Gió thổi ào ạt trên mặt biển đưa những đợt sóng lớn vào bờ. Đã gần 9h sáng, bờ biển xóm Xuân Hà, xã Hải Đông (Hải Hậu) dần đông người. Từ ngoài biển, chiếc thuyền 12 mã lực của anh Nguyễn Văn Tân tiến thẳng vào bờ. Ông Trần Văn Nuộm, bố vợ anh vui vẻ ra đón. Được nhiều không con? Chuyến này đi nhiều mực bố ạ. Thế là “trúng quả” đó. Ông Nuộm cười xòa. Mùa mực của ngư dân năm nay tương đối được mùa. Có những đêm, riêng mực, anh Tân đánh được cả vài chục cân thậm chí lên đến hàng tạ. Đối với những hộ đánh bắt gần bờ như gia đình anh, mỗi chuyến tàu về đầy mực là “thắng lợi”.
Bà con ngư dân xã Hải Đông (Hải Hậu) bán mực cho thương lái. |
Theo ước tính xóm Xuân Hà, xã Hải Đông hiện có khoảng 40% dân số theo nghề đi biển. Trong đó, có những gia đình nhiều thế hệ đều đi biển như gia đình ông Nuộm, anh Tân đều có ít nhất 2 “đời” gắn bó với thuyền, với biển. Cuộc mưu sinh của họ gắn liền với vị biển mặn mòi, những con sóng lớn, những chuyến tàu và hàng nghìn “đêm trắng” không ngủ. Lênh đênh với biển trời, những ngư dân đều có được sự rắn rỏi, vạm vỡ. Đi biển từ những năm 15, 16 tuổi, anh Tân giờ cũng có ngót 30 năm gắn bó với biển cả nên anh nằm lòng từng hướng gió, con nước. “Bây giờ thời tiết diễn biến bất thường, tôm, cá cũng không nhiều như trước kia. Hơn nữa, ngày càng có nhiều người sắm tàu lớn đánh cá nên công việc của chúng tôi cũng khó khăn hơn. Vì vậy, với những ngư dân ven bờ, không còn cách nào khác là phải siêng năng, cần cù để bù lại", anh Tân chia sẻ. Mấy hôm nay đi biển, anh Tân đều gặp gió đông, đây cũng chính là dạng thời tiết lý tưởng để đánh bắt mực. Mùa mực hằng năm kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người đi biển lâu năm, từ tháng 3, mực tiếp tục sinh sản thêm đợt mới nên tháng 7, tháng 8 ngư dân vẫn có thể đánh bắt. Do đó, cũng theo anh Tân, bây giờ quanh năm ngư dân đều có thể đánh bắt được mực. Có 2 loại mực mà ngư dân ở đây hay kéo lưới được là mực trứng và mực ống. Mực trứng người địa phương còn gọi là mực đóc, mực cơm, một số nơi còn gọi là mực sữa. Gọi là mực trứng vì bụng mực đầy trứng, còn gọi mực cơm là do hình dáng của chùm trứng, từng hạt trứng kết lại, nho nhỏ, xinh xắn giống như những hạt cơm. Có khi kêu là mực sữa bởi buồng trứng như một dòng sữa trắng, khi nấu chín, trứng mực dẻo quánh như sữa đặc. Tùy môi trường sinh thái của từng vùng biển mà mực trứng có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, “phom” chung của loại mực này là mình thon, hơi dài, đuôi nhọn. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, con mực chứa nhiều trứng nhất là vào những độ trăng sáng. Sáng sớm, những chiếc thuyền sau một đêm lênh đênh trên biển đầy ánh trăng đã cập bến đem về hàng khay mực trứng, tươi đến mức da còn bóng loáng, óng ánh những chấm hồng chấm tía, hai chấm mắt đen láy, râu không nhão, bụng hơi căng. Đi biển “khoái” nhất là đánh bắt được mực, bởi so với các loại hải sản khác, mực là loại giữ giá nhất, anh Tân nói thêm. Khác với các loại hải sản khác như tôm thuyền, cá…, mực thường được ngư dân gỡ ngay ngoài biển, “trống” vào trong những thùng, khay xốp, xô, chậu có chứa nước hoặc đá lạnh để đảm bảo khi vào bờ mực vẫn tươi ngon. Trên bờ, thương lái, phu cá đã sốt sắng chờ sẵn. Từ các thuyền, từng khay mực đầy được bê lên và nhanh chóng được cân, sắp lên xe chở đi tiêu thụ. Mực trứng được thu mua tại bến với giá 80 nghìn đồng/kg. Mực ống kích thước bằng ngón tay có giá 50 nghìn đồng/kg, loại to hơn có giá giao động từ 100-120 nghìn đồng/kg... Cá biệt, có những hôm ngư dân đánh được những mẻ mực ống khá to, tầm 7, 8 con/kg. Chuyến đi biển đêm qua, với khoảng 10kg mực các loại, anh Tân cân bán cho thương lái đã thu được trên 900 nghìn đồng. Chưa kể, trên đầu mũi thuyền của anh còn vài chục cân cá cơm, cá lẹp, cá lâm, cá bơn và tôm thuyền. Như vậy, ước tính sau một ngày lao động vất vả, cực nhọc anh Tân thu về gần 2 triệu đồng, trong đó gần 1 triệu đồng tiền mực. “Nếu thời tiết thuận hòa, trúng mùa, trừ chi phí ăn uống, dầu máy…, mỗi tháng chúng tôi có thể thu về 10-15 triệu đồng, bõ công làm lụng vất vả”, anh Tân cho biết. Có thể nói, từ đầu năm đến nay là mùa vụ của nghề đánh mực, vì hầu hết các tàu thuyền đều trúng mùa. Mực trứng mà ngư dân Hải Đông đánh bắt được rất ngon, dầy mình, trứng nhiều, ăn ngọt và giòn thịt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày có bao nhiêu, thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Mực trứng sau khi được thương lái thu mua, đa phần để xuất sang Trung Quốc còn mực ống được tiêu thụ tại chỗ. Mặc dù đối với những ngư dân Hải Đông, mùa đánh bắt năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng cá, tôm, mực thu được nhiều nhưng những hộ đánh bắt gần bờ ở đây hiện đang phải đối mặt với nỗi lo bị các tàu cá xa bờ công suất lớn lén lút dùng lưới giã cào thả xuống sát đáy để khai thác gần bờ, tàn phá khu vực ven bờ vì lưới giã cào đi đến đâu là quét sạch đến đó, từ những con cá, tôm nhỏ nhất đến những vật cản, kể cả lưới, lờ của ngư dân đang khai thác ven bờ. Vì thế, nếu tình trạng này tiếp diễn, ngư dân ven bờ sẽ rất khó để đánh bắt, mưu sinh. “Để sắm được một bộ lưới dài 1km, chúng tôi phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi thường xuyên bị lưới giã cào làm rách lưới, xé lưới hoặc kéo mất lưới. Chưa kể, sản lượng tôm, cá gần bờ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, một ngư dân bức xúc cho biết.
Trên mặt biển bao la, những ngư dân hằng đêm vẫn tiếp tục ra khơi mặc dù việc đánh bắt với họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Biển với họ là cuộc sống mưu sinh, đời này qua đời khác. Rời Hải Đông dưới cái nắng chói chang, chúng tôi mang theo ước vọng, tâm thế của những người vùng biển. Để biết rằng, khi trời sập tối, một ngày mưu sinh rộn rã của “những người con của biển” lại sẽ bắt đầu./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân