Theo báo cáo của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu của tỉnh ta có mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu đạt 600,1 triệu USD, tăng 34,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may vẫn thể hiện thế mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới và khẳng định chỗ đứng vững chắc với giá trị xuất khẩu đạt 480,7 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP May Nam Định, KCN Hòa Xá (TP Nam Định). |
Để có được kết quả sản xuất khả quan đó, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã chủ động bám sát các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, định hướng của tỉnh để điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đồng thời quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp để nâng cao giá trị gia tăng như: chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước; đầu tư chiều sâu vừa nâng cấp các nhà máy sẵn có vừa tiến hành quy hoạch, đầu tư mới để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo quy định của các hiệp định thương mại tự do quốc tế mà nước ta đã ký kết; quan tâm xây dựng đội ngũ kỹ thuật, thiết kế… để chuyển đổi kinh doanh theo phương thức ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc, tức là nhà sản xuất cung cấp cho khách hàng mọi dịch vụ liên quan đến sản phẩm theo ý tưởng của khách hàng), OBM (nhà sản xuất tự thiết kế, sản xuất và phân phối)... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; áp dụng các phương thức quản lý chất lượng doanh nghiệp tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9001:2008, 5S, TPM). Các doanh nghiệp như Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP Thúy Đạt, Cty CP Thủy Bình... đã tập trung nguồn lực đầu tư tham gia sản xuất các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cty CP Thúy Đạt đã đầu tư hệ thống nhà máy liên hoàn từ khâu kéo sợi, dệt, tẩy nhuộm, may, kiểm hóa… để hoàn thiện sản phẩm tại KCN Hòa Xá. Đến nay, riêng sản phẩm sợi không chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất khăn, vải tại chỗ mà còn cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cũng do chủ động được nguồn nguyên liệu, áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đối với doanh nghiệp dệt may như (ISO, 5S, SA8000…) nên sản phẩm sợi, vải, khăn bông, quần áo của Cty đáp ứng hầu hết yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, Cty tiếp tục tập trung vốn đầu tư khu liên hiệp dệt may xuất khẩu trên diện tích 15 nghìn m2 tại xã Nghĩa An (Nam Trực). Đây là khu sản xuất khép kín từ khâu sơ chế bông, sản xuất sợi và hoàn thiện sản phẩm khăn xuất khẩu với công suất 1.800 tấn khăn/năm và 3.600 tấn sợi. Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) đã đầu tư trên 120 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy kéo sợi OE công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hòa Xá và chuyển từ phương thức hợp đồng gia công sang xuất khẩu trực tiếp, lấy xuất khẩu làm định hướng phát triển. Khi nhà máy sợi thứ 3 của Cty đi vào hoạt động với các thiết bị và công nghệ nhập của I-ta-li-a, Đức (thiết bị máy sợi con dài 1.008 cọc, đổ sợi tự động) đã góp phần nâng năng lực sản xuất của Cty lên gần 10 tấn sợi, trên 3.000 tấn khăn các loại mỗi năm… Cty CP Thủy Bình (KCN Hòa Xá) đã đầu tư nhà máy sản xuất sợi len theo công nghệ mới, giúp gia tăng tối đa độ bền màu, thân thiện với môi trường và không gây độc hại. Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận sản xuất sợi len xuất khẩu, đặc biệt quy trình sản xuất và sản phẩm lại đạt tiêu chí thân thiện với môi trường (thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng, không sử dụng hóa chất độc hại để nhuộm len…) nên sản lượng sợi len của Cty chiếm đến 45% thị phần cả nước. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tuy sản lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nhưng đây là bước chuyển biến quan trọng để các doanh nghiệp ngành dệt may chủ động tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất. Trong năm 2016, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định (KCN Hòa Xá) do Vinatex đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng, quy mô 3 vạn cọc sợi, sản lượng 4.770 tấn/năm (Ne30), được trang bị dây chuyền tiên tiến và hiện đại nhất thế giới hiện nay chính thức đi vào hoạt động đã giúp ngành công nghiệp dệt may có thêm một địa chỉ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp. Đây là cơ sở để những năm tới ngành dệt may của tỉnh có thể tăng giá trị lợi nhuận nhờ giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu, các Cty CP May Sông Hồng; Cty CP May Nam Hà; Cty CP May Nam Định; Cty CP May Nam Tiệp; Cty CP Thời trang Thể thao Giao Thủy... đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động; chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường; quan tâm đầu tư các khâu kỹ thuật, thiết kế kết hợp với chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... để chủ động tham gia sản xuất các hợp đồng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm); ODM; OBM... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn... Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may của tỉnh ta đã giữ vững được thị trường, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao như: Cty CP May Sông Hồng đạt trên 119 triệu USD; Cty CP May Nam Hà đạt gần 8 triệu USD; Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đạt 6,5 triệu USD; Cty CP Thời trang thể thao Giao Thủy đạt 8,8 triệu USD...
Việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị (từ các khâu sản xuất nguyên liệu, thiết kế, gia công sản phẩm…), áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định là những biện pháp hiệu quả để các doanh nghiệp dệt may Nam Định tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao lợi nhuận sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, vấn đề nâng cao giá trị gia tăng của các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: phần lớn các doanh nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công đơn thuần (CMT); công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc thiếu đồng bộ; năng suất lao động thấp cộng với khả năng quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; chưa quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo chuyên sâu... Để giữ vững vị thế ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, đủ năng lực hoàn thành các hợp đồng lớn khi vấn đề lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh từng doanh nghiệp và toàn ngành dệt may tỉnh ta cần có phương án cải tổ, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới./.
Bài và ảnh: Thành Trung