“Hoa thạch thảo (còn có tên gọi khác là hoa lưu ly) được đưa vào trồng trên đồng đất quê tôi từ khoảng chục năm trước. Khoảng 2 năm trở lại đây, hoa được trồng đại trà với quy mô lớn hơn. Với đặc tính cho thu hoạch quanh năm, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, hoa thạch thảo đang dần trở thành cây trồng mới của những hộ gia đình nông dân ở Nam Phong”, bà Trần Thị Xuyên, xã Nam Phong (TP Nam Định) cho biết.
Tháng 4 hằng năm, khi thời tiết bắt đầu trở nên nóng hơn, bà Trần Thị Xuyên lại bắt đầu mùa trồng hoa thạch thảo. Để chuẩn bị cho mùa gieo trồng, bà Xuyên cày bừa, xáo xới để đất “hả hơi”, ngăn chặn sâu bệnh. Sau đó, bà rắc một lớp trấu trộn lẫn phân gà lên, dùng tay lấp 1 lớp đất nữa phủ lên mặt trấu. Đợi thêm nửa tháng cho trấu lẫn đất “ngấu”, bà Xuyên cẩn thẩn đảo lại đất rồi mới đánh luống chuẩn bị trồng hoa. Hoa thạch thảo được trồng theo cách tự tỉa cây con từ gốc thạch thảo mẹ. Do đó, người trồng chỉ mất công mua giống một lần. Chọn những cây con khỏe mạnh từ ruộng cây vụ trước, bà Xuyên cẩn thận tách những cây con ra khỏi thân mẹ để nhân giống. Khi cấy cây con, bà Xuyên ước lượng hàng cách hàng, cây cách cây khoảng 20cm. Cấy hoa thạch thảo cũng giống như cấy lúa. Khi cây con cao được khoảng 60cm, bà Xuyên bón 1 lớp phân đầu trâu với lượng 5 kg/sào để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Sau khi bón phân, bà Xuyên dùng vòi tưới đẫm nước để phân có thể nhanh chóng hòa tan vào đất nuôi cây. “Kể từ đó cho đến khi trồng lứa mới, chỉ trừ những ruộng hoa quá xấu, tôi không phải bón thêm phân lần nào nữa. Đây cũng là một trong những ưu thế của hoa thạch thảo khi trồng so với các loại cây hoa khác”, bà Xuyên chia sẻ.
Bà Trần Thị Xuyên, xã Nam Phong (TP Nam Định) chăm sóc ruộng hoa thạch thảo của gia đình. |
Khi những ruộng hoa thạch thảo của bà Xuyên hé lộ những nụ hoa đầu tiên, vợ chồng bà bắt đầu làm “giá đỡ” cho hoa. Chọn mua những cây luồng già, ông bà ngồi hì hục cưa thành những đốt dài vài chục phân, chẻ làm ba, bốn mảnh, vót nhọn một đầu đóng xuống đất để đỡ cây. Mục đích là để đỡ cây khỏi ngã, giữ thế và dáng cho cây. Bởi, thân hoa thạch thảo tương đối mảnh trong khi cây lại khá nhiều lá và nụ hoa dễ làm cây bị đổ khi có gió to. Về việc phòng dịch bệnh cho hoa thạch thảo, theo những hộ dân trồng hoa lâu năm ở Nam Phong, đây là loại cây rất ít khi bị bệnh, thậm chí ít bị sâu bệnh nhất trong số các loại cây hoa mà người dân đang trồng. Bà Xuyên còn cho biết, “khi nào chúng tôi phun thuốc trừ sâu cho cúc thì chúng tôi phun luôn cho thạch thảo, thậm chí có năm chúng tôi không phải phun thuốc trừ sâu cho hoa”. Mặc dù là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và phù hợp với khí hậu của đồng đất Nam Phong nhưng thạch thảo cũng có những “yêu cầu” nhất định để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đó là điều kiện ánh sáng. Do đó, điều quan trọng nhất khi trồng thạch thảo bà con nông dân cần chú ý là đảm bảo cường độ ánh sáng cho cây. Vì vậy, người trồng cần phải đầu tư hệ thống đèn điện chiếu sáng cho hoa thạch thảo. Trước mỗi mùa hoa, các hộ gia đình trồng thạch thảo ở Nam Phong đều phải thắp điện cho cây. Mỗi đêm, họ thắp điện khoảng 8-10h, trung bình 75 bóng đèn cho 1 sào hoa. Cây sau khi trồng được 20 ngày thì bắt đầu thắp điện sáng vào ban đêm, thắp trong vòng 1 tháng thì ngừng để cây chuẩn bị cho hoa.
Vườn hoa thạch thảo của bà Trần Thị Xuyên hiện đang ở những tháng cuối cùng của đợt thu hoạch mới. Tính từ thời điểm bắt đầu trồng, cứ khoảng 3 tháng, cây cho thu hoạch một lần với năng suất trung bình đạt 2,5 tấn/sào/lứa. Với giá bán trung bình 1.000-1.500 đồng/cành vào những ngày thường và 3.000 đồng/cành vào dịp Tết, trung bình mỗi năm, gia đình bà Xuyên thu được khoảng 70-80 triệu đồng/sào hoa thạch thảo. Hoa được giá khiến bà con nông dân trồng thạch thảo hết sức phấn khởi. Đặc biệt, đây là loại hoa còn tương đối mới trên địa bàn tỉnh nên đầu ra rất dễ tiêu thụ. Vào vụ thu hoạch, một ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều bà Xuyên lại cắt hoa để con dâu chở ra bán ở các chợ lẻ trên địa bàn Thành phố Nam Định. Hoa ra chợ đến đâu được bán hết đến đó, hầu như không có hoa tồn. Thậm chí, người trồng còn không có nhiều hoa để nhập bán buôn cho các thương lái. Vì vậy, các hộ gia đình trồng hoa thạch thảo hầu như không phải lo về đầu ra. Hiện, trong xã Nam Phong ở nhiều xóm có khá nhiều các hộ gia đình trồng hoa thạch thảo với số lượng lớn có thể kể đến như: gia đình anh chị Ký, Đài, trồng 2,5 mẫu hoa thạch thảo. Gia đình anh Thi, gia đình bà Xuyên, Thiềm, hộ gia đình chị Yến… đều trồng từ 1-2 sào hoa trở lên. Với giá trị kinh tế cao, bà Xuyên cho biết, thời gian tới, gia đình bà đang có ý định phá bỏ ruộng cúc để nhân rộng sang trồng hoa thạch thảo. Như vậy, việc bà con nông dân tiếp tục chuyển đổi dần diện tích trồng các loại hoa khác sang trồng thạch thảo là điều không có gì lạ. Tuy nhiên, vì đây là loại hoa tương đối mới trên đồng đất Nam Phong nên một số hộ gia đình vẫn còn nhiều lúng túng, băn khoăn. Ví dụ như, số giờ chính xác cần chiếu sáng cho hoa. Bên cạnh đó, hoa thạch thảo có một đặc tính là sau khoảng 2 năm trồng lại phải chuyển đổi hoặc trồng mới. Ngoài ra, nụ hoa thạch thảo khá nhạy cảm với ánh nắng nên vào mùa hè, nụ hoa thường bị ánh nắng mặt trời làm cho teo, héo, không bảo quản được lâu… Trước những đặc điểm đó của cây hoa, các hộ gia đình trồng hoa ở Nam Phong đang vừa trồng, vừa tìm cách tháo gỡ những vướng mắc này và từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng thạch thảo.
Giữa màu đỏ của hồng, màu vàng, trắng của cúc, rực rỡ sắc màu của những ruộng hoa ly, hoa cát tường, hoàng anh…, những vạt hoa tím thạch thảo ở Nam Phong dù vẫn còn khá khiêm tốn nhưng đang báo hiệu những mùa vụ bội thu, hướng đi mới đúng đắn của bà con nông dân nơi đây. Mạnh dạn trồng, mạnh dạn thử nghiệm giống mới, cây hoa thạch thảo đang không phụ công chăm sóc của những người nông dân cần mẫn, hay lam hay làm. Để giữa chiều hè, màu hoa tím ngọt ngào của những vạt hoa thạch thảo đang góp phần làm đa dạng, phong phú thêm giống hoa trên những cánh đồng. Để mỗi mùa hoa của người dân là một mùa hy vọng mới./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân