Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, hơn nữa lại có nhiều ao, hồ lớn nên nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng trên địa bàn tỉnh trên các tuyến sông như sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Đào, sông Hồng… có biểu hiện bị suy giảm. Để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ kinh tế thủy sản, cần thực hiện ngay các biện pháp đồng bộ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nguồn lợi thủy sản nội đồng có xu hướng ngày càng giảm như tình trạng người dân sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ đánh bắt không theo quy định. Hằng ngày đi qua những vùng đồng trũng hoặc dọc bờ sông vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh người dân sử dụng kích điện để bắt tôm cá. Những hình thức đánh bắt trên sẽ gây nên tình trạng nguồn lợi thủy sản nội đồng bản địa ngày càng cạn kiệt, tạo cơ hội tốt cho một số loài ngoại lai phát triển, ngoài ra còn gây nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng. Mặc dù vấn đề này đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên tục cảnh báo song nhiều người dân vẫn vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua khuyến cáo. Bên cạnh đó, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm do nước xả thải ra từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt chứa nhiều hóa chất bởi các sản phẩm tẩy rửa… chưa được xử lý gây mất cân bằng sinh thái, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không những thế, một bộ phận người dân xây dựng phát triển ao, đầm nuôi thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, tự phát nên không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Có trường hợp người nuôi kém hiểu biết, chưa có ý thức, vẫn sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm sinh học, thức ăn công nghiệp một cách tùy tiện, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên các đối tượng nuôi; nguồn nước bị nhiễm bệnh không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường cũng khiến lây lan dịch bệnh cho động vật thủy sản tự nhiên… Ông Vũ Văn Kiên, nông dân huyện Nam Trực trước kia thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi bắt lươn, bắt tôm, cá tự nhiên… để kiếm thêm chút thu nhập hoặc để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nhưng nhiều năm gần đây nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên các sông ngòi đã giảm mạnh nên ông không còn làm nghề này nữa. Ông cho biết: “Bây giờ đến cá con cũng chẳng còn nhiều chứ chưa nói đến cá lớn. Trước kia tôm, cá tự nhiên rất nhiều, chỉ cần đặt đó, vó… là kéo được rất nhiều loại”.
|
Sở NN và PTNT cùng đông đảo người dân tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng. |
Trước những thực trạng trên, nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nói chung và thủy sản nội đồng nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm việc khai thác thủy sản bằng phương tiện hủy diệt, quy định các vùng cấm… Việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm đã được Thanh tra Sở NN và PTNT đẩy mạnh, hàng chục vụ sử dụng xung điện để khai thác thủy sản đã bị phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng không ngừng tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến người dân giúp nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền về các tác hại của việc khai thác mang tính tận diệt để người dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thủy sản, hướng tới nuôi và khai thác thủy sản đảm bảo sinh kế bền vững; tăng cường công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm; nghiên cứu quy trình sản xuất nhân tạo các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm bảo tồn giống loài thủy sản nội địa và tạo ra con giống phục vụ nuôi thủy sản, nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên. Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản trên các sông ngòi; thường xuyên phối hợp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các văn bản của Nhà nước về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời vận động nhân dân tích cực thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các sông và các khu vực nội đồng. Ưu tiên chọn các loài cá nuôi truyền thống, có giá trị kinh tế, phù hợp với đặc tính sinh học và các yếu tố môi trường khu vực lựa chọn để thả giống. Hằng năm, Sở NN và PTNT thường phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương phát động Tháng hành động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thả cá xuống khu vực các cửa sông Hồng, sông Ninh Cơ, vận động đông đảo nhân dân cùng tham gia.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng thì ngoài sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, người dân cũng phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nói chung và nguồn lợi thủy sản nội đồng nói riêng chính là đảm bảo đời sống sinh kế ổn định cho một bộ phận người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế thủy sản một cách bền vững./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa