Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nhưng do nhiều nguyên nhân nên công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn huyện Nam Trực vẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân. Cụ thể như Cty TNHH Tùng Dương tái chế dầu thải tại xóm 16, xã Nghĩa An (Nam Trực) trong một thời gian dài liên tục bị người dân khiếu kiện, phản đối. Hoặc dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh do Sở TN và MT làm chủ đầu tư được triển khai từ giữa năm 2015 nhưng chậm tiến độ. Khi khảo sát lập dự án mới có hơn 100 hộ sản xuất cô đúc nhôm từ vỏ lon bia nhưng đến nay đã có hơn 300 hộ sản xuất, kéo theo gia tăng lượng chất thải phát sinh. Dự án đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, xây dựng khu chứa chất thải nguy hại, trạm xử lý nước thải và bàn giao cho UBND xã quản lý. Các phần việc còn lại phải triển khai của dự án là: nạo vét 1,5km kênh mương bao quanh làng nghề (bề mặt là chất thải, phía dưới là bùn); các hộ sản xuất phải làm hố ga, lắp đặt ống khói có chiều cao theo quy định của dự án (dự án hỗ trợ 50% kinh phí, hộ sản xuất phải chi trả 50% còn lại); mức thu phí nước thải của các hộ sản xuất do UBND xã họp các hộ sản xuất để thống nhất. Tuy nhiên, đến nay, các hộ sản xuất chưa xây dựng hố ga và vẫn đổ thẳng chất thải ra kênh, gồm nước thải, các vật dụng thông thường, rác thải dẫn đến tình trạng máy bơm của trạm xử lý nước thải có lúc không hoạt động được, nước thải ứ đọng chảy tràn vào sân của một số hộ gia đình gần khu vực; một số hộ dân thôn Trung Thắng đã lấy bao cát ngăn sông CB2. Về rác thải, toàn huyện hiện có 8 xã đã xây xong lò đốt rác, 2 xã đang xây dựng lò đốt, 5 xã có bãi chôn lấp rác tập trung, 19/20 xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom mới đạt 83%, các bãi xử lý rác bằng chôn lấp bộc lộ nhiều hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường, một số lò đốt rác hoạt động không đều, chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, tình trạng xả rác thải bừa bãi ra các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, khu vực công cộng rất nghiêm trọng, không kiểm soát được. Trong đó, tình trạng chưa nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT trong các doanh nghiệp, làng nghề là một trong các nguyên nhân phát sinh tố cáo, khiếu kiện, phản đối doanh nghiệp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội tại các địa bàn. Trước thực trạng này, huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp giải quyết tháo gỡ bất cập trong công tác BVMT.
|
Một cơ sở tái chế nhôm tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực). |
Đối với việc nổi cộm của Cty TNHH Tùng Dương, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã phối hợp với Sở TN và MT đề nghị và được Tổng cục Môi trường tập trung xem xét hồ sơ, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện hành nghề quản lý chất thải nguy hại của Cty TNHH Tùng Dương và chỉ đạo việc lấy mẫu quan trắc, phân tích chất thải, giám sát hoạt động của Cty. Nếu đủ điều kiện đề nghị Tổng cục Môi trường có văn bản trả lời để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động; nếu Cty không đủ điều kiện đề nghị Tổng cục Môi trường thu hồi giấy phép hành nghề quản lý chất thải tạo thuận lợi cho công tác quản lý ở địa phương. Mặt khác, UBND huyện phối hợp với Sở TN và MT kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của Cty TNHH Tùng Dương và định kỳ quan trắc, phân tích các chỉ số khí thải, nước thải sau hệ thống xử lý. Qua thời gian tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý của địa phương và ngành chức năng, đến nay, khối doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến về ý thức, chủ động thực hiện trách nhiệm và các quy định về BVMT, không xả thải gây ô nhiễm ra môi trường. Theo kết luận của Thanh tra Bộ TN và MT đối với kết quả quan trắc nước thải, khí thải của Cty TNHH Tùng Dương, Cty đã thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp BVMT và các quy định pháp luật về BVMT. Ngày 13-6-2017, Sở TN và MT đã công bố kết quả phân tích nước thải, khí thải của Cty TNHH Tùng Dương cho thấy trong các đợt quan trắc, phân tích tháng 3 và tháng 5-2017, cả hai chỉ số về khí thải tại ống lò chưng cất dầu và nước thải sau xử lý đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Để khắc phục các bất cập trong thực hiện dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên, UBND huyện đã giao cho UBND xã Nam Thanh phối hợp với các tổ chức chính trị, cơ quan đoàn thể tiếp tục vận động nhân dân nói chung và các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT, vận động nhân dân thôn Trung Thắng tháo dỡ các bao cát đang ngăn dòng chảy tại sông CB2. Vận hành tốt trạm xử lý nước thải do dự án bàn giao để tránh gây ách tắc dòng chảy. Xã phải hoàn tất các công việc: tổ chức họp các hộ gia đình sản xuất để thống nhất mức thu phí nước thải sản xuất làm căn cứ để thu phí; thống nhất thời gian vận hành của trạm xử lý nước thải để giảm chi phí xử lý nước thải cho các hộ gia đình sản xuất; phối hợp với đơn vị tư vấn về quy cách, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật trong việc xây hố ga và lắp đặt hệ thống ống khói; tìm vị trí đất phù hợp để tiến hành nạo, hút bùn sông Ba Cồn và sông CB2. Về lâu dài, xã phải xây dựng kế hoạch BVMT làng nghề Bình Yên trình UBND huyện phê duyệt theo quy định của pháp luật. Thành lập tổ tuần tra, kiểm soát việc thu mua nguyên liệu đầu vào phục vụ nấu nhôm của thôn Bình Yên; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đổ chất thải không đúng nơi quy định. Hiện tại, Sở TN và MT đã phối hợp chỉ đạo Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan tiến hành việc nạo vét lớp bùn thải nguy hại của sông Ba Cồn và sông CB2 để tập kết về nơi xử lý theo quy định. Sở TN và MT sẽ tăng cường phối hợp UBND xã Nam Thanh triển khai các hợp phần còn lại của dự án; chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp giúp xã quản lý, vận hành an toàn, thông suốt việc bơm nước thải, xử lý nước thải. Để khắc phục bất cập trong thu gom, xử lý rác thải, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương nâng cao tỷ lệ thu gom, chất lượng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý dứt điểm tình trạng xả thải ra các trục đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều. Cuối tháng 4-2017, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải công cộng và tiến hành cắm biển cấm, treo băng rôn tuyên truyền việc cấm xả rác thải không đúng quy định. Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết về tổ chức thu gom, xử lý rác thải dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân; huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch thu gom, xử lý rác thải; bảo đảm không thực hiện chung chung, hình thức. Tại các địa phương đã xây dựng lò đốt rác gồm: Nam Thanh, Nam Hồng, Nam Thái, Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Thắng, Nam Tiến và Thị trấn Nam Giang tiến hành rà soát lại các thông số kỹ thuật theo quy định của Bộ TN và MT để bảo đảm vận hành lò đốt rác an toàn, liên tục. Lập phương án chủ động duy trì, bảo dưỡng, khắc phục sự cố, không để lò đốt rác bị gián đoạn hoạt động; xây dựng phương án bảo vệ riêng cho lò đốt rác trong mùa mưa bão; xây dựng bổ sung đầy đủ các công trình phụ trợ của lò đốt rác như tường bao, nhà bảo vệ, kho chứa chất thải nguy hại... Tại 2 xã đang xây dựng lò đốt rác gồm Nam Hải, Nghĩa An tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình của khu xử lý, lắp đặt thiết bị lò đốt rác đảm bảo thông số kỹ thuật theo quy định.
Kiện toàn, thành lập tổ vận hành lò đốt tại khu xử lý, duy trì tốt hoạt động tổ dịch vụ thu gom rác thải toàn xã. Tại 5 xã đã xây dựng bãi chôn lấp tập trung Nam Mỹ, Nam Toàn, Nam Lợi, Đồng Sơn, Nam Dương tiến hành bổ sung đầy đủ các công trình phụ trợ của bãi chôn lấp; bổ sung cây xanh phù hợp nhằm hạn chế phát tán ô nhiễm môi trường; thực hiện các biện pháp bảo đảm không để nước bãi rác chảy ra môi trường xung quanh. Tại 5 xã đang sử dụng bãi rác tạm gồm: Nam Cường, Tân Thịnh, Hồng Quang, Bình Minh, Điền Xá tiến hành xây dựng lò đốt rác theo quy mô mỗi xã chỉ có 1 lò. Bên cạnh đó, các địa phương còn tập trung nâng cao chất lượng công tác thu gom rác thải theo hướng đổi mới hình thức tổ chức lực lượng thu gom, pháp nhân hóa lực lượng bằng cách ghép vào các HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc thành lập các tổ hợp tác thu gom xử lý rác thải./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý