Tỉnh ta hiện có 129 làng nghề, với 310 cơ sở, 23.600 hộ sản xuất, thu hút trên 55.200 lao động. Trong số 129 làng nghề, có 80 làng nghề nông thôn, 29 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Sản phẩm chủ yếu của các làng nghề là đồ gỗ, mây tre đan, may mặc, thêu ren, cơ khí, cây cảnh, chế biến nông sản thực phẩm… Nhiều sản phẩm này đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng tại cả thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên khi kinh tế thị trường phát triển hàng hóa đa dạng về cả mẫu mã, chất liệu; xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi… nên sản phẩm làng nghề truyền thống bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống gần như bị “khai tử”. Trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, các làng nghề đã chủ động làm mới mình bằng nhiều cách như đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để thích nghi với thị trường. Do đó những năm qua, làng nghề vẫn có mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất năm 2016 đạt gần 4.000 tỷ đồng, chiếm 49% giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn. Tốc độ tăng trưởng làng nghề bình quân khoảng 10%/năm.
Công đoạn lấy nhộng tằm tại một cơ sở ươm tơ xã Phương Định (Trực Ninh). |
Nằm ven sông Ninh Cơ, xã Phương Định (Trực Ninh) từ hàng trăm năm nay đã nức tiếng gần xa với làng nghề ươm tơ Cổ Chất. Sợi tơ của người dân Cổ Chất làm ra thanh mảnh, màu sắc tươi sáng, bền đẹp… được các làng dệt lụa trong cả nước đặc biệt tin dùng. Để có được những sợi tơ óng mượt, làng nghề Cổ Chất từ xưa đã có sự phân công lao động rõ ràng, sản xuất mang tính chuyên sâu từng khâu. Trong đó người dân thôn Hợp Hòa ở ngay sát bãi sông Ninh Cơ chuyên trồng dâu, nuôi tằm, lấy kén. Còn người dân làng Cổ Chất chỉ chuyên tâm vào việc ươm tơ sao cho ra được những cuộn tơ mềm mại óng ả. Tơ của Cổ Chất đẹp bền có tiếng nhưng khi kén Trung Quốc sản xuất quy mô lớn nên giá rẻ tràn sang, kén tằm làng Hợp Hòa không cạnh tranh nổi. Thêm vào đó, do yếu tố môi trường, khí hậu ngày càng có nhiều thay đổi, khắc nghiệt khiến cho nghề chăn tằm lấy kén ươm tơ cũng khó mang lại cuộc sống sung túc cho người dân. Nhiều người đã phải bỏ dâu đi làm ở các doanh nghiệp; thay trồng dâu nuôi tằm bằng việc canh tác rau màu, đào ao thả cá. 15ha đất bãi chuyên trồng dâu nuôi tằm nay chỉ còn phân nửa. Quyết tâm giữ lại nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống, thu nhập, người dân làng Hợp Hòa từng bước chuyển đổi từ trồng dâu nuôi tằm lấy kén sang nuôi tằm làm thực phẩm. Vậy là từ nghề chăn tằm nai (tằm dệt), hầu hết hộ dân ở thôn Hợp Hòa buộc phải chuyển sang nuôi tằm ré (nuôi lấy nhộng, vỏ kén làm thực phẩm, mỹ phẩm). Nhộng tằm được nhiều người ưa chuộng vì có chứa nhiều thành phần dinh đưỡng như protit, lipit, kcal, các loại vitamin A, B1, B2, PP, C… và các khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể, không thua kém gì các loại thực phẩm như thịt, cá… Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng dinh dưỡng trong nhộng cao gấp 2 lần thịt, 4 lần so với trứng, 10 lần so với sữa. Vì thế, nhộng được xem là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tốt cho các bộ phận trong cơ thể như gan, thận… và là món ăn “hấp dẫn” với nhiều người. Nhộng phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi. Với người già, nhộng giúp hạn chế sự suy yếu của thận hay chứng táo bón. Còn với trẻ em, nhộng cung cấp thêm một hàm lượng can xi và phốt pho cao, giúp cơ thể chống lại bệnh còi xương, suy dinh dưỡng rất hiệu quả. Phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng lại dễ nuôi, tằm ăn ít và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, thời gian như nuôi tằm lấy kén ngắn nên rất thuận lợi. Từ khi trứng nở đến khi đóng kén xuất bán nhộng chỉ mất từ 20-25 ngày, năng suất có thể đạt 4kg tằm/nong, giá thành dao động từ 85-90 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều so với nuôi tằm tơ. Nhiều hộ dân làng