Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh ta đang không ngừng được đầu tư, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các CCN, KCN vừa khởi công ở vùng ven biển hay các khu đô thị, khu tái định cư ở Thành phố Nam Định và trung tâm các huyện khi đưa vào hoạt động đều bảo đảm có điện ngay nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đó là nỗ lực lớn của ngành Điện trước yêu cầu phải có điện để vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ nhu cầu dân sinh. Tính chung trong 10 năm gần đây, khối lượng quản lý, vận hành của Cty Điện lực Nam Định đã tăng thêm 6 lần, góp phần quan trọng đưa điện đến 100% hộ gia đình ở 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Khối lượng công trình điện tăng nhanh đòi hỏi công tác quản lý, vận hành phải thật an toàn, khoa học, đặc biệt trong mùa mưa bão. Số liệu từ Cty Điện lực Nam Định cho thấy, hiện tại lưới điện đầu nguồn đang cung ứng vào tỉnh ta thực hiện thông qua 11 trạm biến áp 110kV và máy biến áp T3 của trạm 220kV Nam Định với tổng công suất 575 nghìn kVA. Lưới điện trung áp gồm 89 lộ đường dây từ 22 đến 35kV với chiều dài 2.319,4km. Đây là mức điện áp cao, rất dễ gây nguy hiểm trong mỗi mùa mưa bão nên ngành Điện đang từng bước ngầm hoá các lộ trung áp. Tính đến giữa năm 2017, Cty Điện lực Nam Định đã chôn ngầm được 103,18km tuyến trung áp, tập trung ở các đô thị, các tuyến vượt sông và các điểm giao cắt đường bộ. Về lưới điện hạ áp, toàn tỉnh hiện có 13.537km đường dây các loại cung ứng điện đến 686.482 khách hàng. Hệ thống trạm điện phân phối tiếp tục tăng nhanh, đạt mức 3.209 máy biến áp có tổng công suất hơn 1.159MVA. Cùng với đó, ngành Điện còn xây dựng hệ thống đường điện riêng biệt với 13 máy biến áp có tổng dung lượng 35.760kVA cung ứng đến 8 trạm bơm đầu mối gồm Hữu Bị (Mỹ Lộc); Cốc Thành, Sông Chanh (Vụ Bản); Vĩnh Trị, Quỹ Độ, Cổ Đam (Ý Yên); Kênh Gia, Quán Chuột (TP Nam Định).
|
Lực lượng xung kích của Cty Điện lực Nam Định thực hành vận chuyển cột điện ly tâm ứng cứu cho địa bàn gặp sự cố trong diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017. |
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống, giảm thiểu tối đa sự cố mất điện trong mùa mưa bão năm 2017, Cty Điện lực Nam Định đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chi tiết, cụ thể, giao cho các đơn vị thành viên thực hiện với mục đích không ngừng nâng cao năng lực xử lý tình huống, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên về bảo vệ tài sản của ngành Điện cũng như tính mạng của nhân dân. Phương án năm nay xây dựng theo phương pháp từ dưới lên trên, bảo đảm nguyên tắc “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ cho cả 3 giai đoạn trước, trong, sau thiên tai xảy ra. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, trong phương án lần này, ngành Điện đã đề ra các nhóm giải pháp sát đúng với thực tiễn khi lưới điện vận hành ổn định, không ổn định và lúc có bão xảy ra, bảo đảm phù hợp với từng khu vực dân cư, từng vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện lưới điện vận hành ổn định, mỗi huyện sẽ được cấp điện ổn định từ một trạm biến áp đầu nguồn 110kV đã xây dựng ngay trên địa bàn hành chính của đơn vị đó với khoảng cách dẫn điện an toàn từ 5 đến 20km. Riêng đối với Thành phố Nam Định, do nhu cầu sử dụng điện cao, nên nguồn điện được bố trí từ 4 trạm biến áp 110kV bao gồm: Phi Trường, Mỹ Xá, Trình Xuyên, Mỹ Lộc và máy biến áp T3 của trạm 220kV Nam Định. Khi lưới điện vận hành không ổn định và có bão dẫn đến mưa to, gió lớn làm ngập lụt trên diện rộng, địa bàn Thành phố Nam Định được thay đổi kết cấu dây để lấy điện chủ yếu từ 3 nguồn của trạm 110kV Mỹ Xá, Phi Trường và trạm 220kV Nam Định, bởi các trạm điện này đều nằm trong nội đô thành phố. Tại khu vực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, ngành Điện sẵn sàng bố trí máy phát điện công suất lớn 250kVA để vận hành khi có nhu cầu nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh. Ở các huyện, lúc có sự cố nhỏ, cục bộ, ngành Điện thực hiện phân đoạn, thay đổi kết cấu của từng tuyến dây, đồng thời huy động thêm nguồn điện 35kV từ Cty Điện lực Ninh Bình, Hà Nam và Nhà máy điện Ninh Bình về tỉnh để hạn chế tối đa việc ngừng cấp điện, đặc biệt tại khu vực trung tâm huyện, các bệnh viện đa khoa, nơi bố trí cột phát sóng viễn thông, địa điểm có 28 trạm bơm chống úng cố định, dã chiến ở các xã vùng đất trũng.
Nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất kế hoạch cấp điện trong mùa mưa bão, Cty Điện lực Nam Định đã chỉ đạo Điện lực các huyện, Thành phố Nam Định tăng cường kiểm tra đường dây, thiết bị điện và khắc phục ngay các tồn tại, khiếm khuyết như cầu dao, lèo, mối nối, cột điện nứt, vỡ; tổ chức gia cố hệ thống móng cột nơi xung yếu; tiến hành phát quang hành lang tuyến, ngăn chặn tình trạng cây xanh va chạm vào đường điện dẫn đến phóng điện gây nguy hiểm cho người, vật nuôi. Ngành Điện đã hoàn thành đầu tư, xây dựng, sửa chữa, cải tạo lưới điện trước mùa bão lũ, gồm xây mới 50 trạm biến áp phân phối, 61,7km đường dây trung thế và 70,4km đường dây hạ thế. Về nhân lực, Cty Điện lực Nam Định đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 26 thành viên, được trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật, phương tiện vận tải hiện đại sẵn sàng phối hợp cùng lực lượng thường trực ở 10 Điện lực cơ sở bám sát địa bàn, xử lý sự cố lưới điện có thể xảy ra. Bên cạnh đó, ngành Điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp về cách thức sử dụng điện an toàn, hiệu quả; ngăn chặn tình trạng xâm lấn, vi phạm hành lang lưới điện, để hạn chế những thiệt hại xảy ra trong mưa bão.
Với quyết tâm lớn của ngành Điện; sự đồng thuận của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chung tay, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, chắc chắn hệ thống lưới điện trên địa bàn sẽ được bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa sự cố trong mùa mưa bão./.
Bài và ảnh:
Xuân Thu