Công tác thú y thủy sản có vai trò quan trọng trong ngành nuôi thủy sản, đặc biệt trong điều kiện môi trường khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cho đối tượng nuôi. Thời gian qua, Sở NN và PTNT cùng các địa phương đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng, tổ chức, nâng cao chất lượng công tác thú y thủy sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo hiệu quả sản xuất cho người nuôi.
|
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra chất lượng tôm thẻ chân trắng của người nuôi ở huyện Hải Hậu. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Nuôi thủy sản là nghề có nhiều lợi thế trên địa bàn tỉnh, được phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Hiện toàn tỉnh có gần 16 nghìn ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản. Trong đó, nuôi mặn lợ là 6.348ha và nuôi nước ngọt là 9.500ha. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức định kỳ 2 lần/tháng kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, vệ sinh thú y tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản… Khi phát hiện có dịch bệnh trên đối tượng nuôi ở địa phương, hộ nuôi thủy sản, Chi cục đều cử cán bộ kỹ thuật có mặt kịp thời để hướng dẫn biện pháp xử lý, đảm bảo dịch bệnh không lây lan. Trong tháng 5-2017 vừa qua, tại một số vùng nuôi tôm của các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu đã xảy ra hiện tượng tôm chết. Ngay khi nhận được thông báo về tình hình dịch bệnh tôm tại các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tiến hành thu mẫu nước để kiểm tra các chỉ tiêu lý, hóa; thu mẫu tôm để gửi về Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả cho biết nguyên nhân tôm chết là do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường khiến môi trường vùng nuôi biến động, dịch bệnh phát sinh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có những chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường, rắc vôi quanh ao để khử trùng… Sau khi xử lý môi trường theo hướng dẫn, chỉ đạo của các kỹ sư thủy sản, nhiều hộ nuôi đã tranh thủ thả lứa tôm khác và hiện đang là thời gian thu hoạch. Để kiểm soát tốt nguy cơ dịch bệnh trong nuôi thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kết hợp với các cơ quan chức năng tăng cường năng lực công tác thú y thủy sản; phân công cán bộ chuyên trách trên địa bàn, phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu nước, kiểm tra sức khỏe trên các đối tượng nuôi, triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản, chủ động cảnh báo, giám sát dịch bệnh, quản lý việc sử dụng thuốc thú y theo đúng quy định… Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi thủy sản, chấn chỉnh công tác giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm… Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất, kháng sinh trên thủy sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với địa phương có diện tích thủy sản bị nhiễm bệnh phải kịp thời thông báo cho cơ quan thú y, đồng thời khẩn trương hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý, khử trùng tiêu độc ao nuôi có sự giám sát của cán bộ thú y tránh lây lan ra diện rộng, cải tạo xử lý môi trường nước trước khi thả giống. Anh Trần Thanh Cảnh, xóm 7, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) có 2 mẫu ao nuôi cá chuối. Anh Cảnh cho biết: “Để nuôi thả cá đạt hiệu quả, ngoài những yếu tố về thời tiết, kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, sau mỗi vụ thu hoạch cá, ao cần phải được hút cạn nước, phơi đáy ao, sử dụng thuốc, rắc vôi bột để khử trùng. Sau mỗi năm nuôi thả cần tiến hành dọn vệ sinh, hút bùn trong ao nuôi”.
Công tác thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như lực lượng cán bộ thú y thủy sản vẫn còn thiếu; chính quyền ở một số địa phương có diện tích nuôi thủy sản chưa thực sự quan tâm quản lý công tác này, chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp về nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh. Thậm chí, một bộ phận người nuôi thủy sản khi mua con giống còn chủ quan, ít quan tâm đến nguồn gốc, giấy kiểm dịch… Chính vì vậy nên công tác thú y thủy sản cần được tăng cường quan tâm thực hiện hơn nữa. Các doanh nghiệp, hộ nuôi thủy sản cần thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng về kỹ thuật cải tạo ao đầm, khung lịch mùa vụ… để thúc đẩy ngành nuôi thủy sản phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi./.
Thanh Hoa