nghề năng động còn nghiên cứu quảng cáo tính năng của nhộng tằm, kén tằm đối với sức khỏe và việc chăm sóc sắc đẹp cũng như bào chế thuốc nam để đa dạng hóa sản phẩm từ tằm ré. Hiện tại ngoài bán nhộng làm thức ăn hằng ngày, tằm ré của người dân Hợp Hòa còn được chế biến thành rượu tằm, bột nhộng tằm để bồi bổ sức khỏe hay sử dụng xác kén cho các cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Đặc biệt hơn nhiều khách sạn, nhà hàng lớn đã tìm đến làng nghề đặt hàng những tổ kén theo tiêu chuẩn nhất định để làm nguyên liệu cho những món ăn đồng thời là vị thuốc cổ truyền. Từ Hợp Hòa, người dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm khác như các xã Nam Thắng (Nam Trực), Xuân Hồng (Xuân Trường) cũng đang chuyển đổi theo hướng này để vượt qua cơn bão cạnh tranh. Nhóm các làng nghề đan lát mây tre cũng có nhiều nỗ lực thích ứng với thị trường thông qua việc đổi mới sản phẩm. Làng nghề mành tre truyền thống Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) có từ thế kỷ 17. Bao thế hệ người dân làng nghề đã chung sức làm nên thương hiệu mành tre Đỗ Xá nức tiếng khắp nơi. Nhưng khi những sản phẩm mành ngoại nhập tràn vào thị trường với những chất liệu đa dạng, giá thành rẻ, hoa văn trang trí đẹp mắt… đã khiến sản phẩm mành tre bị tụt hạng. Thêm vào đó, mục đích sử dụng mành tre để ngăn nắng mưa, gió bụi, côn trùng… không còn phù hợp với những căn hộ đô thị hiện đại nên mành tre dần vắng bóng trong xã hội tiêu dùng hiện nay… Song, không vì những khó khăn đó mà người dân làng nghề Đỗ Xá bỏ nghề làm mành. Vậy là người làm nghề lại tìm hiểu các làng nghề mây tre đan khác trên toàn quốc xem họ chuyển đổi ra sao, rồi cải tiến sản phẩm trên cốt nền tre, nứa, vận dụng linh hoạt các kỹ thuật trang trí của ông bà ta xưa truyền dạy. Từ chiếc mành tre treo cửa, người dân Đỗ Xá đã phát triển ra các loại mành lớn che nắng ban công, hay mành cật phủ giát giường thay cho chiếu vừa mát vừa tiện lợi, mành che tại các công trình tâm linh, thờ tự; rồi sản phẩm mỹ thuật khung tranh, lồng đèn phục vụ trang trí nhà hàng nội thất kiến trúc… Với cách làm này, thời gian gần đây, thị trường của làng nghề mành tre Đỗ Xá đã bớt khó khăn hơn trước, hơn 100 hộ dân trong làng nghề vẫn duy trì làm nghề, đời sống được đảm bảo… Người dân làng nghề mây tre đan xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) lại giỏi nghề rổ rá, quạt nan, thúng mủng, sọt và làm thước kẻ, đũa son… Nhưng khi vật liệu nhựa ra đời, những chiếc rổ tre, làn mây “thất thế”; thước kẻ, đũa sơn son cũng không ai dùng đến nữa… người dân chuyển hẳn sang đan giỏ tích. Mỗi người một việc, bắt đầu từ làng Gôi, người dân học cách đan giỏ tích thay cho làn mây, thúng mủng. Người dân làng Vạn Đồn năng động hơn học cách bồi cốt cho giỏ tích đảm bảo giữ ấm tích nước cho chè đủ ngấm. Chịu khó học hỏi, tiếp thị sản phẩm, đến nay, giỏ tích làng Gôi đã có thị trường ở hầu khắp các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Các làng lân cận như làng Gạo, làng Quyn (Mỹ Thành), làng Vào (Thị trấn Mỹ Lộc) cũng chuyển hẳn sang đan giỏ tích để đưa về làng Vạn Đồn hoàn thiện rồi xuất bán. Thậm chí khi thị trường rộng mở, người dân làng Vạn Đồn lại tìm về chính cái nôi đã dạy họ nghề đan giỏ tích để thu mua giỏ tích mây về nhồi ruột hoàn thiện để bán cho đa dạng sản phẩm. Nghề đan giành tích đã trở thành nghề cứu cánh cho người dân các làng nghề mây tre đan không chỉ của xã Mỹ Hưng mà còn của cả huyện Mỹ Lộc.
Trân trọng gìn giữ giá trị văn hóa nghề, lại năng động, linh hoạt chuyển đổi sản phẩm làng nghề cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường đã giúp người dân các làng nghề truyền thống giữ và sống được với nghề trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường. Tuy nhiên những nỗ lực của người dân làng nghề mới chỉ là biện pháp tình thế để duy trì nghề, còn để nghề truyền thống tiếp tục phát triển thì người dân làng nghề cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương