“Người xưa có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” bởi nghề nuôi tằm vất vả bận rộn như chăm con mọn. Nhưng hàng trăm năm qua, biết bao thế hệ người dân quê tôi nhờ bãi dâu, con tằm mà trù phú, ấm no; có điều kiện kinh tế để lo cho con cái học hành đầy đủ, xây nhà và mua sắm tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Trồng dâu nuôi tằm là nghề một vốn bốn lời”. Đó là tâm sự của ông Vũ Ngọc Ngân, người đã có gần 50 năm gắn bó với nghề, ở xóm 36, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Nghề “một vốn bốn lời”
Nằm bên dòng Ninh Cơ, có diện tích đất bãi rộng và dài nên từ hàng trăm năm trước, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển mạnh ở các xóm 31, 32, 34, 35, 36, 37 thuộc HTX Hồng Thiện của xã Xuân Hồng và duy trì cho đến ngày nay. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi sự chăm chút chu đáo như nuôi “con mọn” nên chỉ gia đình nào thường xuyên có lao động ở nhà mới làm được nghề này. Trong đó, chăm tằm đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, kỹ thuật cao mới đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngoài ra, khâu cuối cùng để có sản phẩm đạt chất lượng là khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sấy” sao cho kén khô, thơm, để khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng hoặc trắng mịn. Nghề tằm ở Xuân Hồng thường bắt đầu vào khoảng tháng 2 âm lịch (thường gọi là vụ tằm xuân) với lứa tằm trắng. Tùy theo diện tích bãi dâu mà người nuôi quyết định số lượng trứng tằm để nuôi. Như nhà ông Ngân, với hơn 3 sào trồng dâu thường nuôi 6-7 “vòng” tằm cho lứa tằm xuân. Ông cho biết thêm: tằm vụ xuân năng suất cao, một vòng tằm cho 20-22kg kén, giá bán lại cao, từ 100-110 nghìn đồng/kg, tuy nhiên thời gian nuôi dài, phải tròn 30 ngày mới được thu kén. Sau lứa tằm trắng đầu xuân, nhà nào có kinh nghiệm kỹ thuật cao, diện tích trồng dâu rộng, dâu còn tốt lá thì “gối” thêm một lứa tằm vàng nữa, còn phần nhiều là nghỉ nuôi để đốn gốc dâu. Dâu được chặt sát gốc, chăm bón bằng các loại phân đạm, phân chuồng để qua tháng ba, sang đầu tháng tư bắt đầu nảy mầm, cho lá. Cây dâu cho thu hoạch lá ổn định từ 15-20 năm liên tục, nếu chăm sóc tốt có thể đạt đến 30 năm mới phải trồng lại. Khi dâu bắt đầu nảy mầm, cho lá cũng là lúc bắt đầu vụ tằm hè với giống tằm vàng. Giống tằm vụ hè không cho năng suất cao như tằm trắng, chỉ được từ 12-14 kg/vòng, giá bán cũng thấp hơn, chỉ từ 80-85 nghìn đồng/kg nhưng bù lại thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 20-21 ngày/vòng. Vụ tằm hè thường nuôi được từ tháng 5 đến hết tháng 9 âm lịch. Nhờ đó, nhà ông Ngân và nhiều hộ nuôi tằm trong vùng thường nuôi được 7-8 lứa tằm/vụ hè, mỗi lứa nuôi từ 3-4 vòng tằm. Sang tháng 10 âm lịch, trời chuyển heo may và có thể rét đầu mùa là thời điểm kết thúc vụ tằm hè. Lúc này, người nuôi lại bắt đầu quay lại nuôi lứa tằm cuối cùng trong năm với giống tằm trắng. Bình quân mỗi năm, với khoảng 8-10 lứa tằm, mỗi hộ với bình quân từ 2-3 lao động có thu nhập từ 120 triệu đồng trở lên. Kén tằm hiện được thương lái về tận nơi thu mua.
