Tập trung kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm

08:08, 21/08/2017
Sản phẩm thủy sản là nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng không thể thiếu giúp nâng cao sức khỏe con người. Đây cũng là mặt hàng mang lại lợi nhuận, giá trị kinh tế cao cho người sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối tượng tôm nuôi mặn lợ. Một bộ phận người kinh doanh do ham lợi lớn đã thực hiện các hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu để tăng thêm trọng lượng cho tôm, làm tôm có độ bóng, căng đều và trông rất tươi. Việc làm này ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, giá trị và chất lượng sản phẩm. Với mục tiêu ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như uy tín thương hiệu sản phẩm tôm địa phương.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra chất lượng tôm thẻ chân trắng ở vùng nuôi thuộc huyện Xuân Trường.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra chất lượng tôm thẻ chân trắng ở vùng nuôi thuộc huyện Xuân Trường.
Các loại tạp chất hay được sử dụng gồm agar (bột rau câu), CMC - phụ gia thực phẩm, PVA - hóa chất dùng trong công nghiệp, Adao (Gellatin)… Các tạp chất này thường được pha chế sẵn và không được bảo quản trong điều kiện phù hợp; một số tạp chất là những chất không được Bộ NN và PTNT cho phép hiện diện trong thực phẩm. Không những thế, chúng còn được xử lý cơ học và bảo quản dài ngày trong môi trường kém vệ sinh trước khi đưa vào nguyên liệu thủy sản. Hoạt động bơm tạp chất vào tôm nuôi sẽ gây lây nhiễm vi sinh khiến tôm không được đảm bảo ATVSTP. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn qua công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng nuôi, ngoài thị trường cho thấy trên địa bàn tỉnh, tình trạng đưa tạp chất vào tôm tuy không nhiều nhưng vẫn có nên cần chú trọng và quyết liệt ngăn chặn triệt để. Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách, đề án xây dựng phát triển các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tôm theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chấm dứt tình trạng đưa tạp chất tôm nguyên liệu vào sản xuất, kinh doanh. Phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác các hành vi gian lận đưa tạp chất vào tôm và sử dụng tôm có chứa tạp chất để chế biến kinh doanh. Phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các đợt truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở nuôi tôm, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản kinh doanh tôm thực hiện nghiêm túc những quy định của Nhà nước về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm. Hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất để không mua, góp phần đấu tranh ngăn chặn hành vi này của những người sản xuất, kinh doanh “ăn xổi”. Phổ biến, giáo dục, vận động người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ, hiểu đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tăng cường các hoạt động giám sát, cảnh báo, phát hiện kịp thời việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu để xử lý tận gốc các hành vi đưa tạp chất vào tôm. Kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm soát ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. Phân cấp hướng dẫn các huyện, xã tổ chức triển khai lồng ghép việc kiểm tra cam kết nuôi tôm an toàn với việc kiểm tra ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. Thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm hoặc sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường tập huấn hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ kỹ thuật và nhân viên tham gia trong từng công đoạn sản xuất, nuôi, chăm sóc, sơ chế và chế biến tôm về các quy định về sản xuất, kinh doanh tôm an toàn, bền vững, phát hiện ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tổ chức ký kết bản thỏa thuận giữa các bên có liên quan, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, giữa các cơ sở cung cấp đầu vào với cơ sở nuôi… trong tổ chức triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tôm theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Chủ trì, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP; kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào thủy sản và sản xuất, kinh doanh thủy sản có chứa tạp chất. Thanh tra đột xuất các tụ điểm “nóng” có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Với sự chỉ đạo, kiểm soát sát sao của các ngành chức năng, người nuôi và kinh doanh, chế biến tôm cũng đã dần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hiểu được tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất cũng như cách nhận biết sản phẩm tôm có tạp chất, chủ động tố giác khi phát hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm.
 
Từ nay đến hết năm 2017, Sở NN và PTNT phấn đấu rà soát, lập danh sách, dữ liệu quản lý 100% các cơ sở nuôi tôm, cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đánh giá phân loại 100% các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến có đăng ký kinh doanh, cơ sở nuôi tôm quy mô doanh nghiệp, trang trại, HTX, tổ hợp tác tại địa bàn 3 huyện trọng điểm là Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com