Những bất cập trong nuôi thủy sản nước ngọt

08:08, 01/08/2017
Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi, kênh mương dày đặc thuận lợi cho người dân phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Từ xưa đến nay, nuôi thủy sản nước ngọt đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành kinh tế thủy sản, giúp tăng cường và cải thiện số lượng, chất lượng các nguồn lợi thủy sản trong mọi nguồn nước ở tỉnh ta; tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực nội đồng. Nuôi thủy sản nước ngọt có ưu điểm ít rủi ro, sản phẩm có thể thu tỉa thả bù quanh năm không “kén” người nuôi nên việc phát triển khá thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, nuôi thủy sản nước ngọt hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được khắc phục để phát triển tương xứng với tiềm năng.
Người dân huyện Trực Ninh thu hoạch cá nước ngọt.
Người dân huyện Trực Ninh thu hoạch cá nước ngọt.
Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt toàn tỉnh là 9.700ha, nhiều hơn diện tích nuôi thủy sản mặn lợ 3.310ha. Để đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi, đến nay toàn tỉnh có 22 trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Nhiều năm qua, mặc dù diện tích nuôi đã tăng nhiều song số lượng trại giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nguyên. Không những vậy, cơ sở hạ tầng ở nhiều trại giống đã được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Đối tượng con giống mà các cơ sở cung cấp cho thị trường còn đơn điệu về chủng loại, chủ yếu vẫn là các loài cá truyền thống. Bên cạnh đó, chất lượng đàn cá bố mẹ của nhiều cơ sở sản xuất giống chưa đảm bảo, có tình trạng để cạnh tranh cơ sở sản xuất ép cho cá đẻ không đúng chu kỳ sinh học dẫn đến chất lượng con giống không đảm bảo. Ngoài ra, nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh những năm qua gặp nhiều khó khăn, có những mô hình nuôi tự phát, ít đầu tư nên cơ sở hạ tầng kém, giao thông, thủy lợi, điện đều dùng chung và phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật phục vụ cho quá trình nuôi thủy sản nên hiệu quả nuôi thấp, không có lãi. Còn nhiều người nuôi theo phương thức tận dụng, năng suất thấp, không áp dụng được quy trình nuôi thâm canh với công nghệ cao. Không những thế, điều kiện nguồn nước ngày càng ô nhiễm do nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các đối tượng nuôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, giá bán các loại thủy sản nước ngọt lại thất thường, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhỏ lẻ, sản phẩm phục vụ tiêu dùng hằng ngày chứ chưa chế biến công nghiệp nên việc tiêu thụ thiếu tính ổn định. Các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống như chép, trắm, mè, trôi… Một số loại có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá lóc bông, chạch đồng, ếch… chưa được nhân rộng do người dân sợ mạo hiểm, tổn thất bởi nếu đầu tư vào đối tượng nuôi mới, người nuôi sẽ phải bỏ ra số tiền lớn để mua hóa chất xử lý nguồn nước, tiền con giống, thức ăn và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất… trong khi việc tiêu thụ không chắc chắn. Ông Nguyễn Đình Dưỡng, chủ hộ nuôi cá nước ngọt truyền thống xã Yên Hưng (Ý Yên), một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình thí điểm nuôi chuyên canh cá rô phi theo dự án của Bộ NN và PTNT kết hợp với Sở NN và PTNT thực hiện. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện chương trình, do khó khăn về tiêu thụ sản phẩm nên ông Dưỡng lại quay về nuôi cá truyền thống vì chi phí đầu tư ít hơn. Ông cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay với người nuôi cá nước ngọt là vốn, thị trường tiêu thụ và xử lý dịch bệnh trên cá. Việc nuôi thả vẫn diễn ra nhỏ lẻ, tự phát nên mỗi khi xảy ra dịch bệnh người nuôi rất lo lắng và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân để điều trị dứt điểm cho cá. Trong khi đó, nếu được mùa thì giá cá cũng không cao do bị thương lái ép giá thu mua”…
 
Để khắc phục những bất cập trên, phát huy được tiềm năng kinh tế thủy sản nội đồng giúp nông dân làm giàu, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu giống mới, giảm thiểu dịch bệnh, tiêu hao thức ăn ít, lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Không cho các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất, các đàn cá bố mẹ không đảm bảo chất lượng sản xuất giống để đảm bảo chất lượng nguồn giống. Tăng cường công tác quản lý từ con giống, thức ăn, vật tư, công tác cảnh báo môi trường, quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống áp dụng công nghệ sản xuất giống khỏe mạnh, chuyển giao khoa học công nghệ đối với sản xuất giống các đối tượng có giá trị kinh tế cao nhằm chủ động con giống, Đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư theo hướng vừa xây dựng mô hình vừa tập huấn đào tạo và thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người nuôi. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến thu mua, bao tiêu sản phẩm… để người dân yên tâm đầu tư nuôi và định hướng phát triển lâu dài, bền vững. Sở NN và PTNT sẽ làm việc với các doanh nghiệp chế biến, phân phối, các chợ đầu mối để rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ. Tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Cùng với đó Sở NN và PTNT cũng có những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ sản xuất thức ăn chất lượng, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý ao và cải tạo môi trường dùng trong nuôi thủy sản nói chung và thủy sản nước ngọt nói riêng./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com