Nuôi tằm tại hộ ông Vũ Ngọc Ngân, ở xóm 36, xã Xuân Hồng cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm. |
Lắp điều hòa… nuôi tằm
Mặc dù nghề tằm tang cho thu nhập cao, vốn đầu tư thấp nhưng lại rất vất vả. Ông Nguyễn Xuân Trường, xóm 36, nhà có 5 sào trồng dâu cho biết: Trước đây, người làm nghề tằm tang “khổ” nhất trong năm là 2 lứa tằm trắng đầu tiên và cuối cùng của năm. Bởi vì thời điểm ấy (tháng 2 và tháng 10 âm lịch), thời tiết không thuận lợi (rét, mưa phùn) ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của tằm. Vì thế, ngoài những kỹ thuật chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ còn phải luôn bảo đảm nhiệt độ trong khu vực nuôi từ 25-27 độ C, nếu nhiệt độ thấp hơn thì tằm bị rét, cứng hàm, không ăn được thì không có kén là nuôi mất công. Vì thế, khi thời tiết bất thường, các hộ nuôi thường phải “sấy” tằm bằng than củi ủ trấu. Khi sấy phải luôn đảm bảo không có khói, buồng tằm ấm nhưng phải thoáng. Thời điểm này, người nuôi phải thường xuyên “canh” cả ngày lẫn đêm nên “ăn cơm đứng” là vì thế. Nhưng khoảng chục năm nay, nghề tằm tang ở Xuân Hồng đã bớt vất vả hơn nhờ sự nhanh nhạy của một số hộ nuôi khi điều kiện lưới điện tốt hơn. Ông Trường là một trong những người đầu tiên mạnh dạn sử dụng điều hòa cho tằm ở Xuân Hồng. Nhờ chủ động được nhiệt độ, không chỉ bớt vất vả, nặng nhọc mà tằm còn sinh trưởng tốt, chất lượng kén đều và cao hơn trước kia từ 1-2 kg/vòng. Thấy hiệu quả thực tế từ đó, thay vì phụ thuộc thời tiết, một số hộ nuôi như các ông bà: Đào, Trường, Thành, Hòa, Chính, Ca... đã đầu tư mua điều hòa nhiệt độ hai chiều, máy phát điện... để đảm bảo nhiệt độ buồng tằm cho tằm sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2015, hộ bà Đinh Thị Đào đã đầu tư gần 50 triệu đồng lắp đặt máy điều hòa hai chiều công suất 18 nghìn BTU, máy phát điện công suất 5kW để đề phòng trường hợp mất điện. Nhờ đó, mỗi tháng hộ bà Đào nuôi được 3 lứa tằm giống (tằm giống thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 10 ngày/vòng) và 1 lứa tằm lấy kén. Nhờ chủ động được nhiệt độ buồng nuôi, mỗi lứa tằm thịt bà Đào nuôi khoảng 40 nong tằm, mỗi nong cho thu hoạch khoảng 5kg kén. Ngoài ra, bà Đào còn đứng ra làm đại lý cung ứng giống, thu gom kén cho các hộ nuôi trong vùng. Nhờ có nguồn giống tại chỗ, sản phẩm làm ra được thu gom tận nơi nên nghề nuôi tằm ở Xuân Hồng vẫn thu hút khoảng 150 hộ tham gia.
Là nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho nhiều lao động, hiệu quả kinh tế cao nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống của xã Xuân Hồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: diện tích trồng dâu ngày càng bị thu hẹp; lực lượng lao động trẻ không mặn mà với nghề, lao động làm nghề hiện tại chỉ là lao động “tận dụng”. Để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống phù hợp với định hướng kinh tế địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của người dân, xã Xuân Hồng đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong quy hoạch các vùng trồng dâu thích hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để có nguyên liệu ổn định; hỗ trợ người nuôi tằm, trồng dâu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để tăng năng suất kén, nâng cao thu nhập cho người nuôi./.
Bài và ảnh: Thành Trung