Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống hiện đại. Để khuyến khích phát triển TMĐT từ năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch “Phát triển TMĐT tỉnh Nam Định”. Do đó, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giao dịch thương mại, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng TMĐT để trốn thuế, chuyển giá, trao đổi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT)… gây thiệt hại cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường.
Theo các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh ta vi phạm trong TMĐT diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức: Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ TMĐT, thông tin trên website TMĐT; vi phạm về giao dịch trên website TMĐT và các vi phạm khác: đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong TMĐT khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan; giả mạo hoặc sao chép giao diện website TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc cạnh tranh không lành mạnh bằng việc gây nhầm lẫn, mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh đó… Trong đó, phổ biến là hành vi lợi dụng thông tin cá nhân, trao đổi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT. Lợi dụng việc người tiêu dùng chưa hiểu rõ các quy định, cách thức tham gia hoạt động TMĐT để bán hàng đa cấp không hợp pháp với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Điển hình như vụ việc Cty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (TP Nam Định) rao bán các gian hàng ảo trên mạng theo hình thức bán hàng đa cấp khiến nhiều người tiêu dùng bị lừa với giá trị thiệt hại lớn. Ngoài ra, còn rất nhiều thiệt hại mà người tiêu dùng không thể khiếu nại hoặc “được vạ thì má xưng”... như hàng không đúng với chất lượng đã công bố trên mạng; in hóa đơn thanh toán điện tử sai; thanh khoản sai so với hóa đơn mua hàng khi sử dụng thẻ tín dụng mua hàng tại một số siêu thị… Ngoài các website TMĐT, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đang được khai thác giá trị phổ biến để kinh doanh trực tuyến. Cũng từ các trang mạng xã hội này, những cửa hàng ảo mang đầy đủ tiêu chí “3 không” (không ki-ốt, không hàng hóa, không hóa đơn chứng từ mua bán); khách và chủ hàng cũng không rõ mặt nhau và liên hệ thông qua người chuyển hàng (dịch vụ ship). Với sự hỗ trợ của công nghệ điện tử, thiết bị tương tác hỗ trợ âm thanh, ánh sáng TMĐT có ưu điểm quảng cáo trực diện có tác dụng kích thích tiêu dùng mạnh bởi dễ dàng thu hút, hấp dẫn khách hàng quan tâm đến sản phẩm. Khi người bán hàng cố tình “nhập nhèm” kinh doanh kiểu chộp giật thì khách hàng rất dễ bị mắc bẫy. Việc kinh doanh qua các trang mạng xã hội phát triển mạnh như “nấm sau mưa” không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường, quản lý thuế mà đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong giao dịch mua bán TMĐT cũng như ảnh hưởng tới TMĐT nghiêm túc. Đó là nguyên nhân phần lớn người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng vào TMĐT nên vẫn kiên trì với phương pháp giao dịch truyền thống hoặc chỉ sử dụng đối với những giao dịch có giá trị nhỏ.
Mặc dù những vi phạm trong hoạt động TMĐT được nhận diện rõ ràng và diễn ra thường xuyên nhưng việc xử lý của lực lượng chức năng hầu như chưa đáng kể. Nguyên nhân được cơ quan chức năng cho biết là do có rất nhiều vướng mắc trong việc xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ, xác định giá trị hàng hóa xâm phạm… Trong khi đó việc lập hay bỏ một website kinh doanh quá dễ dàng. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì một nguyên nhân chủ quan khác được nhận định là lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Hơn thế nữa, các ngành chức năng mới chỉ quan tâm đến phát triển TMĐT nhưng chưa dự tính những vấn đề phát sinh để có quy định pháp luật chặt chẽ xử lý ngăn chặn vi phạm đã tạo nên những lỗ hổng cho vi phạm trong TMĐT có cơ hội phát triển. Để khắc phục điều này, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT, đào tạo cán bộ chuyên trách có chuyên môn sâu, nắm bắt kịp thời thực tiễn và các vấn đề phát sinh; thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm trong TMĐT là hết sức cần thiết. Tuyên truyền những quy định của pháp luật về hành vi bị cấm cũng như những hình thức, biểu hiện gian lận trong giao dịch TMĐT và chế tài xử phạt để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT biết và nghiêm túc thực hiện; người tiêu dùng phòng ngừa bị lợi dụng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng để điều tra, xử lý các vi phạm trong TMĐT. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TMĐT. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT. Đặc biệt là việc thực hiện đăng ký, thông báo website với cơ quan chức năng; trong quá trình quản trị, vận hành website cần tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành khi đăng tải thông tin, tài liệu. Chủ động các phương án đấu tranh chống hoạt động kinh doanh hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực ứng dụng, khai thác TMĐT; sử dụng các phần mềm tiện ích chuyên ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động và hội nhập xu hướng tiêu dùng hiện đại. Bản thân người tiêu dùng khi tham gia hoạt động TMĐT cần chủ động tìm hiểu pháp luật về phát triển TMĐT; chủ động phối hợp cơ quan Nhà nước để giải quyết những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động TMĐT. Chú ý lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ TMĐT uy tín và kiểm tra kỹ thông tin về hàng hóa trước khi quyết định giao dịch./.
Nguyễn Hương