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các CCN đã hoạt động vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về quy hoạch, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của CCN... làm ảnh hưởng lớn đến công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập, khó khăn nói trên, trong đó có khâu quy hoạch phát triển CCN. Vì thế, ngày 4-4-2017, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo Quy hoạch mới, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng mới 14 CCN với tổng diện tích là 258ha; bổ sung mới vào quy hoạch 21 CCN với tổng diện tích 484,2ha; mở rộng 23 CCN với tổng diện tích 426,7ha... Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có tổng số 56 CCN với tổng diện tích trên 1.588ha. Trong năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư mở rộng 2 CCN là: Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang, Nam Trực) và Thị trấn Lâm (Ý Yên) với tổng diện tích 25,59ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 171,5 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành vào các năm 2018 và 2020.
|
Đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Trung Bộ, CCN Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). |
Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các CCN, những quy định của Nghị định 68 cũng đã mở ra triển vọng phát triển mới cho các CCN trên địa bàn tỉnh với nhiều ưu đãi. Theo đó, những dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN sẽ được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Nghị định cũng quy định rõ mức ưu đãi cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong các CCN - làng nghề (là CCN phục vụ di dời, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường bởi phát triển nghề, làng nghề ở địa phương) như: được miễn tiền thuê đất 11 năm; được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Đối với các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN - làng nghề được miễn tiền thuê đất 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ (từ ngân sách địa phương) kinh phí di dời các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào CCN - làng nghề; mức hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN - làng nghề được xem xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Ngoài các chính sách trên, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN - làng nghề còn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đối với CCN và của pháp luật liên quan. Trường hợp có đồng thời nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ thì áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. CCN - làng nghề được ưu đãi, hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý CCN. Số lượng các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ cá thể trong làng nghề chiếm trên 60% so với số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã di dời hoặc đăng ký di dời vào CCN - làng nghề. Tính đến thời điểm xem xét hưởng ưu đãi, hỗ trợ, tỷ lệ đăng ký lấp đầy trên 80%, trong đó trên 60% là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề theo xác nhận của UBND cấp huyện.
Với đặc thù của tỉnh ta, quy định mới về quản lý, phát triển CCN của Chính phủ được xem là đòn bẩy để vận động khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong các làng nghề, làng nghề truyền thống và đang hoạt động xen kẽ ở những khu dân cư di dời ra KCN, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có thế mạnh của địa phương, vùng phù hợp chủ trương, quy hoạch phát triển CN-TTCN của tỉnh trong hệ thống các CCN tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt. Để thực hiện và hoàn thành tốt những quy định về quản lý, phát triển CCN của Chính phủ, trước mắt UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố công bố rộng rãi thông tin và triển khai thực hiện đúng các quy định về thành lập, mở rộng CCN trình UBND tỉnh phê duyệt. Nghiên cứu kỹ các tiềm năng sẵn có của địa phương và có định hướng ưu tiên tập trung phát triển rõ ràng để kêu gọi, thu hút đầu tư. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, thu hút đầu tư vào các CCN còn trống, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX./.
Bài và ảnh:
Thành Trung