Từ đầu năm đến nay, sản xuất chăn nuôi của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, đặc biệt giá lợn giảm sâu chỉ còn khoảng 40-50% so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 14 hộ chăn nuôi thuộc 7 xã của 3 huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 13.587 con vịt, gà, ngan và bồ câu. Ngoài ra, tại các xã Nam Toàn (Nam Trực), Nam Vân (TP Nam Định), Yên Đồng (Ý Yên), Xuân Kiên (Xuân Trường), Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) cũng đã phát hiện gia cầm ốm, chết. Dịch lở mồm long móng gia súc cũng đã phát sinh tại một số địa phương có ổ dịch cũ ở 4 hộ chăn nuôi của 2 xã Yên Khang và Yên Đồng (Ý Yên) với số gia súc mắc bệnh là 11 con trâu, bò; trong khi đó tỷ lệ tiêm vắc-xin lở mồm long móng vụ thu 2016 đạt kết quả thấp.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện sớm, xác minh, báo cáo kịp thời các ổ dịch bệnh động vật. Phòng NN và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố thực hiện nghiêm quy định chế độ thông tin báo cáo theo quy chế làm việc và chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục. Các xã, phường, thị trấn thường xuyên chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở, trưởng thôn xóm và các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác giám sát, báo cáo dịch và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại các địa phương xảy ra dịch bệnh, các xã đã thành lập các chốt gác kiểm dịch, đồng thời tạm dừng buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật mẫn cảm với bệnh trong thời gian có dịch đã góp phần ngăn chặn dịch lây lan. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 83 mẫu bệnh phẩm của gia cầm mắc bệnh tại các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên, Xuân Trường và Mỹ Lộc để xét nghiệm vi-rút cúm gia cầm. Kết quả 71/83 mẫu dương tính với vi-rút cúm A/H5N1. Chi cục đã phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện tiêu hủy những đàn gia cầm có mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm A/H5N1, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lây lan ra diện rộng. Trong khuôn khổ dự án giám sát dịch bệnh do CDC, FAO tài trợ, Chi cục lấy 240 mẫu dịch hầu họng gia cầm và 104 mẫu môi trường (phân, nước gia cầm uống) tại các chợ bán gia cầm trên địa bàn các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên, Giao Thủy và Thành phố Nam Định để giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm. Kết quả đã phát hiện 1 mẫu gà ở chợ Năng Tĩnh (TP Nam Định) dương tính với vi-rút cúm A/H5N1. Chi cục đã hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu chợ, đồng thời truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ đó hướng dẫn địa phương có nguồn gia cầm dương tính với vi-rút cúm A/H5N1 thực hiện các biện pháp giám sát và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng diệt mầm bệnh. Cùng với công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm dịch vận chuyển động vật được 129.055 con lợn, 816.211 con gia cầm giống, 408.763 con gia cầm thịt, 1.521 con dê và 3.600 con thỏ…, góp phần ngăn ngừa các dịch bệnh phát sinh, lây lan. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh được triển khai thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Trong tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017, Chi cục đã cấp 7.900 lít hóa chất sát trùng và 1.500kg Chlorin cho các địa phương. Các địa phương đã tổ chức 188 đội phun, làm 23 băng rôn tuyên truyền; các hộ chăn nuôi đã chủ động mua 74,6 tấn vôi bột, 600 lít thuốc sát trùng thực hiện tiêu độc, khử trùng hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan.
|
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại chốt kiểm dịch xã Trực Thuận (Trực Ninh). |
Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ làm giảm sức đề kháng của các đối tượng nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Trong khi đó, do giá cả sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm…) giảm, lợi nhuận sản xuất giảm, thậm chí thua lỗ khiến người chăn nuôi ít quan tâm đầu tư, hạn chế việc chăm sóc, không tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Do thương lái hạn chế tiêu thụ nên một số hộ tự giết mổ gia súc, gia cầm mang ra chợ bán cũng là nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Đôn đốc các địa phương tiếp tục thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là trên đàn vịt thịt để không xảy ra dịch cúm gia cầm. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh nơi giết mổ, phun tiêu độc khử trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực cố gắng của ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và của các hộ chăn nuôi nên đã hạn chế dịch bệnh lây lan, phát sinh ra diện rộng.
hời gian tới là thời điểm nắng nóng và mưa bão. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nắng nóng khiến bệnh tai xanh trên đàn lợn, lở mồm long móng trên gia súc có nguy cơ bùng phát cao; thời tiết mưa bão lại có nguy cơ gây bệnh tụ huyết trùng trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, các cấp, các ngành và các địa phương cần chủ động giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để dịch lây lan trên diện rộng, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh. Tổ chức thực hiện đợt tiêm phòng vắc-xin vụ thu 2017 cho đàn vật nuôi đạt kết quả cao. Tiếp tục đôn đốc thực hiện tiêm phòng vắc-xin bổ sung hằng tháng cho đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đảm bảo đúng quy trình, từng bước triển khai công tác kiểm soát giết mổ động vật. Phối hợp thực hiện công tác thông tin, truyên truyền phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP, phát triển sản xuất gắn với xử lý tốt chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các hộ chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh