Hải Triều đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất

08:07, 17/07/2017
Không có đất canh tác lúa, từ thời mở đất, người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) chỉ quen với nghề biển như làm muối và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Để người dân khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển và làm giàu từ biển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều kênh thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND xã ra nghị quyết chuyên đề về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá chuyển đổi sản xuất, nâng cao đời sống người dân vốn thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của tỉnh, đồng thời đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên. 
Lắp đặt thiết bị quạt nước tạo ô xy cho ao nuôi tôm công nghiệp tại gia đình anh Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình, xã Hải Triều.
Lắp đặt thiết bị quạt nước tạo ô xy cho ao nuôi tôm công nghiệp tại gia đình anh Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình, xã Hải Triều.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới đại hội nhiệm kỳ 2016-2021, Đảng bộ xã tập trung thảo luận, bàn hướng phát triển kinh tế; trọng tâm là phát triển kinh tế biển, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành nghề, khuyến khích các hộ nông dân chủ động cải tạo vườn tạp để có đất phát triển trồng màu. Trong đó lấy ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế. Nghị quyết được quán triệt phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã để thực hiện. Xã giao cho các ban, ngành, đoàn thể chính trị chủ động đề xuất với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Khuyến nông huyện… tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Đồng thời tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau màu, trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nhiều kỹ thuật mới như trồng rau màu, nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP; chăn nuôi an toàn sinh học được người dân tiếp nhận và áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật của cả Trung ương và địa phương để hỗ trợ, khuyến khích người dân ứng dụng vào sản xuất. Nhờ đó, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được lựa chọn và ứng dụng vào 3 mũi nhọn kinh tế của xã là trồng rau màu, khai thác và nuôi thủy sản. Trong đó nghề khai thác thủy sản tập trung đầu tư hoán cải, nâng cấp tàu cá; chuyển đổi từ khai thác thủ công sang bán công nghiệp với nhiều thiết bị hỗ trợ khai thác như: thiết bị định vị, thiết bị dò luồng cá; bộ đàm thông tin liên lạc tầm xa… Do đó nghề khai thác thủy sản của xã phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, toàn xã có 65 tàu đánh bắt cá xa bờ có công suất từ 400-950CV (trong đó có 5 tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ); hơn 100 tàu thuyền khai thác gần bờ và rất nhiều thiết bị máy chuyên nghề lưới ghẹ, lưới cá bường. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nghề khai thác thủy sản của xã giảm được chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao và đặc biệt là giảm được số lượng lao động trên mỗi tàu thuyền. Trên 300 hộ chuyên khai thác thủy sản của xã đã có mức thu nhập trung bình từ trên 200 triệu đồng/năm trở lên. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2016 đạt trên 7.000 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nghề đi biển, trong 5 năm qua, xã đã chuyển đổi được hơn 120ha ruộng muối năng suất thấp sang nuôi trồng thủy, hải sản và trồng màu. Trong tổng số 120ha diện tích nuôi các loại thủy sản tôm, cua, cá có 40ha áp dụng quy trình nuôi công nghiệp. Đặc biệt là ngoài việc áp dụng triệt để các quy trình kỹ thuật chăm sóc con nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia, các hộ nuôi thủy sản ở xã đã biết kết hợp khoa học với kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý nguồn nước ao nuôi khi thời tiết bất thuận phù hợp với điều kiện cụ thể đạt hiệu quả tốt. Theo đó vào thời điểm có mưa lớn kéo dài, các hộ dân đồng loạt xả tràn nước ngọt trên tầng mặt và sục khí ao nuôi để tránh hiện tượng phân tầng môi trường nước. Đồng thời theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi để kịp thời bổ sung các khoáng chất cần thiết cho con nuôi cũng như bổ sung men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn để đối tượng nuôi có thêm sức đề kháng chống chọi với thay đổi của môi trường, phát triển khỏe mạnh. Nhờ sự chăm sóc khoa học và tỉ mỉ nên hầu hết các ao nuôi trên địa bàn xã đều ít gặp dịch bệnh do môi trường hay thời tiết mang lại. Năm 2016, sản lượng nuôi thủy sản của xã đạt trên 250 tấn, tăng 17,5% so với năm 2015. Tiêu biểu trong việc ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm như hộ gia đình các anh: Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình; Trần Văn Thiêm, xóm Tân Thịnh. Trong sản xuất rau màu, mặc dù mới chỉ tập trung phát triển khoảng chục năm nay nhưng người trồng màu xã Hải Triều đã nhanh chóng đạt giá trị thu nhập 120 triệu đồng/ha. Đây là mục tiêu phấn đấu mà rất nhiều địa phương trong toàn tỉnh chưa đạt được. Để có được kết quả đó, ngay từ khi có quyết định chuyển đổi đất làm muối kém hiệu quả sang trồng màu, Đảng ủy, UBND xã đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cải tạo đất, kỹ thuật thâm canh, lựa chọn giống cây trồng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị hiếu người tiêu dùng. Do đó toàn bộ diện tích trồng màu, bà con nông dân lựa chọn các giống cây có giá trị kinh tế cao như cà rốt, dưa lê, dưa hấu, hành hoa và cà chua làm cây chủ lực. Mùa nào thức nấy, cây trái xum xuê cho năng suất cao. Cây trồng có địa chỉ liên kết tiêu thụ nên người dân phấn khởi đầu tư thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình và dụng cụ làm vườn để nâng cao hiệu quả lao động như dụng cụ làm đất đa năng được người dân xã Hải Triều nghiên cứu chế tạo tận dụng động cơ cũ của xe máy đang hoạt động rất hiệu quả giúp ích tích cực cho các hộ dân trồng màu trong xã. Nhiều gia đình còn đầu tư thiết bị tưới nước tự động phục vụ sản xuất. 
 
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt và nâng cao nhận thức cho người dân xã Hải Triều. Từ một xã chân sóng khó khăn về kinh tế, đến nay, tổng giá trị sản xuất của xã đạt trên 300 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/năm./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com