Hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) đang gia tăng đối với cả tập thể và cá nhân. Do vậy, mạng lưới cáp thông tin viễn thông phát triển nhanh chóng theo hình thức chôn ngầm trên các tuyến trục chính ven quốc lộ, tỉnh lộ và đi nổi bám theo hệ thống cột điện do Cty Ðiện lực Nam Ðịnh quản lý. Kiểm đếm thực tế cho thấy, 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh đang sử dụng 15.041 vị trí cột điện để treo cáp viễn thông; trong đó Cty CP VTVCab Nam Ðịnh có 6.556 cột, Chi nhánh Viettel Nam Ðịnh 4.315 cột, Viễn thông Nam Ðịnh 2.218 cột, Chi nhánh FPT Nam Ðịnh 1.320 cột, Bộ CHQS tỉnh 400 cột, Cty CP Hạ tầng viễn thông CMC 232 cột. Sự phối hợp giữa ngành Ðiện và các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông trong việc dùng chung cột điện để kéo cáp thông tin nhằm mục đích phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết.
Điện lực Thành phố Nam Định chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông đi chung trên cột điện tại khu vực Đệ Tứ, phường Lộc Hạ bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. |
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ thống đường dây điện, các đường dây tín hiệu, cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh hiện tại quá phức tạp, vắt chéo qua nhiều tuyến phố, nhiều khu dân cư. Hệ thống mạng cáp tín hiệu, cáp viễn thông lắp đặt từ hàng chục năm đã xuống cấp do quá hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng do điều kiện thời tiết mà chưa được cải tạo, thay thế còn khá lớn. Một số đơn vị kinh doanh chưa thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật về chịu lực, không bảo đảm khoảng cách an toàn giữa cáp viễn thông với đường dây điện, trạm điện, thậm chí bó chung cáp vào dây điện, kéo cáp quá căng giao chéo với dây điện, nhiều vị trí đấu nối cáp để hở dễ gây nên hiện tượng phóng điện khi vận hành. Tại địa bàn Thành phố Nam Ðịnh, hầu hết các hộ dân đều đã bỏ điện thoại bàn và cáp tín hiệu lõi đồng để thay thế bằng cáp quang nhưng có đến hơn 70% số lượng cáp cũ chưa được các nhà mạng tháo dỡ, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sức chịu tải của cột điện. Trên một số tuyến đường giao thông, dây tín hiệu và cáp internet bị trùng võng, thậm chí bị đứt nhưng không được các đơn vị liên quan sửa chữa, khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, những năm qua thời tiết biến đổi, nắng nóng bất thường kéo dài nhiều ngày làm cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến dẫn đến quá tải cục bộ hệ thống cáp và công tơ điện, khiến gia tăng các nguyên nhân cháy nổ. Ðặc biệt, sau mỗi đợt mưa bão, số vụ cháy liên quan đến hệ thống điện lại tăng cao đột biến tại các điểm úng ngập, nơi có đông dân cư sinh sống. Ðáng lo ngại, gần đây các vụ chập cháy thường xảy ra vào ban đêm nên việc thông báo cho cơ quan chức năng chậm, dễ gây thiệt hại lớn, nghiêm trọng. Cùng với các nguyên nhân trên phải kể đến ý thức của người dân chưa cao, còn xây dựng công trình cơi nới, lấn chiếm không gian, bám sát đường điện, chồng lấn lên các tuyến cáp, tạo ra hiểm hoạ khôn lường mỗi khi có cháy nổ xảy ra. Bên cạnh các nhà mạng chấp hành tốt hợp đồng treo cáp trên cột điện, vẫn còn tồn tại một số đơn vị tự ý thi công xây dựng mà chưa có sự đồng ý của cơ quan chủ quản, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, khắc phục sự cố lưới điện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Ðại tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Hằng năm, trên địa bàn cả nước đều xảy ra hàng nghìn vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính riêng năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 3.006 vụ cháy làm 98 người chết, 121 người bị thương, thiệt hại trực tiếp về tài sản hơn 1.240 tỷ đồng. Trong số các vụ cháy, tỷ lệ chập điện luôn chiếm số lượng cao, hơn 65% tổng số nguyên nhân các vụ cháy. Ðối với tỉnh ta, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được cấp uỷ, chính quyền, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đặc biệt quan tâm nên đã giảm thiểu tối đa số lượng các vụ cháy lớn. Tuy vậy, năm 2016 toàn tỉnh vẫn còn để xảy ra 64 vụ cháy các loại, trong đó có 31 vụ cháy tại các cột điện, liên quan đến hộp công tơ điện, đường dây dẫn điện, đường dây tín hiệu đi chung với cột điện. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy tại các cột điện, trạm biến áp trong tổng số 41 vụ. Ðiển hình như ngày 27-6 vừa qua, chỉ trong một đêm đã xảy ra 3 vụ cháy tại các cột điện trên địa bàn Thành phố Nam Ðịnh, làm mất điện trên phạm vi rộng. Như vậy, có thể thấy các vụ cháy xảy ra trên các đường dây dẫn điện và cáp tín hiệu đi chung cột điện ở tỉnh ta hằng năm rất nhiều, đáng quan ngại. Song, công tác phối hợp giải quyết các vụ cháy nổ xảy ra tại các cột điện còn nhiều bất cập. Việc giải quyết các vụ cháy phần lớn đều do lực lượng cảnh sát PCCC và ngành Ðiện phối hợp xử lý mà chưa thấy rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan có đường dây treo trên cột điện. Một số vụ cháy nổ xảy ra, đại diện các đơn vị liên quan được thông báo nhưng vẫn không có mặt theo yêu cầu, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC.
Những khó khăn, vướng mắc giữa ngành Ðiện và các đơn vị vận hành hệ thống cáp thông tin treo trên cột điện đã tồn tại nhiều năm gây nên thiệt hại lớn về tài sản, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng con người khi có cháy nổ xảy ra. Vừa qua, ngành Ðiện và 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh đã thống nhất ký quy chế phối hợp để phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan. Quy chế gồm 3 nội dung: Ðẩy mạnh hợp tác trong công tác quản lý treo cáp trên cột điện. Tăng cường chỉnh trang, loại bỏ cáp không còn sử dụng. Phối hợp xử lý nhanh nhất các vụ cháy nổ xảy ra. Nội dung quy chế bảo đảm tính pháp lý theo tinh thần Nghị định 72 của Chính phủ; Thông tư số 10 của Bộ TT và TT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 33 về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông; Quyết định số 201 về quy định treo cáp viễn thông trên cột điện của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Hy vọng, sau khi ký quy chế phối hợp, ngành Ðiện và các đơn vị kinh doanh viễn thông, CNTT sẽ nhanh chóng thực hiện tốt các giải pháp đề ra nhằm không chỉ bảo đảm an toàn cho hệ thống điện, mạng lưới cáp viễn thông mà còn góp phần tích cực đảm bảo mỹ quan đô thị và nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Xuân Thu